"Bún riêu mẹ nấu" - Tản văn của Nguyễn Đại Duẫn

Ngày đăng: 09:08 19/10/2020 Lượt xem: 549
-----------------------------------------------------------------
                                               
BÚN RIÊU MẸ NẤU 
TẢN VĂN
 
         Ông mặt trời ló ra khỏi rặng  tre đầu làng, xua đi ngọn gió đông còn sót lại. Nắng  xuân  ấm áp đang hong những vạt sương rải đầy lối đi. Tôi có dịp công tác ghé qua nhà. Gặp mẹ nơi cây đa đầu làng. Mẹ đi làm đồng sớm. Mẹ nhìn tôi từ đầu đến chân, mắng yêu: “Đã lâu không về, tưởng quên bà mẹ này ở quê rồi! Hay lại nhớ bún riêu cua chứ gì?”. Tôi nhìn mẹ cười trừ.  Lưng mẹ giờ đây như đã còng xuống, bóng mẹ hòa vào dòng người  trong sương sớm xa dần, xa dần.
         Quê tôi cũng như bao vùng quê khác, con cua là món ăn dễ kiếm từ đồng ruộng không phải mất tiền mua. Cua đồng có thể chế biến thành nhiều món bổ dưỡng, dễ ăn. Thích nhất là món bún  riêu mẹ nấu.
         Tôi ngồi nhà đợi mẹ. Mẹ về, áo quần lấm bùn, mồ hôi nhễ nhại, tay xách  một bao to cua đồng. Tôi phụ mẹ nhặt những con cua kềnh, lưng vàng ngậy bỏ riêng. Những con bé mẹ băm nhỏ cho gà, vịt. Mẹ hì  hục làm bếp. Mùi hành thơm lừng bốc lên làm cho cái bụng háu đói của tôi sôi gào. Thằng em út lăng xăng quanh vườn kiếm mớ rau sống. Cả nhà ngồi vào mâm. Nhìn nồi riêu thơm lừng bốc hơi, mùi tía tô, húng chanh nồng nồng làm cho tôi bồi hồi nhớ về cái thời còn niên thiếu.
         Cứ vào độ lúa làm đòng, rồi ngậm sữa, sau buổi đi học về  tôi dắt trâu ra đồng và không quên xách giỏ để bắt cua. Lội dọc theo bờ ruộng, cứ tìm thấy hang nào có đất đùn ra cửa thì chắc chắn trong đó có cua. Hang to rộng thường là nơi trú ngụ của những con cua đực càng to tướng, thân có màu vàng sẫm. Cẩn thận, nếu không cái càng mà ngậm vào ngón tay thì chỉ việc giãy nảy, nước mắt ứa ra. Ngày đó cua đồng chẳng xa lạ gì với lũ trẻ chúng tôi. Cua đồng, cái tên của nó giản dị như thân hình của nó vậy. Thân màu nâu sẫm, có hai càng, tám cẳng và quen bò ngang. Thế nên, trẻ con mới có câu ca thường hay đố nhau: “ Con gì tám cẳng hai càng/ Chẳng đi mà lại bò ngang cả ngày”.
         Những ngày hè nắng nóng, cua thường rúc vào hang hoặc bò lên bờ để tránh nắng. Khi ông mặt trời bớt đổ lửa, dòng nước mát mẻ, những chú cua lại rời nhà để tìm nhau, rong ruổi quanh ruộng lúa. Những lúc ấy trong thấy chúng sao mà hiền lành đến ngô nghê. Tôi khẽ khàng bước tới, thò tay nhẹ nhàng  tóm gọn cho vào giỏ mang về. Giỏ cua đầy ắp mang bao niềm  vui đong đầy. Thế nào rồi cũng được mẹ khen. Thực ra mùa nào cũng có cua sinh sản và phát triển. Nhưng  cua mùa xuân ăn ngon hơn, có lẻ do thời tiết mát mẻ, thức ăn đầy đủ.
         Tôi đổ cua ra thùng gánh nước vì sợ cua bò đi mất. Đàn cua lúc nhúc, hoảng sợ, xô đẩy lẫn nhau. Tôi chọn những con cua mới lột xác để rang, những con cua già to nhặt ra để nấu canh, còn lại cho vào vại để muối. Trước khi chế biến, mẹ ngâm cua vào  nước vo gạo cho nhạt bớt mùi tanh của bùn. Mẹ múc gầu nước đổ vào thùng rửa cua cho sạch. Rồi mẹ ngồi nhặt bỏ mai, yếm, khều lấy gạch. Phần thịt cho vào cối giã thật nhuyễn. Cua giã nhừ được lọc vài lần qua lớp vải màn, lấy nước rồi bắc lên bếp củi đun thật nhỏ lửa, thịt cua kết tủa lại thành miếng. Khi thấy tảng thịt ấy nổi lên, mẹ đưa đũa khuấy nhẹ để thịt cua không đọng lại dưới đáy. Mẹ nhẹ nhàng đổ gạch cua vào khiến nồi nước sóng sánh, vàng nghệ. Cuối cùng mẹ cho rau muống, rau đay