Đặt lịch khám trực tuyến - bước đột phá của ngành y tế trong đại dịch
Đặt lịch khám trực tuyến - bước đột phá của ngành y tế trong đại dịch
Nguồn: Báo Điện tử Quân Đội Nhân Dân
Khi cách ly xã hội được đồng loạt triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố, Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới trong công cuộc phòng, chống dịch (PCD) Covid-19.
Trong khi đó, nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân vẫn rất cao. Việc Bộ Y tế áp dụng đặt lịch KCB trực tuyến không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm thủ tục hành chính cho người bệnh mà thực sự hiệu quả nhất là khi đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp.
Vừa chống dịch, vừa thực hiện khám, chữa bệnh
Sau hơn một tháng hết cách ly y tế và mở cửa KCB cho bệnh nhân, Bệnh viện K đã yêu cầu người đến khám, điều trị cung cấp hình ảnh, thông tin tin nhắn đã được xác nhận lịch hẹn khám, điều trị qua Tổng đài tư vấn và hỗ trợ của bệnh viện hoặc bác sĩ điều trị. Theo đúng thông tin và ngày hẹn, người bệnh sẽ được hướng dẫn vào khu vực sàng lọc. Bà Đỗ Mai Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Nhờ có dịch vụ đăng ký khám trực tuyến và nhận lịch hẹn tới khám, tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, bảo đảm công tác PCD. Tôi thực sự mong hệ thống đăng ký khám này được nhiều người dân biết tới”.
Ông Nguyễn Tiến Thành (Đông Hưng, Thái Bình) sau khi được các bác sĩ thăm khám đã chia sẻ: “Ngay khi Bệnh viện K có thông báo và hướng dẫn đăng ký khám trực tuyến để nhận lịch hẹn với bác sĩ, tôi rất vui mừng. Trước đây, phải mất cả buổi chờ đăng ký tôi mới được khám. Nhờ có dịch vụ đăng ký khám trực tuyến, người bệnh như tôi đỡ rất nhiều cả về thời gian và tiền bạc, không phải mệt mỏi chờ đợi đến lượt khám”. Theo ông Nguyễn Tiến Thành: Các bác sĩ Bệnh viện K còn tư vấn cho ông đặt lịch khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Các bác sĩ Bệnh viện K sẽ chủ động trao đổi với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình về phác đồ điều trị để tiếp nhận khám, điều trị cho ông trong thời gian PCD.
|
Nhân viên y tế Bệnh viện K kiểm tra lịch hẹn của bệnh nhân khi đến khám. Ảnh: HÀ TRẦN |
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của công nghệ và dữ liệu kỹ thuật số. Việc vừa phải bảo đảm an toàn chống dịch, vừa phải phục vụ việc KCB cho người dân, nên áp dụng đặt lịch KCB trực tuyến đã chứng minh rõ ràng mô hình này không chỉ là giải pháp để đối phó với đại dịch mà còn là biện pháp được sử dụng lâu dài. Hiện tại, nhiều bệnh viện đã thiết lập mô hình đường dây nóng, sử dụng mạng xã hội facebook, zalo, website... hoạt động 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, tư vấn và giải quyết kịp thời các vấn đề người dân quan tâm. Bên cạnh đó, bộ phận chăm sóc người bệnh thuộc phòng quản lý chất lượng của bệnh viện cũng thường xuyên thăm hỏi bệnh lý, nhắc nhở bệnh nhân đến tái khám theo định kỳ, theo lịch hẹn của bác sĩ hoặc trực tiếp tư vấn cho bệnh nhân.
Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, việc tập trung đông người đều được khuyến cáo nên hạn chế. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi có bệnh người dân không đến bệnh viện, nhất là với đối tượng trẻ em, người già, bệnh dễ diễn biến nhanh, để lại hậu quả đáng tiếc... Để tránh lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế, PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội lưu ý: "Bệnh nhân trước khi đến bệnh viện nên gọi điện cho bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán tình trạng bệnh. Hoặc đặt lịch khám trực tuyến để tránh việc phải chờ đợi ở bệnh viện đông người, bởi nơi khám sàng lọc quá tải cũng là nguy cơ lây nhiễm Covid-19".
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, lượng bệnh nhân đăng ký khám đặt hẹn trước chiếm gần 30% tổng số bệnh nhân đến khám. Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội cũng đang miễn phí tiền khám đối với bệnh nhân đăng ký khám bệnh hẹn trước để khuyến khích bệnh nhân áp dụng hình thức này. Đặt lịch KCB trực tuyến sẽ giúp các bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch về nhân lực chuyên môn, cơ sở vật chất, trang thiết bị KCB cũng như công nghệ thông tin để phục vụ người bệnh tốt hơn, bước đầu làm thay đổi toàn diện hoạt động KCB.
Cần thống nhất hệ thống đặt lịch khám, chữa bệnh trực tuyến trên toàn quốc
Bộ Y tế đang triển khai hệ thống đặt lịch KCB trực tuyến thống nhất trên toàn quốc với nhiều tiện ích cho người dân, nhân viên y tế. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Với những cơ sở KCB đã triển khai đặt lịch KCB trực tuyến, Bộ Y tế sẽ phối hợp để kết nối liên thông, tích hợp với hệ thống mới đang xây dựng. Hệ thống mới đang xây dựng này được cung cấp miễn phí cho các cơ sở KCB. Tất cả dữ liệu do Bộ Y tế quản lý. Tuy nhiên, PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho biết: "Hiện một số đơn vị, địa phương đã triển khai việc đặt lịch KCB trực tuyến nhưng còn “manh mún”. Hệ thống này chưa triển khai được trên toàn quốc do phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, hiện nay, mỗi đơn vị (đã triển khai) lại có một nhà cung ứng dịch vụ khác nhau, dữ liệu không được chia sẻ giữa các đơn vị, bệnh viện mà chỉ sử dụng riêng trong cơ sở y tế riêng rẽ".
|
Khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện K. Ảnh: HÀ TRẦN
|
Hiện nay, yêu cầu đầu tiên đặt ra với hệ thống đặt lịch khám trực tuyến là khi người bệnh nhập số sổ bảo hiểm y tế vào hệ thống đặt lịch, lập tức hệ thống sẽ chuyển về nơi quản lý số bảo hiểm y tế đó, để bảo đảm bệnh nhân sẽ biết được mấy giờ có mặt tại cơ sở đó, khám bác sĩ nào, phòng bệnh nào... PGS, TS Lương Ngọc Khuê cho rằng, đặt lịch khám trực tuyến sẽ giúp bệnh viện điều phối bệnh nhân từ giờ cao điểm sang thấp điểm, từ ngày nhiều bệnh nhân sang ngày ít bệnh nhân hơn, góp phần giảm sự quá tải cục bộ của bệnh viện, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh.
( C. H sưu tầm)