Hơn 100 bệnh nhân "xóm chạy thận" trong lòng Hà Nội lay lắt vì Covid-19

Ngày đăng: 08:32 13/08/2021 Lượt xem: 196

Hơn 100 bệnh nhân "xóm chạy thận" trong lòng Hà Nội lay lắt vì Covid-19

                                                Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

Dịch Covid 19 bùng phát, 132 bệnh nhân lay lắt sống trong "xóm chạy thận", nhà không về được, tiền không có, xe buýt, xe ôm cũng chẳng có để vào viện chạy thận, thiếu thốn, khó khăn đủ đường.


Những cảnh đời khốn khổ trong "xóm chạy thận" ngày Covid-19 bùng phát

Con ngõ nhỏ số 121 phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội) vẫn được nhiều người biết đến với cái tên "xóm chạy thận". Hiện tại, bên trong "xóm chạy thận" này đang có 132 bệnh nhân bị suy thận ở nhiều tỉnh thành trên cả nước tá túc để tiện cho việc chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bên trong những cánh cửa khép hờ, nhiều bệnh nhân suy thận nằm bất động trên những chiếc giường cũ rích. Một số người khỏe hơn thì ngồi ở đầu giường, thi thoảng ngước nhìn ra ngoài qua khe cửa khi nghe thấy tiếng chân người lướt qua. Người dân trong xóm đều nhận thức được rằng, bệnh nhân bị suy thận thuộc nhóm có nguy cơ tử vong hàng đầu nếu như không may bị virus SARS-CoV-2 tấn công.

Hơn 100 bệnh nhân xóm chạy thận trong lòng Hà Nội lay lắt vì Covid-19 - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Anh Đỗ Văn Hanh có tới 19 năm chạy thận, cánh tay trái của anh nổi u cục chạy dài từ bắp tay xuống.

Trong căn phòng trọ rộng chưa được chục m2, bà Nguyễn Thị Sự quê ở (Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có thâm niên 13 năm chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Từ khi thành phố Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16của Chính phủ, những người thường xuyên phải vào viện chạy thận như bà gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại.

Khác với bệnh nhân khác chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai, bà Sự phải sang tận bệnh viện 354 để chạy thận. Bà Sự chia sẻ: "Một tuần, 3 lần tôi phải đến Bệnh viện Quân Y 354 để chạy thận. Trước kia thành phố chưa có dịch bệnh, dù ốm đau bệnh tật nhưng tôi di chuyển dễ dàng vì có xe buýt công cộng. Các phương tiện công cộng dừng hoạt động, ngay cả xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ cũng dừng hoạt động khiến việc vào viện chạy thận của tôi cực khổ hơn nhiều".

Bà Sự cho biết thêm, những người chạy thận ở các bệnh viện xa như bà phải có giấy đi đường của bệnh viện cấp. Mỗi lần chạy thận như vậy bà phải gọi xe ôm, mà xe ôm cũng là những người cùng cảnh chạy thận như bà nhưng họ còn trẻ, khỏe hơn. "Một tuần 3 lần đón đưa như vậy họ lấy mình có 200 nghìn đồng, chúng tôi không dám gọi xe ôm ngoài, mà có gọi cũng không có người để mà gọi", bà sự nói.

Hơn 100 bệnh nhân xóm chạy thận trong lòng Hà Nội lay lắt vì Covid-19 - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Với những người chạy thận lâu năm như anh Hanh không thể tránh khỏi việc cánh tay bị biến dạng.

Bà Lương Thị Huyền quê ở (Hải Dương) cũng sống trong "xóm chạy thận" này được nhiều năm. Bà cho biết, thời điểm Bệnh viện Bạch Mai phong tỏa để dập dịch Covid-19 vào cuối tháng 3/2020. Khi đó, bệnh viện họ có xe đưa đón bệnh nhân như bà ra vào viện để chạy thận mỗi tuần. Sau này, để giảm tải số lượng bệnh nhân chạy thận trong Bệnh viện Bạch Mai, họ đã chia bệnh nhân ra nhiều bệnh viện khác nhau.

"Trước kia mỗi lần vào chạy thận trong Bệnh viện Bạch Mai tôi toàn đi bộ. Từ khi được chuyển xuống Bệnh viện Thanh Nhàn để chạy thận tôi phải chuyển sang đi xe ôm, mỗi lần đi về như vậy mất mấy chục nghìn tiền xe ôm. Tôi có ý định tìm một phòng trọ dưới đó chuyển xuống ở cho gần nhưng không được, vì tiền phòng đắt đỏ với lại sống ở xóm chạy thận này quen rồi", bà Huyền kể.

