Trưởng thành từ người lính - Truyện ký của Phan Vĩnh Điển
Ngày đăng:
05:07 16/02/2021
Lượt xem:
1.559
“TRƯỞNG THÀNH TỪ NGƯỜI LÍNH”
– Truyện ký của Phan Vĩnh Điển
Đấy là tên cuốn truyện ký của Thượng úy Phan Vĩnh Điển, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trường Sơn Trung đoàn 49 Hà Nội, Hội Trường Sơn Sư đoàn 471.
Phan Vĩnh Điển đã kể lại cuộc đời mình thông qua cái tên nhân vật Hà trong truyện ký.
Cuốn truyện ký có 4 chương: Chương 1: viết về tuổi thơ của cậu bé Hà ở cái thị xã bé nhỏ Phú Thọ với hai lần phải đi sơ tán và cuộc sống gian khổ, thiếu thốn thời chiến tranh chống Mỹ của cậu.
Chương II: Bước ngoặt cuộc đời gắn liền với đời lính gian khổ, với biết bao kỷ niệm ở mảnh đất Tây Nguyên và những cái Tết đáng nhớ ở đây. Có biết bao câu chuyện không bao giờ quên của Hà - một học viên trường trung cấp xe máy thuộc Tổng cục xây dựng kinh tế đến một trung đội trưởng rồi chính trị viên đại đội “cai quản” 200 lính mà đa số lại là những chiến sĩ gái…
Chương III: Là hồi ức về những năm tháng trở lại giảng đường, từ dự bị đại học đến một trường đại học bên sứ sở Bạch Dương, với biết bao câu chuyện vui buồn nơi xa xứ; chuyện nghỉ hè, nghỉ đông, đi chơi rừng… là những hồi ức không bao giờ quên của một sinh viên là cựu chiến binh…
Chương cuối cùng – Chương IV: Là chặng đường hơn 20 năm làm công chức thời đất nước bắt đầu mở cửa; những kỷ niệm trong những lần công tác trong nước và ngoài nước; chuyện vừa làm công chức vừa làm khoa học…
Cuốn truyện ký khép lại ở trang 228 với những lời tâm huyết đúc kết cuộc đời trưởng thành từ một người lính. Mượn lời nhân vật Hà trong truyện ký, Phan Vĩnh Điển đã tâm sự: “Hà và thế hệ của mình không phải lúc nào cũng hoàn hảo, tốt đẹp tất cả, nhưng có thể tự hào là mình đã sống trung thực, cống hiến vô tư những năm tháng tuổi trẻ tươi đẹp nhất của mình cho đất nước. Cuộc sống trong quân đội của Hà trải qua hơn 10 năm tuổi trẻ, quãng đời đẹp nhất của đời người phải sống trong khó khăn, gian khổ, nhưng đã rèn luyện cho Hà nghị lực và lối sống thẳng thắn trung thực. Lối sống ấy đã ảnh hưởng đến quãng đời công tác và học tập của Hà sau này. Dù gặp nhiều khó khăn, trắc trở cũng cố gắng vượt qua bằng chính năng lực của mình, không quỳ gối, luồn lọt, nịnh bợ, dối trên lừa dưới để mưu cầu lợi ích cho riêng mình…”
Tôi quen biết Phan Vĩnh Điển từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Ấy là thời gian tôi phụ trách Báo Thiếu niên Tiền phong nhưng có hơn 20 năm tham gia Đảng ủy và Thường vụ Công đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn. Ngày ấy, Phan Vĩnh Điển là chuyên viên rồi phụ trách một Ban của Công đoàn Viên chức Việt Nam. Anh theo dõi hoạt động của Cơ quan Trung ương Đoàn nên chúng tôi thường gặp nhau tại những cuộc anh xuống làm việc với Công đoàn Cơ quan Trung ương Đoàn. Điều đáng tiếc nhất là ngày ấy tôi hoàn toàn không biết anh – một chàng trai gốc gác Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội đã từng có hơn 10 năm khoác áo lính ở Trung đoàn 49 của Sư đoàn 471. Mãi tới khi bất ngờ gặp Phan Vĩnh Điển tại cuộc hợp mặt truyền thống của Sư đoàn tôi mới biết: Hóa ra Điển cũng là lính của Sư đoàn 471! Rồi mấy năm gần đây, tôi và Điển thường gặp nhau trong những lần họp Ban Chấp hành Hội Trường Sơn Sư đoàn 471. Điển là Ủy viên BCH – Trưởng ban Liên lạc Trung đoàn 49 Hà Nội, còn tôi là Phó Chủ tịch. Ngày ấy, Phan Vĩnh Điển - một cán bộ công đoàn – một Tiến sĩ kinh tế, nhưng tiếp xúc với Điển chúng tôi thấy anh là một người khiêm tốn, ít nói và dễ gần. Còn bây giờ, chúng tôi thấy Phan Vĩnh Điển một Trưởng Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 49 Hà Nội tận tình và đầy trách nhiệm. Ban Liên lạc Trung đoàn 49 là một Thành viên hoạt động hiệu quả của Hội Trường Sơn Sư đoàn 471…
Có thể nói “Trưởng thành từ người lính” của Phan Vĩnh Điển đã góp thêm vào kho tàng vi vật thể truyền thống của Trường Sơn Anh hùng thời kỳ sau năm 1975. Với lối kể chuyện chân thực và mộc mạc, không bóng bảy trong câu chữ và đơn giản trong cấu trúc tác phẩm, nhưng “Trưởng thành từ người lính” là một hồi ức dễ đọc. Giá như tác giả khai thác sâu hơn, viết trau truốt hơn về những cảm xúc trước những sự kiện, những dấu ấn trong cuộc đời của Hà thì tính văn học trong truyện ký này sẽ cao hơn. Rất tiếc là có nhiều sự kiện là “đất diễn tốt” để nhân vật bộc lộ cảm xúc, sự kiên tưởng sâu hơn…Nhưng tác giả đã viết những đoạn này “chưa đúng tầm” sự kiện.
Ở Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 49 Hà Nội, có Đại tá – Trung đoàn trưởng 49 Nguyễn Hữu Dụ - thủ trưởng của Phan Vĩnh Điển mới đây đã cho ra mặt tập thơ và hồi ức về những năm tháng ở E49. “Trưởng thành từ người lính” của Phan Vĩnh Điển ra mắt đầu năm 2021 đã góp thêm một phần ký ức của truyền thống Trung đoàn – Trung đoàn làm kinh tế cà phê của Sư đoàn 471 nhưng có bề dày truyền thống là một trung đoàn thông tin của Bộ Tư lệnh Trường Sơn trong chiến tranh.
Cám ơn đồng đội Phan Vĩnh Điển đã tặng sách và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và các đồng chí hội viên Trường Sơn cả nước.
NB-NV Phạm Thành Long
tin tức liên quan