Dồn toàn lực khống chế dịch bệnh, quyết tâm sớm đưa TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới
Dồn toàn lực khống chế dịch bệnh, quyết tâm sớm đưa TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Cuộc chiến vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan nhưng chúng ta chỉ có 1 con đường để chọn lựa, đó là tập trung hết sức lực, tiếp tục quyết tâm, quyết liệt để khống chế dịch bệnh. Tất cả để cùng vượt qua khó khăn, sớm đưa TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới.
Chiều 16/8, TPHCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, quán triệt Kế hoạch thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ.
“Cuộc chiến” 3 giai đoạn
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, theo Kế hoạch số 2715/KH-BCĐ của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 về triển khai thực hiện Nghị quyết 86, TPHCM phấn đấu kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên địa bàn trước ngày 15/9 với 3 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn từ ngày 15/8 – 22/8/, phấn đấu kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tử vong do COVID-19; Không để xảy ra trường hợp người bệnh COVID-19 (F0) chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị; Xác định chiến lược chuyển đổi “vùng đỏ”, “vùng cam”, “vùng vàng”; mở rộng “vùng xanh” tại các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Giai đoạn từ ngày 23/8 -31/8: Mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn Thành phố; phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với các quận, huyện sau: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, Quận 5, Quận 7, Quận 11.
Giai đoạn từ ngày 01/9–15/9: Duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng; Số lượng nhập viện điều trị mỗi ngày không vượt quá số xuất viện mỗi ngày; số nhập viện dưới 2.000 người mỗi ngày (tương đương dưới 200 trường hợp/triệu dân); Đảm bảo hơn 70% người dân (trên 18 tuổi) được tiêm mũi 1, 15% người dân được tiêm mũi 2.
Để đạt được mục tiêu này, về giãn cách, từ 0 giờ ngày 16/8 đến ngày 15/9, TPHCM tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”, hạn chế tối đa số lượng người dân ra khỏi nơi cư trú; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tự quản bảo vệ “vùng xanh”, phát triển “vùng xanh”.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch TPHCM yêu cầu tại các khu phong tỏa phải đảm bảo "ngoài chặt, trong chặt" và kiên quyết xử lý nghiêm người đứng đầu cùng các cá nhân liên quan nếu buông lỏng quản lý, để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa…
Tập trung hết sức lực, tiếp tục quyết tâm, quyết liệt khống chế dịch bệnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Diễn biến dịch bệnh vẫn vô cùng phức tạp, cần quyết sách mạnh mẽ hơn. Việc tiếp tục giãn cách xã hội toàn TPHCM thêm 30 ngày là thử thách lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Nhưng quyết tâm khống chế dịch bệnh, đạt mục tiêu Chính phủ giao, TPHCM cần “đã cố gắng thì cố gắng hơn nữa, quyết tâm thì quyết tâm hơn nữa, đoàn kết thì đoàn kết hơn nữa”.
Hơn lúc nào hết, TPHCM cần tiếp tục huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp, không phân biệt nhà nước hay tư nhân; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện những nhân tố tích cực, năng động, sáng tạo để nhân rộng cũng như xử lý nghiêm những cán bộ yếu kém, tiêu cực. Tất cả để cùng vượt qua khó khăn, sớm đưa TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới.
Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu phát huy hơn nữa phong trào quần chúng tự quản cũng như vai trò của các tổ dân cư, khu phố trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục thực hiện nghiêm quy định 5K và các chỉ đạo của TP. Các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, lơ là, phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra.
Về vaccine, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu, các loại vaccine về Việt Nam đều đã được cấp phép theo quy định; cố gắng tiêm cho người dân càng sớm càng tốt. Đồng thời, tăng cường phối hợp tích cực với các tỉnh thành để tổ chức đưa bà con về quê an toàn cũng như đảm bảo an sinh cho người dân yên tâm ở lại TPHCM…
“Cuộc chiến vẫn còn nhiều khó khăn, gian nan nhưng chúng ta chỉ có 1 con đường để chọn lựa, đó là tập trung hết sức lực, tiếp tục quyết tâm, quyết liệt để khống chế dịch bệnh,” Bí thư Thành ủy TPHCM khẳng định.
