"Cha là số một". TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:12 27/06/2021 Lượt xem: 375
Cha là số một
( Viết trong tháng 6 – tháng có ngày 20 là ngày của Cha và ngày 28 là ngày Gia đình Việt Nam)

Hoàng Văn Kính


Ảnh minh họa
 
          Khi tôi viết những dòng này, cha không còn nữa nhưng trong kí ức của tôi lúc nào cũng hiển hiện hình bóng cha. Cha là tất cả của cuộc đời tôi.
          Tôi có may mắn được sống trong một gia đình có đầy đủ bố mẹ và các anh chị em. Cha là người rất nghiêm khắc với các con nên cuộc sống trong gia đình rất quy củ nhưng cha cũng là người đàn ông  bao dung, độ lượng làm cho không khí trong gia đình luôn ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.
          Cái hồi mà ba anh em chúng tôi còn đang đi học. Anh cả năm thứ ba, tôi năm thứ nhất Đại học, cậu em kế tôi lớp mười, gia đình gặp nhiều khó khăn về tài chính. Ngoài phải nuôi ba cái tầu há mồm, còn trăm thứ tiền chi phí cho học hành và những nhu cầu thiết yếu của ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, tất cả đều trông vào đồng lương hưu ít ỏi của bố và mấy sào ruộng, mảnh vườn con con của mẹ ngoài ra chẳng còn thu nhập gì khác. Anh em chúng tôi thương bố mẹ, thương cái nghèo đeo bám, thấu hiểu hoàn cảnh đó nên bảo nhau: Cùng bất đắc dĩ mới phải hỏi xin tiền bố mẹ.
           Nhiều lúc cha đăm chiêu ngồi nhìn vào khoảng không với ánh mắt đượm buồn.  Cha luôn dậy chúng tôi sử dụng đồng tiền phải biết tiết kiệm, không được hoang phí vì nó là mồ hôi nước mắt. Nhưng chưa bao giờ cha từ chối mỗi khi anh em chúng tôi phải xin tiền. Có nhiều lần cha lặng lẽ dúi vào tay tôi vài trăm ngàn. Nhìn tôi cười, cha nói vui: Con gái lớn rồi cũng cần phải làm đẹp chứ, ế là bố không nuôi đâu.
          Cha rất nghiêm khắc, ông muốn chúng tôi phải luôn chỉn chu trong cuộc sống. Hồi tôi và anh trai chưa đi Đại học hay bây giờ đứa em ở nhà cũng vậy mỗi đứa được giao một công việc cụ thể tùy theo sức của mình. Đứa nào làm không đến nơi đến chốn là bị nhắc nhở, trách mắng, phạt úp mặt vào tường, có khi còn bị ăn roi ăn vọt nhưng sau đó bao giờ cha cũng giảng giải, chỉ vẽ cho chúng tôi hiểu. Chỉ cần thấy nét mặt cha không vui là chúng tôi biết mình đã làm điều gì không phải.
          Tôi nhớ hồi cậu em út đang học cấp một, đến lớp nó đánh nhau với bạn bị nhà trường thông báo về gia đình. Cha giận lắm, cho một trận đòn đến nỗi mẹ tôi phải chạy lại can ngăn, anh em tôi sợ xanh mắt. Hết cơn giận, cha mang chai rượu ra ngồi uống một mình, nét mặt đượm buồn. Tối hôm ấy lúc ôm em cùng ngồi xem tivi, cha bế nó lên và kéo quần nó ra, thấy những vết roi còn lằn đỏ ông lấy dầu bôi vào rồi nghẹn ngào trong nước mắt: Cha xin lỗi con. Thằng bé ôm chặt lấy cha  khóc nức nở làm tất cả chúng tôi đều khóc theo. Hôm sau có mấy cái roi mây cha bẻ hết vứt đi, từ hôm ây không bao giờ cha dùng roi vọt với chúng tôi.
          Phải công bằng mà nói, ở khu phố này anh em chúng tôi thuộc loại ngoan, kết quả học tập ở lớp không nhất thì nhì, kì họp phụ huynh nào cũng được biểu dương, giấy khen thành tích học tập và các hoạt động khác nếu treo kín cả bốn bức tường nhưng mỗi anh em chỉ được treo một cái của năm học ngay trước bàn học, sang năm lại thay cái khác nếu có. Chưa khi nào cha khen trước mặt chúng tôi nhưng tôi biết cha rất tự hào về các con. Nhiều hôm tôi thấy cha giở ra ngắm nghía từng cái giấy ken, ông nâng niu, trân trọng như  báu vật rồi lại xếp gọn cất trong tủ và cũng không khi nào cha khoe với làng xóm. Cha nói với mẹ: Động viên chúng nó phải đúng lúc, kịp thời để nhân lên lòng tự hào và niềm đam mê chứ không phải để chúng nó tự mãn dẫn đến chủ quan. Tính cách ấy của cha đã ảnh hưởng rất lớn đến mẹ.
          Một hôm tôi nghe mẹ và bà hàng xóm sang chơi to nhỏ, khi bà hàng xóm khen anh em chúng tôi chăm ngoan, học giỏi, mẹ bảo:
          -Chỉ có mỗi việc ăn rồi học, việc nhà có gì nặng nhọc đâu, thấy bố mẹ suốt ngày tối mặt lúc rảnh cũng phải mó chân, mó tay chứ. Học hành bằng nọ, giấy kia cũng chỉ ở cái trường làng, ra ngoài đã chắc bằng ai. Nói thật với bà mới tạm yên tâm được thôi chứ còn nhiều nỗi lo lắm.
          Bà hàng xóm: Thế là nhất ông bà rồi.
          -Bà nói thế thì biết thế.
          Nhà ba anh em, mỗi mình tôi là “ công chúa” bởi vậy tôi luôn nhận được sự nuông chiều hơn nhưng cũng nghiêm khắc hơn nhất là chuyện bạn bè, yêu đương.
Cha luôn dặn tôi phải luôn nhớ kĩ ba điều: Một là: Phải chọn những đứa tử tế để chơi. Hai là: Có thể kết bạn, nhưng phải xong Đại học mới được yêu. Ba là: Phải có công ăn việc làm mới được lấy chồng.
          Mẹ  bảo: Ông nhốt nó vào cái lồng ấy thì con gái mình ế à.
          -Cứ ngoan ngoãn, học hành tử tế, công việc đàng hoàng thì không bao giờ ế được cả.
          Nhiều lúc tôi hình dung cái ngày mình đi lấy chồng chắc cha vui lắm nhưng trong lòng ông buồn, thương và nhớ con lắm. Có một điều chắc chắn là cha rất mãn nguyện khi thấy con gái mặc bộ đồ cưới soi mình trước gương và trong tâm khảm cha luôn cầu mong cho con được hạnh phúc.
          Hôm tôi chuẩn bị cưới chồng, cha ngồi riêng với tôi cả tiếng đồng hồ. Ông dặn dò nhiều thứ lắm nhất là chuyện ăn ở, cư xử với gia đình nhà chồng. Cha bảo:
          -Con thông minh nhưng lại rất cá tính, điều ấy có mặt tốt nhưng cũng có mặt rất dở. Bố mẹ quen rồi nhưng về nhà chồng phải lưu ý, đấy là điều bố mẹ lo nhất. Phụ nữ phải nhẹ nhàng, tế nhị, biết nhún nhường nhất là với mẹ chồng. Chuyện khúc mắc giữa mẹ chồng nàng dâu đều có nguyên nhân từ đấy. Hai thế hệ khác nhau nên nhìn nhận sự việc có thể cũng khác nhau thậm chí đối lập, ở nhà với bố mẹ thì sao cũng được những đã làm dâu thì  không thể cứ gân cổ lên cãi, phải biết nhún nhường, lựa chiều xử sự cho phải đạo làm con. Bố cho rằng đấy là điều khó nhất khi làm dâu. Con mang bộ đồ cưới về nhà mặc để cả nhà góp ý, cả đời người mới có một lần, mình phải thật đàng hoàng và xinh đẹp.
          Khi tôi mặc bộ đồ cưới, cả nhà ngắm nghía khen đẹp. Cha nhận xét:
          -Con chọn mầu áo hợp lí với làn da, áo may đẹp rất vừa và nom rất sang nhưng theo bố cái vương miện con đội trên đầu to quá trông thô, nó không hợp với khuôn mặt con. Nếu hôm ấy trời lạnh con nhớ phải khoác thêm chiếc áo ấm bên ngoài… Từ trước đến nay tôi luôn  nghĩ: đàn ông chỉ lo những chuyện lớn chứ mấy cái chuyện vặt vãnh ai thèm để ý, nhưng với cha tôi thì không phải, từ cử chỉ, ánh mắt và giọng nói dịu dàng, ông không phải là người vô tâm.
          Tôi nghiệm ra một điều: Trên đời này người thương yêu mình nhất là cha. Cha có thể bò dưới đất để con ngồi trên lưng làm ngựa. Cha có thể nhịn ăn để con được miếng ngon, bữa  no. Cha sẵn sàng quên thân mình lao vào lửa để cứu con lúc gặp hiểm nguy mà không nghĩ đến bản thân. Cha có thể oằn mình ngày đêm đội mưa, đội nắng bươn chải kiếm tiền lo cho con cái được ấm no, hạnh phúc. Cha có thể làm mọi thứ để con cái được vui, không thua chị kém em. Cha là người như thế, người luôn dành trọn tình yêu thương cho con cái nhưng không bao giờ cha thể hiện ra ngoài bằng lời nói và cử chỉ ngoài ánh mắt.
          Người mang gánh nặng cuộc đời nhất là cha, đảm nhiệm những trọng trách nặng nề nhất trong gia đình là cha. Người cô đơn nhất cũng là cha bởi con cái thường hay gần gũi chia sẻ tình cảm với mẹ, cha là người trải qua nhiều sóng gió cuộc đời nhất nhưng lại ít được truyền tụng nhất, cha không so sánh, không kể công, nhưng có lẽ không khi nào cha thấy thiệt thòi cả.
Cha là như vậy.
          Chúng con ngàn lần yêu thương, quý trọng và biết ơn cha.

 
Hoàng Văn Kính
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

tin tức liên quan