"Điệp khúc mùa xuân" - Tản văn của Nguyễn Hữu Quý

Ngày đăng: 11:27 11/02/2021 Lượt xem: 466
--------------------------------------------------------------------

ĐIỆP KHÚC MÙA XUÂN
Tản văn Nguyễn Hữu Quý


Chân dung tác giả

 
         Mùa xuân khởi đầu bằng thời khắc chuyển giao đầy bâng khuâng từ năm cũ sang năm mới. Trong vốn ngôn ngữ Việt từ giao thừa mang những cảm xúc thiêng liêng lâu bền nhất. Cảm xúc tưởng chừng cũ kỹ nhưng luôn luôn mới mẻ. Điệp khúc mùa xuân trong đất trời bao la, trong mỗi con người bắt đầu từ giây phút huyền nhiệm đầu tiên của mười hai tuần trăng mới thân thiết và kỳ lạ biết bao nhiêu. Tuổi thơ háo hức chờ đón giao thừa để được nghe tiếng pháo râm ran nhưng hình như chẳng mấy khi thức được. Trong giấc ngủ chập chờn của đêm cuối năm có những đứa trẻ từng mơ thấy bầy pháo tép bé xíu mặc áo hồng tíu tít đu dây và tờ tiền một hào đỏ thắm mừng tuổi hớn hở sáng mồng một Tết. Những cái Tết hòa bình và những cái Tết chiến tranh hầu như chưa mờ khuất trong ký ức của tôi. Chiến tranh hay hòa bình thì nỗi xốn xang, rạo rực khi mùa xuân về vẫn cứ vẹn nguyên như dòng chảy dịu dàng khởi nguồn từ xa xưa dân tộc. Dứt mạch dòng chảy ấy cũng có nghĩa ta đã rời xa gốc cội, truyền thống được khởi thủy từ hàng nghìn năm với đạo lý Uống nước nhớ nguồn được xem là căn bản trong tâm can người Việt.
         Từ thời nhỏ, tôi đã nghe bà nội dặn ba mẹ mình sau buổi cúng tiễn ông Táo về Trời: “Giàu nghèo chi thì Tết nhất đến cũng phải dọn lau bàn thờ cho sạch sẽ, tươm tất để mời tổ tiên về. Phải có hoa quả, trầu cau, rượu nước cho ông bà hưởng. Cỗ bàn không cần to chỉ cần sạch. Cúng quảy thành tâm thì trời đất, ông bà mới phù hộ”. Bà tôi chưa được tới lớp một ngày nào, thuộc ca dao tục ngữ và cả đôi chút Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm nhờ truyền khẩu. Bà khuyên nhắc con cháu bằng sự mộc mạc và cụ thể như thế. Mẹ tôi đi chợ cuối năm, bà vẫn hay nhắc mua hoa vạn thọ để đặt thờ trong ba ngày Tết, đừng quên mua trầu cau để lấy may. Bà bảo “Trầu cau là lộc của đất trời đó con ạ !”. Tôi nhớ, Tết nào trên bàn thờ nhà mình cũng có bình hoa vạn thọ vàng rực và đĩa trầu cau.
         Tết Việt mang trong nó những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tâm linh của dân tộc. Những cái Tết ngày xưa có đủ món ăn, món chơi, đậm sắc màu văn hóa và tâm linh. Chẳng còn thú vị nào hơn khi được sống trong sự chộn rộn tất bật của những ngày chuẩn bị Tết. Vại dưa hành bà muối, nồi thịt kho của mẹ...còn tròn trịa mùi vị trong tôi. Không gian sáng bừng lên bởi các câu đối, tranh Tết bố dán treo trên vách nhà. Nồi bánh chưng sùng sục sôi chiều ba mươi. Cây nêu tre đuổi quỷ trừ tà được dựng lên trước sân nhà ngã bóng vào cổ tích và tiếng pháo tì tạch đùng đoàng gần xa là âm thanh vô cùng đặc trưng của Tết mà tôi từng chứng kiến. Tết Việt tràn đầy thương yêu, đoàn tụ và ước mong an lành. Thương yêu của những tri ân biết ơn người đã khuất, người đi trước làm nên đất nước, xóm mạc, phố xá bây giờ. Xưa xa bao giờ cũng nối với hiện tại và mai sau trên tình huyết nhục và nghĩa đồng bào bền vững. Nhớ tổ tiên đẹp điều nhân đức / Tin con cháu bền sự lạ hay. Ứng xử cao đẹp ấy được thể hiện trong những câu đối ngày xuân để nhắc nhở mọi người. Thương yêu của những trở về đoàn tụ sum họp, của luân lý kính trên nhường dưới. Thương yêu của những chia sẻ với ai không may mắn, của những hòa hiếu cộng đồng, của sự chín bỏ làm mười đầy bao dung độ lượng tính cách Việt. Tôi yêu Tết xưa với những mâm cỗ cúng tươm tất, nhiều màu sắc, hương vị với việc đến nhà hân hoan chúc tụng nhau. Ấm sáng những lời chúc năm mới, khuôn mẫu mà không khách sáo. Thương yêu từ bao ước mong giản dị, bắt đầu từ bát cơm ăn, tấm áo mặc; sự bình an may mắn cho mỗi nhà, mỗi người, mỗi xóm thôn, mỗi tổ phố...
