“Tác hại của sự lầm tưởng định danh nghệ sỹ” – TG: Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:02 13/07/2021 Lượt xem: 445
TÁC HẠI CỦA SỰ LẦM TƯỞNG
ĐỊNH DANH NGHỆ SỸ

Hoàng Văn Kính
 
Nghệ sỹ hãy là chân chính, là truyền thống...(Tranh minh họa)

 
         Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị TW3 khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lưu ý: …Dư luận đang quan tâm, đặc biệt là vấn đề văn hóa, giáo dục nếu không cẩn thận là xuống cấp. Mà chúng ta biết văn hóa là nói lên bản sắc của dân tộc, văn hóa Việt-nam rất dộc đáo, hình như vừa qua lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức lắm.
         Có lẽ trong suốt chiều dài của lịch sử hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nước ta, chưa bao giờ trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và trong giới nghệ sỹ nói riêng lại có sự bát nháo như bây giời, khiến ta phải nghiêm túc xem xét, phân định xem đâu là nghệ sỹ thực thụ, đâu là người hoạt động nghệ thuật thuần túy và đâu là những kẻ ăn theo cái danh nghệ sỹ. Theo nghĩa thông thường, danh xưng nghệ sỹ để chỉ những người có năng lực thật sự trong hoạt động nghệ thuật, biết sáng tạo nghệ thuật, tạo ra được những sản phẩm nghệ thuật có giá trị cả về tư tưởng, tinh thần , tính nhân văn, đặc biệt biết nâng tầm giá trị văn hóa dân tộc.
         Ở đây có sự khác biệt giữa người hoạt động nghệ thuật chân chính, giới nghệ sỹ chân chính với giới sâu-bit bát nháo, hoạt động của họ chỉ để giải trí, mua vui cho thiên hạ, mục đích cuối cùng là kiếm tiền. Họ làm bất cứ điều gì kể cả những hành động, cử chỉ phản cảm nhất, những ngôn từ bỉ ổi nhất để mua tiếng cười cho mục đích cuối cùng là kiếm tiền.
         Những “ ngôi sao trẻ” thì vướng vào chửi bới, kéo băng nhóm dọa nạt người này, người kia, khoe chuyện phòng the. Những ngôi sao già thì lên truyền hình kể chuyện ngày xưa cặp với em này, bà nọ; già hơn thì hiện hữu để xin tiền, hoài niệm về quá khứ “ huy hoàng” ; loại vừa vừa thì “ lao tâm, khổ tứ” làm từ thiện, làm quảng cáo đểu để kiếm chác, đánh bóng tên tuổi.
         Xin lấy “ danh hài” Hoài Linh làm ví dụ: Xét về thể loại hoạt động nghệ thuật hoàn toàn không thể xếp anh này vào hàng nghệ sỹ thực thụ, người hoạt động nghệ thuật đúng nghĩa. Đấy chỉ là kẻ chuyên sắm vai giải trí, gây cười, tạo không gian hài hước trong phút chốc. Lượng người hâm mộ tìm đến anh ta cũng chỉ để giải trí chốc lát cho vui vì anh ta có khiếu với nhiều chiêu trò độc lạ. Nghiễm nhiên anh ta được “ trời” ban cho cái biệt danh là “ danh hài”. Sự ngộ nhận đã khiến anh ta lầm tưởng, đến đâu cũng huênh hoang, tự vỗ ngực mình là danh hài đến nỗi khi trao một ngôi nhà tình nghĩa bằng tiền ủng hộ của các mạnh thường quân cũng trương tấm biển rỗ to: “ Danh hài…tặng nhà tình thương… K”. Người ta đội anh ta lên đầu với danh xưng là anh Bốn, được xếp vào hàng cây đa, cây đề trong giới sâu-bít đầy thị phi và chụp giật. Để rồi từ sự lấp lánh hào quang anh ta đã khiến nhiều người lầm tưởng, cơ quan chức năng cũng nhầm tưởng mà lí ra anh ta không hề xứng đáng.
         Nói về tài năng, Hoài Linh không thể qua được những nghệ sỹ thực thụ, có tên tuổi trong nước, nhưng nói về sự ma mãnh, độ láu cá, độ nhanh nhậy, khả năng chớp thời cơ và toan tính thì có lẽ anh ta là người đứng thứ nhì trong khi không ai đủ trình để đứng ở vị trí số một. Điều đó được thể hiện sắc nét trong những thao tác phô trương bản thân, từ cái danh nghệ sỹ hài, anh ta tự tạo thêm quyền lực cho mình bằng cách xây nhà thờ. Điểm nhấn và sự ma mãnh ở chỗ: anh ta xây nhà thờ cho cá nhân mình, nhưng lại khôn lỏi khi sử dụng tiểu xảo đặt cho cái tên Nhà thờ Tổ nghiệp để mọi người lầm tưởng nhà thờ này là của cả giới nghệ sỹ. Tiến xa hơn một bước, anh ta dùng nó làm quyền lực để mặc cả, ép Chính quyền phải công nhận việc xây dựng trái phép. Anh ta đứng tên nhà thờ, tự đặt mình lên tầm cao mới, tự phong mình lên bậc thánh nhân, tự đắp tượng đài và đặt mình lên hàng tổ nghiệp. Để tô vẽ thêm cho hình ảnh của mình, khi tổ chức đám tang cho một đồng nghiệp trong giới sâu-bít anh ta huy động cả đống đàn em trống rong cờ mở tháp tùng cho tương xứng với danh hiệu là ông trùm, ông tổ. Và cũng chính những đàn em như Cát Phượng, Trần Anh Thư… đã thể hiện điều đó một cách sắc nét, ngông cuồng sử dụng cái mác anh “ Bốn” của em như là một thứ “ Miễn tử kim bài” để lòe thiên hạ. Một câu: Anh Bốn em, hai câu Anh Bốn em để đe nẹt, chửi bới, đòi xử lí bất cứ ai commen dám trái ý họ trên cộng đồng mạng. Những hành vi không khác là mấy cách hành xử của nhưng băng đảng giang hồ. Hổ lốn chẳng khác gì một nồi cám lợn.
         Nhìn lại những tác động của sự ngông cuồng ấy mới thấy tác hại mà nó đã gây ra. Như Đàm Vĩnh Hưng một đàn em thân thiết nhất, người được một tay Hoài Linh đào tạo nên vóc nên hình, nhưng đã có những phát ngôn ngông cuồng bộc lộ rõ một cái đầu rỗng tuếch của loài hạ đẳng: “ Đàm Vĩnh Hưng là vùng đất cấm ”, kiêu ngạo đến mức tự cho mình là “ Ông hoàng nhạc Việt” nhưng ông Vua này lại có cách ứng xử và những phát ngôn của một kẻ tiểu nhân đê tiện. Ngay cả đến thằng con trai của Hoài Linh từ hải ngoại cũng thay cha chửi dân Việt Nam là “ lũ vô ơn” trước những “ cống hiến” của cha nó! Trời ơi nó đang trách cả dân tộc này không biết đội thằng bố nó lên đầu. Đúng là nhà có phúc, bố nào con ấy…
         Nghệ sỹ là một định danh nghề nghiệp cũng như tất cả những nghề nghiệp khác, nhưng vì được ăn trắng mặc trơn, được bôi son trát phấn, được lấp ló sau cánh gà, được soi rọi bởi thứ ánh sáng ma mỵ trên sân khấu, được những tiếng la hét cổ vũ đã khiến họ chìm ngập trong ảo ảnh, ngộ nhận về cái danh hão dẫn đến những phát ngôn kiêu ngạo, lệch lạc cùng những hành vi của kẻ đổ đốn.
         Ngày nay văn hóa là một lĩnh vực đang phải chịu nhiều tác động xấu, có những diễn biến phức tạp làm phai nhạt bản sắc và truyền thống, có nhiều xu hướng, hành vi, phát ngôn xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm xói mòn hệ tư tưởng cách mạng. Cũng có thể nói đấy là một nốt trầm đang được ngụy tạo rất kĩ, người thường rất khó nhận ra.
         Không phải cái gì lấp lánh cũng là kim sa. Sự dễ dãi của mỗi chúng ta với tư cách là công chúng đã vô tình tiếp tay khiến một bộ phận không nhỏ người làm giải trí lầm tưởng về giá trị của họ để rồi tác oai, tác quái mượn danh nghệ thuật, lấy danh nghệ sỹ làm vỏ bọc để đạt mục tiêu kép, vừa làm tiền vừa được hưởng đặc quyền của Nhà nước, vô tình hay hữu ý phá hoại an ninh tư tưởng, lũng đoạn văn hóa văn minh của đất nước, của dân tộc.
Những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nói chung, Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch nói riêng suy nghĩ gì về sự cảnh báo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và thực trạng những diễn biến không lành mạnh trong hoạt động văn hóa, giáo dục nước nhà hiện nay.
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
(Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN)

tin tức liên quan