"Bức thư bên cửa sổ" - Truyện ngắn của Phương Liên

Ngày đăng: 10:29 01/07/2021 Lượt xem: 316


------------------------------------------------------------------

BỨC THƯ BÊN CỬA SỔ
Truyện ngắn - Phương Liên


Chân dung tác giả

        Buổi tối liên hoan của gia đình Mỵ kết thúc, mọi người chia tay ra về. Cô tiễn khách ai nấy đều tươi cười vui vẻ cùng lời chúc trước lúc cô lên đường. Chiếc đèn chai treo cạnh cổng đung đưa lúc lắc như cảm ơn mọi người. Một giọng nói trầm ấm quen thuộc vừa như rất vội, vừa như níu kéo thời gian...

- Em à!... Mai em lên đường nhập ngũ, anh chúc em đi mạnh khỏe. Nhớ biên thư về cho gia đình và cho anh nhé. Lá thư anh viết, anh cài bên cửa sổ...

       Mỵ hiểu giữa anh và cô làm gì có thời gian nói chuyện, chỉ nhìn nhau qua những buổi họp Chi đoàn, hoặc trộm nhìn khi hai người chiều chiều chăm ruộng đất trồng rau phía sau làng... Phút thoáng nhanh, cô gật đầu rồi chạy thẳng vào nhà. Bất kể Kiên còn đứng đó hay đã ra về! Mặt và hai tai nóng bừng, tim đập loạn. Cô nghĩ "Ngày mai, chỉ còn ngày mai thôi mình sẽ lên đường xa gia đình quê hương, xa người mà cô hằng yêu dấu... trong bức thư kia anh ấy viết những gì nhỉ ???"

       Mỵ dọn dẹp bàn ghế, mấy đĩa trầu cau gần hết. Cô đứng tần ngần nhìn những bao thuốc lá "Thanh niên trong các Chi đoàn nam giới còn được là bao nhiêu người. Phần lớn lên đường nhập ngũ. Làng xóm lúc này còn toàn người già, trung tuổi và trẻ con" Bỗng cô nhớ tới bức như, nhìn trước nhìn sau chạy tới bên cửa sổ cất vội ngay vào ngăn bàn. Nghe tiếng bố gọi, Mỵ giật mình!

- Mỵ đâu rồi! lo dọn dẹp đi nghỉ ngơi sớm mai mà lên đường cho khỏe chứ hử. Ra đây bố dặn.

- Dạ vâng! Con ra ngay đây ạ...

       Cô hớt hải chưa hết hồi hộp, cứ như bố mình biết hết chuyện hai đứa... Dưới ánh đèn Hoa Kỳ, cô nhìn bố như già hơn. Niềm thương cha mẹ trào dâng trong cô... Ông Hoàn bố của Mỵ vốn là người điềm tĩnh, mọi chuyện khó khăn trắc trở ông đều từ từ giải quyết, người trong làng đều yêu quý thường gọi ông kèm theo cái tên "ông Hoàn Hảo". Mấy khóa Hội đồng Nhân dân ông đều trúng với số phiếu cao hơn các ứng cử viên. Ông vê đi vê lại điếu thuốc nhưng rồi cũng kéo một hơi dài. Chiếc điếu rung lên bần bật, Mỵ nín thở nhìn theo những cuộn khói bay vút lên rồi là là tản ra. Ông hắng giọng:

- Mai con lên đường rồi! đi cho "chân cứng đá mềm". Nhớ mà giữ sức khỏe nghe chửa. Con gái đàn bà khác đàn ông con trai. Khó khăn bao nhiêu cũng cố vượt qua. Không được bỏ về để mất mặt gia đình họ hàng nghe chửa...

       Tiếng thở dài sườn sượt bên giường, hình như mẹ đang khóc. Cô hiểu mẹ thương mà không nói! Mỵ là con gái lớn trong nhà. Kế cô mấy đứa em nhỏ đang ăn học chưa giúp đỡ được gì. Rồi đây mọi việc đổ lên vai cha mẹ mình. Mỵ lý nhí trong cổ họng vì xúc động! Cô ngước nhìn thấy mắt cha mình ưu tư nhìn ra sân. Chẳng hiểu cha tin hay đang lo lắng...

- Dạ vâng! Bố yên tâm ở nhà, bố mẹ giữ sức khỏe ạ. Con sẽ cố gắng...

       Một đêm dài Mỵ gần như thức trắng! cô suy nghĩ về lời của Kiên trong bức thư. Tại sao mỗi buổi họp chi đoàn Kiên đều nhắc đi nhắc lại "Chúng ta là Đoàn viên thanh niên trong lúc đất nước có chiến tranh. Nam cũng như nữ không phân biệt, một khi Tổ quốc cần, chúng ta luôn sẵn sàng!". Vậy mà trong lá thư Kiên nói với cô "Em nghĩ gì mà quyết định lên đường...". Mỵ không hiểu điều Kiên muốn nói gì, cô thấy giận Kiên vô cùng. Chẳng lẽ lời nói của Kiên trong những cuộc họp chỉ là lời sáo rỗng...

* * *

       Nắng hè như đổ lửa xuống thao trường, Mỵ và đồng đội cô đang tuổi ăn tuổi ngủ, giờ vào khuôn khổ Mỵ thấy thật vất vả. Sáng kẻng báo thức tập thể dục 5 giờ 15 phút. Thể dục xong vệ sinh cá nhân thật nhanh mới kịp ăn sáng. Ngày hai buổi lăn lộn tập đội ngũ, xạ kích. Hôm học chính trị. 9 giờ tối điểm danh, đêm bất chợt báo động. Có hôm Bộ đội đi cả dép, ôm cả súng để bên giường ngủ, ba lô sẵn sàng cuối giường. Đột xuất Thủ trưởng đi kiểm tra soi đèn pin, cả đám sợ xanh mặt...

- "Vũ khí bất ly thân" là vậy hả? Mai mấy đồng chí lên Đại đội gặp tôi. Đem ngay súng, ba lô để vào giá...

       Tiểu đoàn huấn luyện gồm 4 Đại đội nữ của 4 tỉnh. Riêng cán bộ khung là nam, đa phần lớn tuổi. Nhiều khi chính các thủ trưởng cũng không nén nổi xúc động trước lính nữ tuổi đời chỉ như con mình, lớn tuổi nhất là 22 tuổi, ít nhất là 16 tuổi.

       Mỗi đêm thay phiên gác một giờ hai đồng chí, cũng có đồng chí lớn tuổi hơn "láu cá" vặn kim đồng hồ. Mấy nàng "tò te" mắt nhắm mắt mở cằn nhằn "Sao nhanh tới giờ thế nhỉ?" Mỵ nhớ nhà, nhớ quê, nhớ cha mẹ người yêu vào những đêm đứng gác trời mưa phùn. Thỉnh thoảng lại giật mình thấy vài bác thợ mỏ than tan ca về. Nhìn họ đen như tượng đồng. Dần cũng quen thấy vui chứ không sợ như hồi đầu...

       5 tháng huấn luyện mà Mỵ thấy dài như cả năm. Cô nhớ Kiên, người thanh niên đi vào tim cô từ khi nào?

       Anh có dáng người khỏe mạnh tầm thước, nước da bánh mật. Đặc biệt hàm răng trắng bóng đều đặn, nhất là khi anh cười thì đôi mắt cười theo thật cuốn hút. Tốt nghiệp phổ thông lớp 10 về địa phương tham gia phong trào là Bí thư Chi đoàn Thanh niên thôn. Từ khi có Kiên phụ trách, đoàn Thanh niên hoạt động mạnh mẽ, nhiều Thanh niên đã làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Mỵ là Phân đoàn trưởng, hai người họ thân nhau trong công việc, thường phải trao đổi về những phong trào như làm bèo dâu, làm phân xanh, bắt bướm đêm ruộng lúa. Tổ chức những đợt đi chiến dịch đào mương đắp đập... Họ chưa hề nói tiếng yêu, thậm chí chưa cầm tay nhau bao giờ...

       Song hình như hai trái tim của họ đã chung nhịp đập "Bề trong đã hiểu, mặt ngoài còn e". Trai gái trong làng bắt chước giọng các cụ "Kiên và Mỵ đúng là đôi trai tài gái sắc". Thực ra Mỵ không thấy mình nổi trội hơn bất cứ cô gái nào cùng lứa tuổi...

       Sau những ngày tháng huấn luyện mồ hôi đổ xuống Thao trường cũng đã kết thúc. Đơn vị giải quyết cho Bội đội tranh thủ về phép ngắn ngày. Trước khi đi phéo mỗi đồng chí viết "quyết tâm thư" Mỵ bồn chồn trong dạ khi sắp được về gặp cha mẹ gia đình, chắc các em rất nhớ cô. Còn Kiên... nghĩ tới tự nhiên người Mỵ nóng bừng, hai tai đỏ như cà chua chín. Nhưng lòng tự ái vì những câu hỏi của Kiên trong bức thư "Bên cửa sổ" khiến Mỵ không hài lòng. "Tại sao em không nói với anh mà tự làm đơn tình nguyện?..." Cô không thích hỏi cô tại sao? Tại sao?... Đúng là cô đã có những quyết định thật bất ngờ...

* * *

       Vào một buổi tối ánh trăng mười sáu tròn như cái đĩa. Cảnh làng quê thật thanh bình. Hai ông bạn chuyện trò rôm rả bên chiếc chõng tre góc sân, Mỵ tay sách ấm nước vối mới đun, một tay cầm hai chiếc quạt nan.

- Cháu chào bác ạ! Mời bác xơi nước với bố cháu. Mỵ vừa rót nước mời khách vừa đưa quạt cho bố và ông khách. Cô quay ra phía giếng, tiếng bố gọi giật giọng:

- Đem cho bố chiếc điếu bát với gói thuốc lào ở đầu tủ nhé.

       Mỵ đi nhanh vào nhà, trong khi ông bạn của bố như chú ý từng cử chỉ của Mỵ, đầu gật gù vẻ hài lòng.

- Dạ đây ạ!

       Bố Mỵ "ừ" một tiếng trong cổ họng rồi lại chuyện như pháo nổ.

       Chiếc điếu rít lên giòn tan, những cuộn khói thi nhau quây tròn lấy hai ông rồi vút lên trời, ông ngửa mặt nhìn trăng cười khà khà:

- Chà! thuốc lào Vĩnh Bảo chính hiệu có khác ông nhảy, nhưng cứ phải là điếu bát. Ra đồng với cái điếu cày chẳng đã tẹo nào ông nhảy...

       Ông khách cũng phụ họa như "rồng gặp mây".

- Ông nói phải! không có điếu thuốc nhạt mồm nhạt miệng lắm, à! Năm nay mùa bội thu dân mình đỡ quá, tôi định... chuyện đang rôm rả, bỗng trầm hẳn xuống. Nghe câu được câu mất. Bố Mỵ nói:

- Ông yên tâm... cứ thế... tôi sẽ cho cháu nó làm con bên nhà. Con này nói là nó phải nghe... khà khà...!

       Mỵ đang rút rơm đưa vào bếp mai thổi cơm sớm. Nghe lõm bõm chuyện lùng bùng như kiến chui vào tai, tim đập thình thịch. Mỵ không hé môi để lộ chuyện cho ai biết, âm thầm tự quyết định...

       Thế rồi cô làm đơn tình nguyện giấu gia đình bố mẹ, bí mật lên Ủy ban gặp xã đội trưởng, đợt khám sức khỏe Mỵ toàn loại A1. Tới ngày giấy báo "Lệnh nghĩa vụ quân sự" chính bố của Mỵ cũng sững sờ... "ngã ngửa" người...

- Đồng chí Mỵ! tiếng gọi đột ngột của Chính trị viên Đại đội phá tan dòng suy nghĩ của Mỵ.

- Có tôi!

- Đồng chí viết "quyết tâm thư đi B" xong chưa?

- Báo cáo thủ trưởng tôi đã viết xong.

- Vậy đồng chí lên nhận giấy đi phép.

- Rõ!

       Chuyến đi phép như vòng quanh quả đất, trận lụt lịch sử để lại hậu quả thiệt hại quá lớn. Đường xá bị cầy tung, giao thông ngừng trệ. Cán bộ phụ trách chiến sĩ đi phép chia làm nhiều hướng của các tỉnh. Hướng của Mỵ đi vòng thúng, đi dọc đường tàu, ngủ tại đường tàu mất một đêm. Về tới quê sang ngày thứ ba. Mười một ngày phép mất đứt ba ngày. Cảnh tượng trước mắt Mỵ là những túp lều, lán tạm bợ trên mặt đê. Mọi sinh hoạt của người dân dưới trời nắng như thiêu vô cùng vất vả. Chờ nước rút và ổn định vệ sinh nhà cửa trong làng cũng còn thời gian khá dài.

       Mỵ gặp cha mẹ, các em nước mắt cô ở đâu lại trào ra. Đêm đó trên mặt con đê Sông Cầu, cô và Kiên tâm sự như hai người đồng chí. Cô vẫn chưa hết giận Kiên bởi những lời trong bức thư "Bên cửa sổ"

- Em khỏe không? Kiên mở lời bằng cử chỉ điềm tĩnh.

- Như anh thấy đó, em rất khỏe. Giọng của Mỵ rắn giỏi, nhưng không giấu nổi xúc động và xen chút giận hờn.

- Em nghĩ sao mà... đi phép lần này về đơn vị đi B phải không? (Kiên nói, có câu bỏ lửng làm Mỵ càng giận). Mỵ trả lời Kiên như sắp sẵn câu nói:

- Em nghĩ trong lúc đất nước có chiến tranh, trước hay sau gì anh cũng lên đường. Em đi trước có gì làm anh ngạc nhiên chứ?

- Mới mấy tháng huấn luyện mà em rắn giỏi quá! Lý luận chính trị, anh thua em rồi!

       Họ ngồi sát bên nhau như nghe được từng nhịp đập trái tim. Mỵ tỏ ra cứng cỏi vẻ bề ngoài, thực ra trong lòng cô ngổn ngang trăm mối. Giọng run run lạc hẳn của Mỵ làm sao Kiên có thể không nhận ra.

- Em không muốn tranh luận giữa chúng ta. Em về đơn vị sẽ đi học y tá, thủ trưởng báo trước rồi!

       Mỵ nói dối điều này ngay cả với cha mẹ, cô đã xác định rõ ngay khi viết "quyết tâm thư". Nhưng đó là cách tốt nhất cho cô... Mấy ngày phép ngắn ngủi kết thúc. Mỵ ba lô lên đường mang theo nỗi nhớ gia đình, cô thương các em mình khi quây quanh cô khóc... Mỵ như có người níu bước chân cô...

* * *

       Mùa khô năm 1972, nơi chiến trường thật hối hả, các Binh chủng hợp thành. Sau nhiều lần cả hai bên giữa quân đội ta và chính phủ Hoa Kỳ miền Nam Việt Nam giành giật trên bàn đàm phán, nhưng chưa có kết quả. Những thắng lợi của ta trong các chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Các chiến dịch Tây nguyên Đông Nam bộ năm 1972 Mỹ Ngụy thiệt hại nặng nề. Tháng 10/1972 phái đoàn Việt Nam đưa bản thảo cho Mỹ "Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam" Nhưng Mỹ lật lọng...

       Với thế lực tiến công mạnh mẽ của Quân đội ta, bắt chúng phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pari, hiệp định ký chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam 27/01/1973.

       Với bản chất ngoan cố của đến quốc Mỹ, chúng quay đầu lại đánh phá con đường huyết mạch của ta. Đường Trường Sơn không một ngày nào không có tiếng máy bay, tiếng bom nổ đâu đó. Những đoàn xe vẫn rì rầm ngày đêm lăn bánh. Những chuyến hàng chi viện cho tiền tuyến gặp thật nhiều khó khăn. Bất chấp bom đạn của giặc Mỹ điên cuồng. Mỵ và đồng đội của cô lao vào nhiệm vụ phục vụ chiến đấu. Giữa sự sống và hy sinh chỉ là gang tấc. Bất cứ nhiệm vụ gì khi được tổ chức giao, cô đều vượt qua và hoàn thành tốt. Lúc thì đi nối dây điện thoại, khi thì trực máy, lúc làm nữ cứu thương...

       Vào buổi chiều mùa khô năm 1973, bỗng liên lạc của Đại đội xuống nói với cô lên gấp gặp thủ trưởng. Mỵ chưa hiểu lý do gì, vội vàng tới phòng làm việc của Đại đội trưởng chào theo nghi thức, cô tới gần bàn làm việc:

- Báo cáo thủ trưởng tôi có mặt!

- Đồng chí đi ngay cho kịp, tôi vừa nhận điện thoại báo đoàn xe chở hàng đang chờ cấp phát xăng ở chân dốc. Đồng chí nào ở đoàn xe là đồng hương của đồng chí xin gặp ít phút. Đồng chí cử thêm hai đồng chí trong tổ ba người cùng đi. Nhớ cẩn thận và phải về sớm. Tình hình Mỹ thả biệt kích xuống trong thời gian vừa qua nên rất nguy hiểm.

- Rõ!

       Mỵ và hai đồng đội khoác súng đi như chạy, bì bõm lội suối rồi lại dốc, tưởng chừng thở ra cả hai tai. Mỵ lẩm nhẩm "không biết đồng hương nào cùng xã nhỉ..." Trong chiến trường chuyện gặp được đồng hương cùng huyện, cùng tỉnh đã là hạnh phúc. Cô thấy lòng vui rộng ràng. Ba người chạy xấp ngửa tới được điểm của đoàn xe thì không còn bóng dáng chiếc xe nào. Một toán Thanh niên xung phong đang làm đường cho biết đoàn xe vừa vượt dốc cách đó khoảng 15 phút. Một nữ Thanh niên xung phong cầm lá cờ nhỏ, chạy lại phía Mỵ, cô đoán là chỉ huy:

- Chào các chị! Các chị gặp đồng hương phải không? Đoàn xe rời đây rồi, có một anh nói nhờ em đưa giúp lá thư khi có người tới nhận. Mỵ chìa tay nhận lá thư vài dòng viết vội trên vỏ bao thuốc lá. Tim cô như nhảy ra khỏi lồng ngực.

       "Em...! Anh đã chờ nhưng muộn rồi. Biết không gặp được em vì đoàn xe có lệnh xuất phát. Anh ghi vội mấy dòng mong em luôn mạnh khỏe, vượt mọi khó khăn nhé. Anh đã tìm em qua những cung đường, Binh trạm. Cuối cùng đã biết được nơi em làm nhiệm vụ. Đêm nay bọn anh phải vượt trọng điểm, sớm đưa hàng vào tuyến trong. Tình hình chiến trường thật căng thẳng thiếu thốn... Hẹp gặp em sau... Anh yêu em mãi! - Kiên"

       Mỵ đứng lặng người, nước mắt cô chảy dài xuống hai má. Chiều Trường Sơn mây rủ nhau về núi. Tiếng thác đổ ào ào, tiếng chim kêu vượn hú. Những tia nắng yếu ớt cuối ngày sót lại xuyên qua những tán cây rừng già như ngàn năm không biết ngủ. Bàn tay vỗ nhẹ lên vai cô. Vẫn là cô gái Thanh niên xung phong cắm cờ. Giọng xứ Nghệ dễ thương:

- Chị! Về thôi chị, muộn rồi, mấy O chờ lâu. Anh ấy là đồng hương, là người yêu chị hở? tội quá, chúng em nhìn thấy anh ấy cứ leo lên cabin rồi lại tụt xuống, ngó mô đó... mong quá mà...

* * *

        Sau giải phóng 30/04/1975.

      Tháng 7 năm đó, Mỵ đang ở Đoàn an dưỡng ghé về nhà. Cô không thể trốn tránh một điều mà cô cho là không thể. Sau khi Mỵ lấy hết can đảm bước vào sân nhà của mẹ Kiên. Vừa nhìn thấy Mỵ bà ôm chầm cô khóc nức nở. Khiến Mỵ không cầm nổi lòng mình, cô cũng giàn giụa nước mắt. Một hồi bà buông tay ra nhìn Mỵ từ đầu tới chân. Tự tay bà nhấc chiếc mũ mềm trên đầu Mỵ rồi dắt cô lại phía bàn thờ Kiên. Mỵ châm nén nhang tay run bần bật, muốn khụy hai chân. Trên bàn thờ hương huệ tươi thơm ngát. Kiên tươi cười trong bộ đồ quân phục ảnh chụp cả người vai khoác súng. Chắc tấm hình được tách từ ảnh tập thể trắng đen. Bà lầm rầm khấn "Con ơi... Hôm nay Mỵ nó về thăm mẹ, con sống khôn thác thiêng phù hộ cho mọi người mạnh khỏe, cho Mỵ nó tiến bộ con nhé...!". Những kỷ niệm năm xưa thay nhau ùa về. Mỵ hiểu được... lý do của bức thư "Bên cửa sổ" năm xưa... Chỉ vì Kiên muốn gia đình anh xin hỏi cưới Mỵ, anh lên đường yên tâm khi mẹ đã có dâu con... "Mẹ ạ! Trai thời chiến tranh, con là cán bộ đoàn không gương mẫu thì nói được ai. Anh con vào Nam chiến đấu là việc khác. Mẹ chọn ngày tốt nhờ chú thím sang nhà thưa chuyện sớm. Mẹ có con dâu rồi có cháu, sướng quá còn gì bằng..." Bà lại gạt nước mắt! Cha của Kiên mất sớm nên anh thiếu tình cảm của cha...

* * *

       Đúng cái đêm đoàn xe của Kiên vượt trọng điểm đưa hàng vào tuyến trong. Một loạt bom B52 đánh vào đoàn xe. Chúng quần suốt hàng giờ, pháo sáng thả dọc theo sườn dốc. Một vài xe phía sau bị trúng bom bốc cháy. Các xe đi trước chót lọt. Kiên đã hy sinh trong trận đó cùng 3 đồng chí bị thương nặng. Đó là mùa khô tháng 10 năm 1973.

       Phần mộ của Kiên được quy tập về Nghĩa trang Trường Sơn. Mỵ tâm niệm từ lâu sẽ được tận tay đặt bó hoa tươi và thắp nhang cho anh.

       Tháng 10 năm 2011, Đoàn Cựu chiến binh Trường sơn trong đó có Mỵ. Chuyến về thăm "chiến trường xưa" cô tìm đến ngôi mộ của Kiên. Đặt bó hoa tươi, tay châm nén nhang mà lòng quặn thắt. Nước mắt Mỵ đầm đìa nhòe theo khói hương. Cô khấn anh "Đã bốn mươi năm rồi gặp lại anh, anh có biết không? Em giữ bức thư "bên cửa sổ" năm xưa. Hôm nay em gửi lại... Ở nơi xa ấy anh hãy vui đừng buồn. Bởi có một người con gái luôn nhớ về anh...!" Mỵ đốt bức thư năm xưa đã nhuộm màu thời gian...

       Trường Sơn màu xanh của núi rừng che chở người chiến sỹ. Đại ngàn đẹp mãi như tuổi xuân các anh.

       Làn gió nhẹ làm những bông hoa rung rinh trên bia mộ các chiến sỹ. Như cùng đồng thanh nói lời "Các anh rất vui và tự hào vì mình ngã xuống góp phần nhỏ cho nền độc lập nước nhà!".

Cao Nguyên, tháng 06/2021

Nguyễn Phương Liên

Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN


tin tức liên quan