         Năm mới, hạnh phúc bình an đến / Ngày xuân, vinh hoa phú quý về. Cái hạnh phúc bình an, vinh hoa phú quý ấy cũng được thể hiện bằng cách của dân gian, khi thì bộ tranh tứ bình mai, lan, cúc, trúc tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông hay bốn tố nữ duyên dáng chơi đàn, thổi sáo, gõ phách và xướng ca; khi thì tranh Đàn gà mẹ con biểu hiện sự phúc đức đa đinh, tình mẫu tử hoặc tranh Đàn lợn mẹ con bật lên ước vọng trong ấm ngoài êm, con cháu sum suê; khi thì tranh Lý ngư vọng nguyệt (cá chép trông trăng) gợi nhắc tới sự tích cá chép vượt vũ môn hóa rồng nói về lòng kiên nhẫn, vượt khó để thành tài; khi thì thấp thoáng những nụ cười thanh nhã mà hàm chứa nhiều ý nghĩa nhân sinh trong cuộc sống đời thường qua những tranh Hứng dừa, Đám cưới chuột, Thầy đồ cóc dạy học...
         Tết bây giờ đang thiếu vắng những nét cổ truyền ấm cúng đó. Vẫn biết con người ta cần phải điều tiết về nhận thức và hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống đang hiện đại lên nhưng cứ ngậm ngùi khi thấy không ít nét đẹp truyền thống đang bị mai một, rơi rụng nhiều. Mai một và rơi rụng đến gần trống rỗng nên đã có ý định bỏ Tết cổ truyền có từ hàng nghìn năm nay mà chỉ dùng Tết Tây (Tết dương lịch) thôi. Chao ôi, tôi nghĩ chúng ta sẽ có tội với tổ tiên, ông cha khi bỏ đi cái Tết Nguyên đán được tính bằng lịch trăng. Có những thông điệp sâu xa mà ông cha gửi gắm trong đó, không thể cân đong đo đếm được nhưng tôi nghĩ cần thiết với chúng ta ở mọi thời đại. Sẽ có người bảo nguồn gốc Tết Nguyên đán có từ nước láng giềng phương Bắc nhưng nên nhớ rằng qua sự giao thao văn hóa nó được du nhập vào nước ta rất lâu rồi và đã được Việt hóa sâu sắc. Cái cần thiết hơn là ta giữ gìn nó sao cho vừa bảo tồn được những nét đẹp truyền thống vừa phù hợp với lối sống hiện đại hôm nay và mai sau.
         Tôi với mùa xuân thường bắt đầu bằng những hồi ức khó quên như vậy. Những kỉ niệm vui và buồn gắn với làn mưa bụi bay bay, màu nắng non chập chờn trong vòm lá, với tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc...Nhớ hoa mai trong vườn và thương cả hoa bí vàng, hoa bầu trắng góc quê. Yêu chiếc đu làng qua từng nhịp nhún thả lên xuống vít vổng gái trai và cuộc đua thuyền về đích xuân sông nước tung bừng. Mùa xuân là cái gì đó thong dong, chầm chậm khi cây mạ cắm xuống từ tháng chạp rễ đã bén phù sa, đồng mơn mác xanh trong se se gió nhẹ. Còn đó, còn đây những vầng hoa xoan tim tím như những vầng mây rập rờn trong gió thoang thoảng mùi hương thơm man mác nhẹ nhàng. Và hội làng, hội vùng, hội nước thì thùng tiếng trống, réo rắt tiếng đàn, í a, ầu ơ làn điệu dân ca xứ miền nào cũng có. Hội xuống đồng, hội cầu ngư...cầu mong biển lặng trời yên, mưa gió thuận hòa, mùa màng tươi tốt. Có những lễ hội gắn với tuổi tên, công tích người có công với nước, với dân hay với những truyền thuyết thực ảo đan xen nhưng không nằm ngoài sự tôn vinh cái đẹp, cái thiện.
         Xưa kia, sau giêng hai thường là kỳ giáp hạt, ngũ cốc dự phòng cơ hồ đã hao cạn trong bồ lẫm. Nỗi lo bao đời nối nhau, triền miên quanh năm nhưng tháng ba tháng tám càng chất chồng trĩu nặng. Cái ăn cái mặc đôi khi bị trời đất cướp trắng trên tay bởi hạn hán, bão lũ. Gian truân càng lắm hy vọng càng nhiều và lòng lạc quan đến mức kỳ diệu của dân Việt vẫn là điều chưa giải mã hết. Người ta vẫn hằng tin, dù sao thì mùa xuân sẽ về, ló lé nụ chồi và trăm hoa đua sắc dưới bầu trời đầy cánh én bay trong bát ngát giêng hai. Vạn vật phát tiết sức xuân, mởn tươi và luôn mang chứa trong nó những khả thi về hạnh phúc. Đấy chính là điều đáng nói nhất về mùa xuân, về sự khởi đầu của một năm. Cảm thức xuân trong tôi, vâng, đến bây giờ vẫn nghiêng về những hy vọng tốt lành, gói lại trong hai tiếng: Yêu thương !

 
Nguyễn Hữu Quý
Hội VHNT Trường Sơn VN
tin tức liên quan