Hồ Văn Chi – Cảm nhận bài thơ “Ngày gặp lại” của Nhà giáo, Nhà thơ Võ Thị Bích Hường.

Ngày đăng: 10:50 20/11/2020 Lượt xem: 417

HƯỚNG VỀ KỶ NIỆM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20-11)


-----------------------------------------------------

CẢM NHẬN BÀI THƠ  “NGÀY GẶP LẠI”
CỦA VÕ THỊ BÍCH HƯỞNG

Hồ Văn Chi.
 
NGÀY GẶP LẠI
 
Pháo nổ bom rơi vẫn bám trường
Dẫn trò sơ tán tận xa phương
Áo quần lắm bận vương sương khói
Giáo án nhiều trang lấm bụi đường
Gặp mặt, ôn về thời ác liệt
Cầm tay, nhớ lại thuở thân thương
Ơi cô giáo cũ! Trò xưa ấy!
Có nhận ra nhau giữa hội trường?

Bích Hường.
(Tr.121 Thơ Đường Đà Nẵng V- nxb HNV 2018)
 
 
       Nhà giáo, Nhà thơ Võ Thị Bích Hường, tuổi Mậu Dần (1938), quê Hà Tĩnh, hiện định cư tại thành phố Đà Nẵng cùng con cháu. Tuổi trẻ của chị gắn liền với nghề giáo, dạy học sinh cấp một ở thành phố Vinh. Chồng chị quê Nghệ An, là bộ đội, từ trần sớm. Năm 1986 chị theo con vào sinh sống tại Đà Nẵng. Chị đã viết nhiều bài thơ bằng một số chủ đề về quê hương, tình yêu, nghề nghiệp và cả cho con cháu nữa. Chị là một trong những hội viên lớn tuổi, tích cực  của Chi hội thơ Đường luật Đà Nẵng và các Câu lạc bộ thơ khác tại Đà Nẵng. Xem thơ chị, tôi đặc biệt có ấn tượng với bài  thơ “NGÀY GẶP LẠI”.
       Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay- 20/11/2020, tôi muốn viết những dòng cảm nhận của mình đối với bài thơ này để tặng chị.
       Theo chị kể, chị viết bài thơ này vào năm 2006 khi đã vào tuổi “cổ lai hy”; Khi đó, chị được mời về dự hội trường, thăm lại trường xưa. Ôi! Nói sao hết những cảm xúc dâng trào khi được gặp lại các đồng nghiệp cũ và đặc biệt là những cô, cậu học trò nhỏ ngày nào nay cũng đã là những thầy, cô giáo cũ của nhà trường; rồi cô giáo xưa và học trò cũ ôm nhau giữa hội trường và chị đã thảng thốt kêu lên:
        Ơi cô giáo cũ! Trò xưa ấy!
        Có nhận ra nhau giữa hội trường?

     Hai câu kết của bài thơ xuất phát tự đáy lòng cũng chính là cảm xúc để cô, trò cùng ôn lại những kỷ niệm xưa... và kỷ niệm xưa được từ từ tái hiện theo dòng xúc cảm qua các cặp đề, thực, luận, kết của bài thơ!
      Với đề bài “NGÀY GẶP LẠI” thì tác giả có thể viết về nhiều kỷ niệm lắm! Nhưng kỷ niệm sâu sắc và có thể nói là không thể nào quên của chị là những năm tháng cả miền Bắc nước ta phải chịu những trận bom ác liệt do chiến tranh phá hoại của Đế Quốc Mỹ gây ra và các thầy, cô giáo cùng học trò đã phải đi sơ tán xa trường để việc dạy và học được tiếp tục an toàn.
      Nên, ngay  từ hai câu đầu tác giả đã viết:
             Pháo nổ bom rơi vẫn bám trường
             Dẫn trò sơ tán tận xa phương