Hơn 100 bệnh nhân xóm chạy thận trong lòng Hà Nội lay lắt vì Covid-19 - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bà Hợi đã phải ở lại xóm trọ không về nhà, vì về nhà bà chẳng biết đến viện bằng cách nào do các phương tiện giao thông công cộng bị cấm hoạt động, người thân đi lại thì bị tra soát giấy tờ, rất bất tiện.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hợi quê ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội) từ nhà bà vào Bệnh viện Bạch Mai khoảng 40km. Thời điểm trước khi giãn cách xã hội mỗi tuần 3 lần bà đi xe buýt đến viện chạy thận xong lại về. Nhưng bây giờ bà phải ở trọ vì xe buýt cũng dừng hoạt động, người nhà có muốn đón đưa cũng không được.

"Một số người ở trong xóm đã về quê trước khi giãn cách xã hội phải rất vất vả để quay lại đây. Họ phải nhờ người xin giấy từ bệnh viện sau đó gửi về nhà thì mới lên được. Khổ lắm, cái bệnh suy thận này muốn bỏ viện ở nhà cũng không được", bà Hợi nói.

Chạy thận lâu năm lên chức Trưởng xóm

Bà Vũ Thị Ngát quê ở (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), ngồi nhặt mớ rau muống bên trong phòng trọ để chuẩn bị bữa cơm trưa cho chồng. Trên chiếc phản ghép phía trong, chồng bà nằm co ro mệt mỏi, người phủ kín chăn vì chưa đến ngày vào viện chạy thận.

Bà Ngát cho biết, "ở đây thiếu thốn đủ đường, từ khi dịch bệnh xảy ra ngay cả đến việc đi chợ mua thức ăn đối với chúng tôi cũng gặp muôn vàn khó khăn. Trước kia đi chợ ngày nào ăn ngày đó, nay cả tuần mới ra chợ một lần. Nhiều người không có tủ lạnh toàn phải mang gửi, nếu không đồ ăn sẽ bị hỏng", bà Ngát kể.

Hơn 100 bệnh nhân xóm chạy thận trong lòng Hà Nội lay lắt vì Covid-19 - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Bà Ngát theo chăm sóc chồng bị suy thận, thâm niên tá túc ở "xóm chạy thận" này.

Bà Ngát là người khỏe mạnh nhưng khổ nỗi tuổi đã cao lại không phải là người bản địa, người như bà một tuần ra chợ 2 lần cũng thấy khó khăn. Trong khi đó, nhiều người bệnh tật đau yếu lại sống một mình không có người nhà chăm sóc, mỗi lần đi chợ muốn mua nhiều đồ tích chữ cũng không có đủ sức để mang về.

Theo cư dân "xóm chạy thận" cho biết, khó khăn nhất đối với họ trong lúc dịch bệnh bùng phát vẫn là tiền. Để có kinh phí cho mỗi lần chạy thận, họ phải tích cóp từng đồng, chi tiêu dè sẻn. Nhiều người còn phải gom vỏ chai dầu ăn, vỏ lon, giấy hộp để bán đồng nát kiếm thêm chút tiền. 

Hơn 100 bệnh nhân xóm chạy thận trong lòng Hà Nội lay lắt vì Covid-19 - 5
 

Nhấn để phóng to ảnh

Người dân trong "xóm chạy thận" nhận được phiếu đi chợ mua đồ ăn.

Hơn 100 bệnh nhân xóm chạy thận trong lòng Hà Nội lay lắt vì Covid-19 - 6
 

Nhấn để phóng to ảnh

"Xóm chạy thận" im lìm trong thời điểm giãn cách xã hội.

Anh Mai Anh Tuấn quê ở (Ba Vì, Hà Nội) 46 tuổi đời thì có 26 năm chạy thận. Sống lâu trong xóm nên anh Tuấn được người dân tự bầu lên giữ chức trưởng "xóm chạy thận". Hàng ngày bên cạnh việc mưu sinh kiếm tiền chạy thận, anh Tuấn còn nắm bắt thông tin, là cầu nối của những người dân trong xóm với các tổ chức đoàn thể.

"Ở xóm này ai cũng có những nỗi khổ riêng, từ khi dịch bệnh xảy ra chúng tôi rất khó khăn trong việc đi lại để chạy thận. Không thể về nhà, người thân cũng không thể lên thăm, thiếu thốn đủ thứ từ tình cảm đến kinh tế. Nhiều người trước đây vẫn tranh thủ chạy xe ôm, đánh giày kiếm thêm thu nhập trang trải tiền nhà, nhưng bây giờ tất cả mọi việc phải dừng lại", anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Văn Giàng, Tổ trưởng Tổ dân phố số 2 (phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) nơi có 132 người đang sinh sống trong "xóm chạy thận" cho biết, hoàn cảnh của những người dân ở đây khổ trăm bề. Họ phải thuê trọ trong những phòng cũ nát, mỗi tháng tốn rất nhiều kinh phí để chạy thận. Chính quyền địa phương, Tổ dân phố số 2 vẫn thường xuyên kết hợp với các tổ chức từ thiện để giúp đỡ người dân trong xóm về lương thực, thực phẩm như gạo, dầu ăn…

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan