“Thảm họa da cam, đôi điều cảm luận” – TG: Trọng Nguyên (Nguyễn Trọng Đồng)

Ngày đăng: 01:18 04/03/2021 Lượt xem: 358
THẢM HỌA DA CAM, ĐÔI ĐIỀU CẢM LUẬN
 
          Trong lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến có quy mô lớn nhất, kéo dài nhất, để lại hậu quả thảm khốc nhất. Để giành chiến thắng, đế quốc Mỹ đã huy động tổng lực với nhiều binh chủng (hải - lục - không quân) và không từ một mưu mô, hành động tàn bạo nào, kể cả thứ vũ khí giết người hàng loạt, nguy hiểm, tàn khốc nhất và để lại hậu quả lâu dài là vũ khí hóa học, là chất độc hóa học (CĐHH) có chứa chất Dioxin - chất độc da cam. Loại chất độc này vốn được sử dụng để làm trụi lá, diệt cây cỏ. Nhưng đây là một trong số ít vũ khí - CĐHH có sự hủy diệt ghê gớm nhất, để lại di chứng nặng nề nhất cho nhiều thế hệ. Bởi một khi con người bị phơi nhiễm chất độc này các thế hệ con, cháu, chắt của họ sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư, các bệnh nguy hiểm khác do rối loạn chức năng, dị tật dị dạng bẩm sinh...
         Trong khoảng 10 năm (1961 - 1971), để thực hiện cuộc chiến, quân đội Mỹ "đã tiến hành gần 20.000 phi vụ để phun rải khoảng 80 triệu lít CĐHH. Và "61% trong đó là chất da cam, chứa 366 kg dioxin xuống gần 26.000 thôn, bản (buôn), với diện tích 3,06 triệu ha..." (Theo tác giả Nguyễn Đức Thắm, Cổng Thông tin điện tử huyện Núi Thành, Quảng Nam). Điều đáng nói, những con số ấy đã nói lên tác hại khủng khiếp và hậu quả tàn khốc của nó. Vũ khí thông thường chỉ gây nên hậu quả trước mắt, thường không để lại di chứng. Nhưng vũ khí là CĐHH do tính chất hủy diệt đặc trưng của nó thì luôn để lại di chứng nặng nề, đau đớn nhất với con người.
         Và thực tế cuộc sống đã nói lên điều khủng khiếp ấy. Đã có khá nhiều thông tin, thống kê về hậu quả nặng nề khủng khiếp bởi CĐHH mà đế quốc Mỹ gây nên. Theo đó, "cuộc chiến tranh CĐHH đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, gây biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. (...), hàng triệu người đã chết hoặc đang mang trong mình những căn bệnh quái ác, hiểm nghèo, đặc biệt chất độc hóa học có thể di chứng qua nhiều thế hệ ..." (theo tác giả Phạm Văn Quyện, Cổng Thông tin điện tử huyện Núi Thành, Quảng Nam). Đây quả là những con số đen tối, tàn khốc nhất và đáng suy ngẫm nhất. Cái tàn khốc và những mất mát đau thương thì đã rõ. Nhưng điều muốn nói là cái đáng suy ngẫm từ hậu quả cuộc chiến ấy. Đó phải chăng là lương tri của nhân loại, là lương tâm thời đại, là lòng trắc ẩn, nhân ái của dân tộc ta, nhân dân ta, là tính nhân văn cuộc sống của chúng ta?  
          Có lẽ mỗi khi nói, khi nghĩ về hậu quả bởi CĐHH, hẳn nhiều người đã phải thổn thức, giọt vắn giọt dài, nhất là trước những di chứng nặng nề, hình hài không bình thường của bao thế hệ người Việt Nam. Trước những con người bằng xương bằng thịt ấy, lại chỉ nói cười trong vô vọng tháng năm thì hẳn ai cũng thổn thức rơi lệ. Cũng như bao người đồng cảm trước nỗi đau ấy, tôi từng đôi lần xúc cảm mà có những câu thơ gan ruột. Xin được trích dẫn vài câu trong bài thơ tôi cảm tác gần đây :  ... Nỗi đau da cam / Bao thế hệ người Việt Nam gánh chịu / Ôi nỗi đau ngút trời như lửa máu / Khi mùa xuân về càng đau đáu con tim / Hạnh phúc chẳng đi tìm. Mà hạnh phúc lặng im / Cho nhịp đập tháng năm lên tiếng gọi / Em vẫn nói vẫn cười mà trời xanh đau nhói... (Nỗi đau da cam và mùa xuân không hẹn ước, Nguyễn Trọng Đồng).
          Phải chăng, truyền thống nhân nghĩa, bao dung của con Lạc cháu Hồng và nếp sống đạo lý "Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ" qua bốn ngàn năm văn hiến  đã hun đúc và kết tinh nên sức mạnh Việt Nam, sức sống của một dân tộc từng kiên cường chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, dù hùng bạo nhất trong lịch sử nhân loại. 
          Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vừa qua, hàng triệu người con đất nước hoặc đã ngã xuống trên chiến trường ác liệt hoặc hy sinh xương máu một phần. Và cũng có hàng triệu người bị phơi nhiễm CĐHH màu da cam, để lại hậu quả thật nặng nề khủng khiếp.
          Nhưng sự hy sinh của họ chẳng những đem lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước mà để chúng ta có được cơ đồ và tương lai tươi sáng cũng như cuộc sống hạnh phúc hôm nay; dù rằng cuộc sống chưa phải là thiên đường trần gian nhưng mùa xuân ấm áp tươi xanh đã gõ cửa bao gia đình, hạnh phúc đã mỉm cười với bao con người số phận, nhất là thế hệ trẻ hay các thế hệ 8x, 9x (tương ứng với những thế hệ là nạn nhân chất độc da cam) hằng có cuộc sống sung túc, tươi đẹp trong hạnh phúc viên mãn. Nếu như không có sự hy sinh ấy thì tiền đồ dân tộc, cuộc sống nhân dân ta sẽ đi về đâu khi nước mất nhà tan, người dân chịu thân phận nô lệ? Nếu như không có sự hy sinh ấy, liệu chúng ta có được quyền làm chủ đất nước, cuộc sống của mình và phấn đấu để sánh vai với các cường quốc năm Châu? Nếu bất chợt em hỏi, cái gì quý nhất hay một dân tộc hạnh phúc nhất là gì thì tôi sẽ trả lời ngay rằng chính là "độc lập tự do"... Có thể nói, bao câu hỏi trên đều đã có câu trả lời từ thực tiễn cuộc sống.
          Càng hiểu ý nghĩa và giá trị của nền độc lập dân tộc phải đổi bao xương máu, chúng ta càng trân quý biết bao cái "độc lập tự do" của một dân tộc, càng thấm thía sao sự hy sinh của hàng triệu người Việt Nam (trong đó có phần đáng kể của bao đồng chí, đồng đội là nạn nhân chất độc da cam) cho nền độc lập ấy. Họ là hồn cốt núi sông, là mảnh đất phì nhiêu cho cây đời mãi mãi xanh tươi. Chính sự hy sinh cao cả là nhân tố tạo nên độc lập dân tộc - nền tảng cơ sở của ngôi nhà hạnh phúc non sông hay cuộc sống vàng rực màu lịch sử, đỏ tươi màu năm tháng và xanh biếc nụ tương lai... Trân quý cuộc sống hôm nay, nghĩa là chúng ta càng... thấu hiểu sự hy sinh của hàng triệu đồng bào chiến sỹ cho độc lập dân tộc, càng thổn thức tâm can trước những phận người, những cuộc đời bất hạnh bởi hậu quả của chiến tranh với CĐHH mà quân đội Mỹ đã gieo nên nỗi khinh hoàng từ mấy chục năm nay. Đồng thời càng hiểu rõ trách nhiệm của mỗi công dân đất Việt góp phần vào "công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam"...
         Có thể nói, nạn nhân chất độc da cam là những người bất hạnh và đau khổ nhất trong những người đau khổ! Nhưng họ không hề cô đơn. Chúng tôi vẫn luôn ở bên các bạn, đồng hành cùng các bạn trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Lương tri và nhân loại tiến bộ, lương tâm thời đại vẫn luôn hướng về các bạn, đứng về phía các bạn và đồng cảm, chia sẽ. Và từ nhiều năm trước, Đảng và Nhà nước ta đã có những điều luật, văn bản dưới luật chỉ đạo các Ban ngành và toàn xã hội quan tâm, chăm lo đời sống nạn nhân CĐHH. Gần đây nhất là Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam". Cùng với sự đồng cảm, chia sẻ của cộng đồng và toàn xã hội, nhất định đời sống nạn nhân chất độc da cam đã và sẽ thấy ấm lòng hơn, phần nào vơi bớt nỗi đau thấu trời bởi hậu qủa chiến tranh và chất độc da cam gây nên...