      Những ai đã từng sống và vượt qua những  năm tháng cam go ác liệt đó mới thấy hết được giá trị hiện thực của hai câu thơ này! Khi Đế quốc Mỹ hung hăng tuyên bố đánh cho miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá thì quân dân ta đã kiên cường đánh bại chúng từ đợt này đến đợt khác, từ trận này đến trận khác. Và những mầm non của đất nước trong khói bom vẫn được các thầy cô đùm bọc che chở, vượt qua mọi khó khăn, ác liệt...để tiếp tục được học dù ở dưới hầm sâu hay trong  những căn hầm chữ A phòng tránh bom Mỹ.
       Qua cặp thực, tác giả đã tả lại một cách trung thực hình ảnh của mình (cũng như những thầy cô khác) trên đường đến lớp khi đó:
             Áo quần lắm bận vương sương khói
             Giáo án nhiều trang lấm bụi đường

      Chúng ta có thể hình dung được hình ảnh của cô giáo trẻ hồi đó, tất tả, gò mình trên cái xe đạp lấm lem bụi đất, ra đi từ sáng sớm để vượt qua những trọng điểm  mà máy bay Mỹ thường ném bom, nên mới có cảnh “áo quần lắm bận vương sương khói “. Hai từ “sương khói” ở đây, theo tôi nó có giá trị văn chương lắm! Trong buổi sáng tinh  mơ, đáng lẽ những hạt sương sẽ rất long lanh tinh khiết; nhưng vì do Mỹ mới thả bom cách đó không lâu nên mới thành ra “sương khói”; khói trong sương và sương  hoà vào khói! Và cũng vì tất tả để vượt qua các trọng điểm mà có lúc tập giáo án của cô giáo đã rơi xuống và lấm cả bụi đường! Thời kỳ đó, những thầy cô giáo phải vượt qua những bãi hố bom giặc để đến lớp, cũng chẳng khác gì những người chiến sĩ trên chiến trường cả. Đúng như bài hát “Hành khúc ngày và đêm “ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có câu: “Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ”!
        Hai câu của cặp luận là những cảm xúc trào dâng của ngày gặp lại qua bao nhiêu năm tháng xa cách.
            Gặp mặt, ôn về thời ác liệt
            Cầm tay, nhớ lại thuở thân thương

      Cuộc gặp mặt nào cũng vậy, đều có cái chung và có những cái riêng. Câu trên của cặp luận là nói về cái chung! Các thầy, cô và học trò qua các thế hệ, gặp lại nhau không thể nào không có phần ôn lại những năm tháng đã qua, đặc biệt là những kỷ niệm về một thời ác liệt, hào hùng không thể nào quên! Câu dưới của cặp luận, đối lại với cái chung là những cái riêng; sau những cái bắt tay, ôm nhau... thì giữa thầy, cô và trò lại tỷ tê ôn nhớ lại những kỷ niệm thân thương trìu mến thuở nào, và tác giả đã thảng thốt, vui sướng khi nhận ra cô giáo cũ của trường cũng là cô học trò nhỏ của mình năm xưa!
           Ơi cô giáo cũ! Trò xưa ấy!
           Có nhận ra nhau giữa hội trường?

       Với bài thơ Đường luật thế thất ngôn bát cú, chỉ với 56 từ  mà Nhà  giáo - Nhà thơ Võ Thị Bích Hường đã hoạ nên một bức tranh rất sinh động, trữ tình, đầy tính nhân văn và rất có thủy có chung!
       Xét về mặt kỹ thuật thì bài thơ có đề, thực, luận, kết rõ ràng, đối ngẫu chan chát, thanh điệu hài hoà, từ ngữ được lựa chọn chỉn chu, không trùng không lặp...thật đáng  được xem là một bài thơ Đường luật có giá trị.
       Chúc mừng chị với thành công của bài thơ “NGÀY GẶP LẠI” và chúc chị thêm nhiều sức khỏe để tiếp tục có những bài thơ hay để lại cho đời.
         
          Đà Nẵng ngày 20/11/2020.
          Hồ Văn Chi.
          Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan