"Một thoáng B'Lao" - TG Lê Lợi

Ngày đăng: 10:55 11/02/2021 Lượt xem: 679
--------------------------------------------------------------------
 
MỘT THOÁNG B’LAO

         Mấy lần đến Lâm Đồng mà chỉ quanh quẩn ở Đà Lạt, cuối năm 2020 tôi mới có dịp về B’lao, giờ không nhiều người biết bằng cái tên Bảo Lộc. Tôi thích cái tên cũ B’lao, bởi cái tên này gắn với người các dân tộc Mạ, C’Ho của vùng rừng rú hơn. Ngay cả khi nghe giải thích về cái nghĩa của B’lao cũng thật mơ hồ, nào là đám mây thấp, nào là rẫy lúa sau mùa gặt, rồi thì là cái bàu nước hay là cái khoảng rừng trống…Cái tên B’lao cũng lãng đãng như màn sương chiều bảng lảng ở vùng đất đỏ bazan phía nam Tây Nguyên ở độ cao chừng 800m so với mực nước biển.
         Phải công nhận cho con mắt tinh đời của người Pháp mà trước đây ta quen gọi là Phú-Lãng-Sa khi sang Việt Nam. Trên một trăm năm trước đây, khi ấy là cuối thế kỷ 19 vào năm 1883, bác sĩ Alexandre Yersin khi khảo sát vùng cao nguyên Lâm Viên đã tìm ra Đà Lạt và vùng đất B’lao. Trải bao thăng trầm của lịch sử đến năm 1958, B’lao đổi tên thành Bảo Lộc, trở thành tỉnh lỵ và ngày nay là thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng.
         Mong muốn được đến B’lao bởi hai lẽ, tôi muốn đến gặp lại anh bạn Nguyễn Hữu Độ, một bác sĩ quê ở Nghĩa Hưng, Nam Định ngày trước cùng học ở đại học Y Thái Bình, dễ chừng khoảng 30 năm chưa gặp. Cái lẽ khác là do sự tò mò, đó là muốn đến vùng đất mà nơi đây từ 1964-1967, chàng thanh niên Trịnh Công Sơn sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Quy Nhơn được bổ chức Trưởng giáo (người phụ trách) dạy ở trường sơ học Bảo An thuộc Ty tiểu học Lâm Đồng. Theo quy định của Bộ Giáo dục (Việt Nam cộng hòa) ngày ấy thì trường chỉ có từ bốn lớp trở xuống được gọi là trường sơ học. Người đứng đầu là Trưởng giáo không có phụ cấp chức vụ, vẫn phải đứng lớp, Trịnh dạy lớp 3.
         Tôi lên xe bus xuất phát từ Đà Lạt đi Bảo Lộc, gọi là bus nhưng xe đẹp, to, chạy nhanh và cũng đón khách dọc đường ngoài các bến quy định. Không có nhiều người đi Chừng khoảng hơn hai tiếng rưỡi cho hơn một trăm cây số đường trải nhựa, có đoạn lên, xuống theo cung đường đèo. Hai bên đường là những vạt dã quỳ vàng rực dưới bầu trời xanh ngăn ngắt.
         Xe tới Bảo Lộc, tôi đi taxi về Bảo Lâm, huyện được tách ra từ Bảo Lộc. Việt Nam mình khác với phần lớn các quốc gia khác là nhập, tách các đơn vị, địa phương… mà lý do đưa ra thấy lúc nào cũng đúng. Bs Độ về làm ở Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm, dừng xe hỏi người dân thì ai cũng biết. Nhiệt tình, chu đáo, nhẹ nhàng, có trình độ và mát tay, gần 30 năm ra trường vào đây làm việc có dễ phải đến hàng vạn bệnh nhân đã được Bs Độ khám và chữa bệnh.
         Bảo Lộc, Bảo Lâm có nhiều cảnh đẹp, như đèo Bảo Lộc, thác Damb’ri, núi Đại Bình (S’pung), hồ Nam Phương, hồ Tảo Hồng, thác suối Mơ Đại Lào, vùng đất Chocolate… Cùng với Đà Lạt, Bảo Lộc là một trong hai thành phố của tỉnh Lâm Đồng, thuộc cao nguyên Dilinh nằm ở độ cao từ 800-1.000m so với mực nước biển. Nơi đây nổi tiếng bởi cây café, cao cao, chè và dâu tằm. Vợ chồng Bs Độ bố trí cho tôi đi vào tham quan thác Damb’ri, cho đến giờ thác vẫn còn hoang sơ và hùng vĩ. Từ Bảo Lâm chạy xe vào 18 cây số đúng bằng từ Bảo Lộc tới, qua ngút ngàn những vườn chè, café, cây ăn quả và cả cỏ voi nữa.
         Thác Damb’ri tôi nghe danh từ hồi còn học phổ thông, nghĩa là đã gần nửa thế kỷ. Cái huyền thoại được truyền miệng lại qua nhiều thế hệ người Tây Nguyên rằng, từ rất xa xưa nơi đây có hai bộ tộc cùng sinh sống, nhưng thường xảy ra những cuộc tranh chấp, nhiều lần đổ máu vì vậy hai bộ tộc quyết định trai gái không được lấy nhau. Ngày ấy có đôi trai tài gái sắc, chàng trai tên là K’Dam, còn cô gái là B’Ri yêu nhau nhưng không thể đến với nhau vì sự ngăn cấm của hai bộ tộc. Thế là vào một ngày, chàng K’Dam lặng lẽ rời bỏ buôn làng đi sâu vào rừng. Được tin, B’Ri bỏ nhà đi tìm K’Dam. Qua bao cánh rừng, lội bao con suối, nhiều mùa trăng tròn, B’Ri tìm mãi nhưng không thấy K’Dam, thất vọng B’Ri trở về khu rừng gần buôn làng đợi chờ và hy vọng. Thế nhưng mãi mãi K’Dam không trở về còn B’Ri hóa thành đất, thành đá, nước mắt chảy mãi tạo thành dòng suối, gom lại thành thác nước. Dân làng hai bộ tộc thương cảm tình yêu chung thuỷ của chàng trai, cô gái từ đó bỏ hận thù, sống hòa thuận và đặt tên cho dòng thác là thác Damb’ri, tiếng K’ho có nghĩa là “đợi chờ”.
         Trên đường vào tôi qua thác Dasara, thác nhỏ nhưng cũng cao đến hàng chục mét. Nhân viên khu du lịch đang phát cỏ và những bụi cây dại bằng máy cắt cỏ, họ dừng lại để cho chúng tôi chụp ảnh. Sau đó là lên máng trượt dài hơn cây số rưỡi để tự tay mình điều khiển tốc độ toa trên đường ray uốn lượn trên các triền núi đá và ngắm nhìn dòng thác cuồn cuộn phía dưới. Ngay từ đây đã nghe thấy nước đổ ào ạt. Đi ngang qua cây cầu xi măng dài khoảng hơn hai chục mét nhìn được toàn cảnh dòng suối cuồn cuộn trước khi đổ xuống một vực thẳm sâu hun hút. Thác Damb’ri có độ cao 60 m, bề rộng là 30 m. Có hai cách để xuống chân thác, đó là đi bộ men theo sườn núi với 138 bậc thang hoặc đi thang máy có chiều cao 50m, chúng tôi chọn thang máy để tiết kiệm thời gian. Nhìn từ ô cửa kính thang máy, những dòng thác tuôn chảy, bọt nước tung trắng xóa.


Tác giả (bên phải) trong lần thăm Thác DaSaRa tại Bảo Lộc, Lâm Đồng
 
         Nghe trong gió ngàn, trong bụi nước li ti, tôi như thấy chàng K’Dam với chiếc khố đặc trưng, tay cầm chiếc tù và sừng trâu cùng với nàng B’ri xinh đẹp, vì chờ đợi quá lâu nên mái tóc đã ngả thành dòng nước trắng xóa, mềm mại. Những bụi nước làm mát lạnh những khuôn mặt háo hức nhìn lên phía trên thấy dưới ánh nắng xuyên qua nhũng vòm lá của cây rừng là các sắc cầu vồng huyền ảo.
         Tranh thủ chụp được mấy kiểu ảnh, bầu trời tự nhiên tối sầm bởi mây đen kéo tới. Chỉ kịp chạy vào cái quán ở ngay chân thác là mưa sầm sập, ngồi nhâm nhi li café nhìn những hạt mưa quất vào cửa kính. Dòng thác ngoài kia ngay lập tức nước đổ xuống đã chuyển thành màu đỏ của đất bazal. Thật may bởi không nhiều người được chiêm ngưỡng cái đổi thay kỳ diệu của dòng thác, bởi có phải lúc nào ở nơi đây nước đang màu trắng tinh khiết chuyển ngay sang màu đỏ đâu. Bs Độ nói là ở tầng ba của thác Dam’ri có khu hang động cây hóa thạch, trên đỉnh hang là hàng loạt gốc cây hóa thạch nằm giữa những phiến đá, rằng hang sâu 50 mét có thể chứa được 100 người nhưng vừa mưa xong nên chúng tôi không vào nữa.
         Buổi tối giao lưu với gia đình mấy thầy giáo bạn của vợ chồng Bs Độ, có thầy Lang dạy Hóa, thầy Thưởng dạy thể thao. Thầy Thường trẻ còn thầy Lang xêm xêm tuổi, chuyên môn ngành Hóa nhưng thực sự là pho từ điển sống, có thể nói như người xưa là trên thông thiên văn, dưới tường địa lý. Rượu vào, lời ra mà rượu của mấy anh em trong này cũng thật là kỳ công. Tiếp khách quý đất Bắc là thứ rượu nếp quê nhà đưa vảo, loại rượu mang hương vị của phù sa sông Hồng, Ninh Cơ, sông Đáy vùng Hải Hậu, Nghĩa Hưng đất Nam Định.
         Loanh quanh, câu chuyện lại quay về với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi ông còn là anh giáo trẻ dạy học ở nơi này. Khi ấy trường sơ học Bảo An chỉ có ba lớp 1, 2, 3 với sĩ số vài mươi em một lớp, chủ yếu người dân tộc, con nhà nghèo. Lương mỗi tháng được 5.200 đồng tương đương 2 lượng rưỡi vàng Kim Thành. Những năm 1964-1967 khi Trịnh Công Sơn ở B’lao, chi phí tiền ăn, ở mỗi tháng chỉ hết 600 đồng. Chai bia con cọp 3 đồng. Một dĩa thịt bò lúc lắc bốn người ăn giá có 7 đồng. Tô phở 3 đồng, cà phê loại ngon 1 đồng, cơm bữa với ba món chỉ có 6 đồng, tiền lương còn dư dả để tiêu xài. Những năm 60 của thế kỷ trước B’lao thật buồn tẻ, hoang liêu vậy là cứ vào những dịp nghỉ cuối tuần hoặc lễ, Trịnh Công Sơn thường bắt xe đò rời B’lao để đi gặp bạn bè. Từ B’lao về Sài Gòn không xa lắm chỉ khoảng hai trăm cây số, đường dễ đi, hoặc vượt một trăm cây số về Đà Lạt. Ngồi trên xe đò ngược xuôi với đủ dạng người chen lẫn hàng hóa, khói dầu mù mịt, nhiều ca khúc tuyệt phẩm của thầy giáo trẻ họ Trịnh đã ra đời như Chiều một mình qua phố, Lời buồn thánh, Tiếng hát Dạ Lan…và cũng bắt đầu của dòng ca khúc Da vàng. Cũng từ một chuyến xe đò, Trịnh đã gặp một cô gái quê mùa người nhỏ, đen đúa tên là Nguyễn Thị Lệ Mai để rồi từ đó danh ca Khánh Ly bước vào thế giới nhạc Trịnh. Với tôi, mãi đến tận bây giờ sau nửa thế kỷ cũng chưa có ai hát nhạc Trịnh hay hơn bà.
