Hãng Moderna ngày 5/8 tuyên bố rằng, vắc xin Covid-19 do hãng sản xuất có 93% hiệu quả bảo vệ trong 4-6 tháng sau liều thứ 2. Con số này hầu như thay đổi nhiều so với hiệu quả 94% được Moderna thông báo trong thử nghiệm lâm sàng ban đầu.
"Vắc xin Covid-19 của chúng tôi cho thấy hiệu quả lâu bền ở mức 93% sau 6 tháng tiêm chủng. Tuy nhiên, vì biến chủng Delta hiện là một mối đe dọa mới, chúng ta vẫn nên cảnh giác", Giám đốc điều hành Moderna Stephane Bancel cho biết.
Tuy nhiên, dù vắc xin có hiệu quả bảo vệ cao, nhưng Moderna cho rằng việc tiêm thêm một mũi tăng cường sẽ là cần thiết trước mùa đông vì mức độ kháng thể có thể suy yếu.
Moderna cho hay, các nghiên cứu của họ về 3 ứng cử viên vắc xin liều tăng cường đã tạo ra kháng thể mạnh mẽ chống lại các biến chủng Gamma, Beta và Delta.
Trong năm nay, Moderna đã ký hợp đồng sản xuất vắc xin trị giá 20 tỷ USD và sẽ sản xuất từ 800 triệu tới một tỷ liều. Ngoài ra, hãng cũng có các thỏa thuận vắc xin trị giá 12 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sản xuất 2-3 tỷ liều vắc năm tới.
Vắc xin của Moderna đã được phép sử dụng khẩn cấp cho dân số trưởng thành ở Mỹ vào tháng 12/2020 và kể từ đó đã được cho phép sử dụng khẩn cấp hoặc có điều kiện ở người trưởng thành tại hơn 50 quốc gia.
Cùng với Pfizer, Moderna là vắc xin sử dụng công nghệ mRNA. Trước đó, Pfizer công bố kế hoạch sẽ trình hồ sơ yêu cầu cấp phép với mũi tiêm thứ 3 vào tháng này.
Nhận định từ Moderna về việc tiêm liều 3 diễn ra trong bối cảnh các giới chức và chuyên gia y tế trên thế giới đang tranh luận về việc liệu một liều tiêm tăng cường có an toàn, hiệu quả và cần thiết hay không trong bối cảnh biến chủng Delta nguy hiểm đang "lây nhiễm như cháy rừng" trên thế giới.
Trong khi đó, một số quốc gia, ví dụ như Israel, đã bắt đầu kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho nhóm dân số cao tuổi hoặc dễ bị tổn thương.
( C. H sưu tầm)