(Ảnh minh họa)
 
NỖI ĐAU DA CAM
VÀ MÙA XUÂN KHÔNG HẸN
ƯỚC

 
Bóng đen chiến tranh
Đang lùi dần vào dĩ vãng
Mà nỗi đau da cam còn ám ảnh
Những phận người thảm cảnh đau thương
Dẫu ngoài kia vàng nắng con đường
Bạn đồng niên đã con bồng con bế
Khi thân em cứ chết mòn đau khổ
Như đêm trường sương gió cuồng si...
 
Ai chẳng mưu cầu hạnh phúc bao giờ
Với cuộc đời chúng ta đều ước thế
Mấy chục tuổi rồi mà như con trẻ
Chỉ nói cười trong vô vọng tháng năm
Chỉ mùa xuân ngoài cửa sổ ngoái nhìn
Kẻ gây nên cái chết trăm lần
Nào thấu hiểu lá xuân hờn tia nắng
Gió đồng bằng dẫu vỗ về đêm trắng
Chẳng thể xua tan cái đau đớn tột cùng
Nỗi đau da cam
Bao thế hệ người Việt Nam gánh chịu
Ôi nỗi đau ngút trời như lửa máu
Khi mùa xuân về càng đau đáu con tim!
Hạnh phúc chẳng đi tìm. Mà hạnh phúc lặng im
Cho nhịp đập tháng năm lên tiếng gọi
Em vẫn nói vẫn cười mà trời xanh đau nhói
Trước bình minh chấp chới hạt nắng vàng
Nỗi đau này sao thổn thức tâm can...


Krông Năng, tháng 01 - 2021
Trọng Nguyên (Nguyễn Trọng Đồng)
Phú Lộc, Krông Năng, Đắk Lắk
ĐT: 0911452369.

 

tin tức liên quan