         Khi ấy đang là chiến tranh. Chính phủ Mỹ đổ mấy chục vạn quân vào miền Nam, trực tiếp tham chiến. Tiếng bom đạn, tiếng đại bác, tiếng gào rú của các loại phi cơ xé ngang, dọc bầu trời. Phần lớn thanh niên bị bắt đi vào lính. Ngay cả Trịnh Công Sơn năm 1961 trốn đi lính bằng cách vào học Sư phạm Quy Nhơn ngành Tâm lý giáo dục trẻ em khóa I. Có phải vì vậy không và cùng với việc dạy học cho trẻ em mấy năm mà Trịnh có những bài hát viết cho thiếu nhi rất hay như Ông tiên vui, Như một hòn bi xanh, Tiếng ve gọi hè, Mùa hè đến, đặc biệt bài Em là hoa hồng nhỏ mà núi rừng, đồi dốc và thung lũng của B’lao hiện lên qua những ca từ: “Trời mênh mông đất hiền hòa. Bàn chân em đi nhè nhẹ. Đưa em vào tình người bao la”. Và nhất là đoạn cuối: “Cây có rừng bầy chim làm tổ. Sông có nguồn từ suối chảy ra. Tim mỗi người là quê nhà nhỏ. Tình hồng thắm như mặt trời xa” thì đích thị là không gian của B’lao. Trong cô đơn ở vùng đất B’lao buồn tẻ, nhiều bài hát buồn như tiếng kinh cầu như Tuổi đá buồn, Phúc âm buồn… ra đời. Cũng ở B’lao hoang vắng, tin chiến sự khắp nơi đổ về tác động mạnh mẽ đến tâm hồn nhạy cảm của Trịnh. Ám ảnh bởi sự mất mát do chiến tranh, cảm thông cho thân phận của bao kiếp người, nhiều ca khúc bất hủ của dòng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của các ca sĩ, đặc biệt là của Khánh Ly với giọng hát liêu trai, ma mị đã làm thức tỉnh bao con tim, để rồi gần chục năm sau vào năm 1975, cả nước nắm tay Nối vòng tay lớn hân hoan đón chào niềm vui thống nhất.
         Buổi sáng cuối cùng ở B’lao, các bạn đưa tôi đến trường Trung học cơ sở Lộc Sơn, nghe nói ngày xưa là trường sơ học Bảo An, nơi mà thầy giáo Trịnh Công Sơn đã dạy học ở đó. Chỉ ba năm ở lại đây, ông đã viết hàng trăm bức Thư tình gửi một người cho cô người yêu bé nhỏ ở Huế tên là Ngô Vũ Dao Ánh khi ấy mới 16 tuổi. Và cũng tại B’lao năm 1967, Trịnh Công Sơn chia tay nghiệp dạy học khi nhận được tờ quân dịch, ông giã từ vùng đất cao nguyên tiếp tục phiêu bạt và trốn lính để không phải cầm súng bắn vào đồng bào mình.
         B’lao, thiên nhiên hoang sơ và con người mến khách cùng những câu chuyện về người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn làm níu kéo bước chân ngập ngừng của khách lãng du.
 
Cuối năm Canh Tý.
TTUT, BsCK I. Lê Lợi
CCB Sư đoàn 968 QTN Nam Lào
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam.

 
tin tức liên quan