Nguyễn Hữu Quý trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn nghệ Quân đội Bên thềm "Ngày thơ Việt Nam"

Ngày đăng: 03:38 26/02/2021 Lượt xem: 378
Nguyễn Hữu Quý trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn nghệ Quân đội
Bên thềm "Ngày thơ Việt Nam"
 
          Đã trở thành truyền thống – Hàng năm, mỗi khi Tết đến Xuân về, vào kỳ Tết Nguyên tiêu BCH Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức những "Ngày thơ Việt Nam" tại Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội và một số địa phương trong cả nước.
         Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII – Xuân Canh tý (2020) đã phải hoãn vì Dịch Covid 19 và năm nay cũng trong hoàn cảnh ấy mà Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVIII năm 2021, dự kiến diễn ra vào ngày 26/2/2021 (tức ngày Rằm tháng Giêng-Tết Nguyên tiêu năm Tân Sửu) đã không được tổ chức…
         Là một Nhà thơ Quân đội, khi còn công tác Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý từng đảm trách vị trí Trưởng Ban Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và anh từng được BCH Hội Nhà văn Việt Nam mời tham dự nhiều kỳ của sự kiện "Ngày thơ Việt Nam".
         Bên thềm "Ngày thơ Việt Nam" -  Cách đây vài ngày, Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc phỏng vấn một số Nhà phê bình, Nhà thơ về Ngày thơ và thơ, trong đó có Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý (Hiện là Phó Chủ tịch TT Hội VHNT Trường Sơn Việt Nam).
         Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu cùng các đồng chí và bạn đọc bài trả lời phỏng vấn Tạp chí Văn nghệ Quân đội của Đại tá, Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý.

 
 
 Ngày Thơ Việt Nam 2018 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. (Ảnh minh họa)

TRẢ LỜI VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI:
1/ 
* Phóng viên:

         Thưa nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, là một người gắn bó nhiều năm với sân thơ truyền thống trong “Ngày thơ Việt Nam” hằng năm, Nhà thơ có nhận định gì về không khí, cảm hứng mà ngày thơ mang lại với Văn nghệ sĩ nói chung và cá nhân ông nói riêng.
* Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:
         Sòng phẳng mà nói thì nếu không có "Ngày thơ Việt Nam" thì nền thi ca nước nhà vẫn tồn tại như đã, đang và sẽ tồn tại. Thơ ca luôn biết lo liệu cho bản thân mình; còn ngôn ngữ tất yếu sẽ còn thơ ca như ai đó đã từng nói. Điều tôi muốn nhấn mạnh thêm, thơ Việt Nam từ xưa đến nay luôn biết gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc; đó là nơi lưu giữ tâm hồn dân tộc bền vững và sâu sắc nhất. Có lẽ cần diễn đạt cụ thể hơn một chút là thơ Việt Nam vừa đồng hành với lịch sử dựng nước và giữ nước bi tráng của dân tộc ta vừa chiếu xạ nhân tình thế thái ở tầng sâu tâm hồn, tính cách con người Việt. Tuy nhiên, khi "Ngày thơ Việt Nam" được đề xướng và tổ chức thì mặc nhiên nó được nhiều người yêu thơ chú ý, quan tâm, hưởng ứng. Không khí của "Ngày thơ Việt Nam" mang tầm vóc, tinh thần của một sinh hoạt văn hóa tao nhã và sang trọng với ý nghĩa tôn vinh Nhà thơ, nền thơ dân tộc, là nhịp cầu để nối gần hơn Nhà thơ với công chúng trong sự giao lưu nồng nhiệt và trong sáng giữa người sáng tác với người thưởng thức. Là một người có nhiều năm ở trong Ban tổ chức, được phân công viết nội dung và dẫn chương trình, tôi cảm nhận được khá rõ cái hiệu ứng từ "Ngày thơ Việt Nam" tác động tới các Nhà thơ và công chúng. Đó là sự trân trọng, háo hức của nhiều người dành cho ngày hội thi ca đất nước. Thơ thực sự có chỗ đứng, vị thế, tâm thế trong đời sống tinh thần, tình cảm của dân tộc Việt Nam của thời hiện đại. Những eo xèo đó đây sau các Ngày thơ không xóa lấp được những gì tươi tốt, lành mạnh mà nó mang lại một cách hồn nhiên cho người sáng tác và đông đảo công chúng. Tôi thấy "Ngày thơ Việt Nam" có ý nghĩa tích cực với nền văn hóa đất nước trong tiến trình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Không chỉ trong nước mà nó còn được lan tỏa ra thế giới từ những Liên hoan thơ Quốc tế. Thơ trở thành nhịp cầu nối Việt Nam với bạn bè thế giới trong ý nguyện yêu quý, gìn giữ hòa bình, đề cao tình yêu con người, tình yêu cuộc sống…
         Với tôi, "Ngày thơ Việt Nam" để lại những kỷ niệm đẹp. Cảm giác háo hức xen lẫn hồi hộp khi được tham dự ngày hội thi ca vẫn còn lưu giữ sâu sắc trong tôi. Cái không gian chứa nhiều gam màu ấm, cái âm hưởng dào dạt do thi ca mang lại, cái sum vầy của bạn viết bạn đọc trong "Ngày thơ Việt Nam" dễ gì quên được. Tôi tin nó vẫn còn lưu luyến trong hồi ức nhiều người vì cơ bản nó hay, nó đẹp. Hay và đẹp ở chiều sâu cuộc sống như bản chất của thơ vậy.
2/ 
* Phóng viên:

         Hai năm 2020 và 2021 “Ngày Thơ Việt Nam” không được tổ chức do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo Nhà thơ, liệu chúng ta nên có một hướng tiếp cận mới với ngày Thơ theo cách nào đó không? Nhà thơ có thể đưa ra hướng tiếp cận mà ông cảm thấy phù hợp?
* Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:
         Năm ngoái, mọi việc đã chuẩn bị rất chu đáo cho "Ngày thơ Việt Nam" thì đùng một cái đại dịch Covid – 19 xuất phát từ Vũ Hán, thành phố có 11 triệu dân của nước láng giềng phía Bắc như “cơn bão đen” càn quét ra toàn cầu trong đó có Việt Nam. Việc dừng Ngày thơ lại là đương nhiên dù chúng ta có nuối tiếc đến bao nhiêu chăng nữa. Tuy nhiên, qua theo dõi tôi thấy "Ngày thơ Việt Nam" vẫn được “tổ chức” tự phát trên các trang facebook bằng nhiều cách thể hiện khác nhau. Đúng Nguyên tiêu Canh Tý, thơ được giới thiệu nhiều hơn trên các trang mạng cá nhân và những bức ảnh liên quan đến "Ngày thơ Việt Nam" xuất hiện không ít. Năm nay, khi dịch Covid - 19 đang có những diễn biến phức tạp thì Ngày thơ Việt Nam thêm lần nữa bị dừng lại. Khác với năm trước, BCH Hội Nhà văn Việt Nam chủ động không tổ chức vì dự đoán tình hình đại dịch vẫn chưa ổn. Tôi được Hội VHNT tỉnh Quảng Bình mời tham gia viết lời và dẫn chương trình "Ngày thơ Việt Nam" tại quê hương trong đêm Nguyên tiêu Tân Sửu 2021 nhưng rồi kế hoạch cũng phải hủy vì con siêu vi khuẩn quái ác Covid - 19. Thôi thì, tạm dừng nghỉ cho nó lành vậy. Tiếc, nhưng thấy thế là đúng, là cần thiết với cộng đồng. Lâu dài, có lẽ chúng ta phải sống chung với sự biến đổi khí hậu và cả sự biến đổi của các chủng vi rút có hại thôi. Theo tôi, chúng ta vẫn phải giữ được tinh thần của "Ngày thơ Việt Nam", làm sao cho nó vẫn nóng ấm, lan tỏa trong lòng người yêu thơ. Có thể tổ chức "Ngày thơ Việt Nam" theo kiểu trực tuyến với nhiều đầu cầu trên phạm vi toàn quốc hoặc Quốc tế một cách hiện đại và tối giản. Ý tưởng là như thế, còn cụ thể ra sao thì chắc cần phải bàn bạc rất kỹ lưỡng.
3/ 
* Phóng viên:

         Trước nhiều biến động của cuộc sống, Nhà thơ có cho rằng người làm thơ cũng cần phải chuẩn bị tâm thế nhập cuộc và ứng xử với những biến động ấy để thơ ca không bị xa vời với thực tại?
* Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:
         Đương nhiên là thế rồi. Thơ cần phải bám riết vào cuộc sống trong những biến động không dễ lường trước được. Dù trong hoàn cảnh nào thì thơ cũng nên / cần là “điểm tựa” tinh thần đáng tin cậy cho con người. Trước hết với đông đảo nhân dân ta đang chịu đựng muôn vàn gian khó, thử thách trong công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Họ vừa là đối tượng sáng tạo, vừa là công chúng thưởng thức của thi ca. Thơ thực sự thấm nhuần tư tưởng yêu nước, thương dân trong thời đại mới. Thơ phải hay trong sự chuyển động mạnh mẽ và mới lạ. Mỗi tác phẩm thi ca phải là kết tinh của sáng tạo nghệ thuật nghiêm cẩn và công phu. Tôi nghĩ, xu hướng thơ gần gũi với đời sống, có ích cho xã hội, hiện đại trên nền tảng truyền thống là việc nên khuyến khích. Mong rằng, thơ Việt ngày càng hay hơn trong những tầm kích mới, đa dạng trong thể hiện, tươi sáng trong thần thái, sâu sắc trong trí tuệ. Tóm lại, thơ phải là thơ để chiếm lĩnh bạn đọc trong nước và có cơ hội kết nối với bạn bè trên thế giới.


Đại tá, Nhà Thơ Nguyễn Hữu Quý (bên phải) trong "Ngày thơ Việt Nam" năm 2016
 
tin tức liên quan