hoặc mồng tơi đã thái nhỏ cùng mấy lát mướp thơm vào nồi. Đun sôi kĩ, được nồi canh cua đồng ngon tuyệt. Có bữa mẹ nấu canh cua với khế chua hay cà tím cho thêm lá hẹ, húng quế vào. Mùi hẹ, mùi húng quế quyện với riêu cua làm cho nồi canh thơm dịu. Cua đồng có thể chế biến được nhiều món như rang muối, kho rim ớt tỏi, canh riêu, nấu cháo với rau má… Nhưng thích nhất vẫn là món bún riêu cua. Cua bắt ở hang sạch sẽ, thường béo nhiều gạch, nhiều thịt, ăn ngon hơn. Sau  khi được  mẹ chế biến xong món riêu, cho bún, hành vào bát, chan nước riêu cua và nước màu lên trên ăn kèm với đĩa rau sống tươi tạo cảm giác ngon miệng trong những ngày hè nóng bức. Nước riêu thanh ngọt vị của cua, thơm vị hành phi, ngậy của tóp mỡ,  màu nước vàng óng, đẹp mắt, rau sống tươi ngon. Nấu  được món bún riêu cua chẳng hề đơn giản. Khó nhất là nấu được nồi nước, ngọt vị cua chứ không bị tanh, bánh cua to, gạch cua vàng ươm trông đẹp mắt. Mẹ thường cho thêm chút mắm tôm để hương vị bát bún riêu thêm đậm đà .
          Lớn lên, tôi khoác ba lô lên đường nhập ngũ vào quân đội. Cứ mỗi lần nghỉ phép về thăm nhà mẹ lại ra đồng bắt cua về làm món bún riêu mà tôi thích. Mẹ nói: “Bây giờ cua cũng hiếm dần do thuốc hóa học. Nhưng món ăn đơn giản này mà con thích thì mẹ cũng cố làm được”. Nghe mẹ nói mà lòng tôi nghẹn ngào xúc động không nói nên lời.
          Giờ về quê, mẹ đã đi xa, bún riêu mẹ nấu chỉ còn là hoài niệm. Nhớ bún riêu cua thì ra nhà hàng để cảm nhận một chút kí ức. Bún riêu cua nhà hàng không ngon như bún riêu cua của mẹ.  Đã rất nhiều lần tôi thử lí giải vì sao riêu cua mẹ nấu lại ngon đến tuyệt vời như thế. Có lẻ những con cua sinh ra từ đồng đất bạc màu, từ làng quê nghèo khó được nấu bằng bàn tay khéo léo của mẹ? Giữa mùa hè nóng nực, sau buổi làm về mồ hôi lấm tấm, thi nhau chan bát riêu vào bún trong ánh mắt chan chứa yêu thương càng thấm đượm vị ngon của tình cảm gia đình. Riêu cua nhà hàng, họ dùng máy, xay nhỏ cua nên có lẫn cả vỏ ăn nham nhám.  Tiêu mẹ rang chín tới nên vừa thơm vừa cay. Trên mỗi bát bún riêu mẹ còn cắt thêm vài lát thân chuối non thật mỏng, vị chuối ngọt chát làm xua đi vị tanh của cua nên hương vị của bát bún riêu cứ thơm lừng.
         Ruộng đồng giờ đây kênh mương đã bê tông hóa, chẳng còn mấy bờ đất cho cua có nơi trú ngụ. Thuốc trừ cỏ, trừ sâu khiến cua đồng dần dần như tuyệt chủng. Bát canh cua vốn dĩ là thức ăn bình dân của nhà nông nay trở thành đặc sản. Các nhà hàng mua thứ “bột cua”   đút vào tủ lạnh, khi khách gọi thì múc một thìa nhúng vào nồi nấu “tốc hành” để cho ra một thứ riêu lễnh loãng, nổi váng lềnh bềnh, vị tanh lờ lợ. Không ngon, đương nhiên rồi!
Dẫu thời gian có vội vã trôi qua, tuổi thơ với những kỉ niệm về quê hương ngọt ngào đã đi vào kí ức. Với tôi những thứ bình dị ngày nào  vẫn đang còn đọng lại một góc nhỏ nơi tâm hồn. Kỉ niệm cứ lao  xao  trong  niềm nhung nhớ như vừa mới xảy ra từ hôm qua.
         Chiều chiều, ánh mắt cứ nhìn về xa xăm nơi miền quê yêu dấu. Chẳng còn phảng phất khói bếp lam chiều thoảng mùi rơm rạ nữa;  mà  sao tôi cứ lao xao nỗi nhớ quê với những kí ức, những món ăn về cua đồng. Mỗi lần ngồi trong nhà hàng máy lạnh, trước món “ bún riêu cua đặc sản”, tôi chỉ biết lẳng lặng, ngậm ngùi thèm nhớ bún riêu cua mẹ nấu.
 
Ảnh minh họa

Quán Hàu, tháng 7 năm 2020
Nguyễn Đại Duẫn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

tin tức liên quan