7 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Mặc dù tình hình dịch bệnh đang đi ngang và có xu hướng giảm, tuy nhiên kết quả này chưa bền vững, vẫn còn một số hạn chế trong tổ chức thực hiện. Chúng ta hạ quyết tâm là phải chiến thắng dịch bệnh. Những giải pháp đã được cơ quan chuyên môn, các chuyên gia đầu ngành tư vấn, góp ý và Ban Chỉ đạo các cấp từ thực tiễn điều chỉnh, hoàn thiện. Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta bây giờ là khâu tổ chức thực hiện cho đồng bộ, xuyên suốt và liên tục, đảm bảo hiệu quả nhất.
Theo đó, để đạt mục tiêu đặt ra theo Kế hoạch số 2715/KH-UBND về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị:
Thứ nhất, công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải tập trung, thống nhất, chuyên sâu, quyết liệt, mạnh mẽ và dứt khoát, đặc biệt là khâu tổ chức thực hiện phải đồng bộ, nhịp nhàng, phân công rõ người, rõ việc và thời gian hoàn thành. Chiến thắng được dịch bệnh hay không phụ thuộc vào lòng dân, sự tham gia của người dân có tính chất quyết định, người dân là chủ thể, là trung tâm của công tác phòng chống dịch.
Thứ hai, các quận, huyện, TP Thủ Đức phải thực hiện nghiêm, thực chất, đúng tinh thần “ai ở đâu ở đó”; “chủ trương 1, tổ chức thực hiện 10”. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”; phải bảo vệ được các “vùng xanh”; chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh”, “vùng cam” thành “vùng vàng” và khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”.
Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm, kể cả xử lý hình sự theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi không tuân thủ, cản trở, chống đối việc thực hiện các quy định, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan có thẩm quyền.
Giao Sở TTTT phối hợp với Bộ TTTT, Sở GTVT đo lường mức độ di chuyển của người dân, phân theo quận, huyện, TP Thủ Đức, định kỳ hằng ngày báo cáo UBND TP và gửi các địa phương để chấn chỉnh công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, trọng tâm của TP hiện nay là cấp cứu kịp thời và giảm tử vong; không để xảy ra trường hợp chuyển nặng mà không được tiếp nhận, điều trị. Theo đó, các quận, huyện, TP Thủ Đức cung cấp cho F0, gia đình F0 danh sách số điện thoại của Tổ phản ứng nhanh và danh sách các bác sĩ tư vấn trực tuyến; phân công Tổ phản ứng nhanh theo từng hộ gia đình; đảm bảo “thời gian vàng” trong cấp cứu và mọi cuộc gọi của F0 đều được tiếp nhận để ứng phó kịp thời; Thực hiện thật tốt gói “Home base care” trong theo dõi và điều trị tại nhà đối với các trường hợp nhiễm có nguy cơ thấp.
Sở Y tế khẩn trương phối hợp Tổ chuyên gia tư vấn điều trị, Trung tâm điều phối cơ sở vật chất rà soát lại các cơ sở thu dung điều trị trên địa bàn, đảm bảo 4 nguyên tắc cốt lõi của điều trị là: Không để quá tải, đầy đủ thuốc men, trang thiết bị và nhân lực; mỗi bộ phận phải có người theo dõi, kiểm tra, giám sát và quy trình để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, nhanh chóng chuyển đổi các bệnh viện công lập và huy động thêm các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị theo mô hình bệnh viện tách đôi hoặc chuyển toàn bộ sang điều trị; trường hợp bệnh viện tư nhân không tiếp nhận ca nhiễm, lập biên bản và kiến nghị Bộ Y tế thu hồi giấy phép.
Thứ tư, chìa khóa để kiểm soát dịch bệnh vẫn là vaccine, việc bảo đảm tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine có ý nghĩa quyết định chiến lược trong phòng chống dịch từ bị động sang chủ động.
Thành phố đã và đang sử dụng mọi nguồn lực, mối quan hệ để tìm kiếm, đàm phán việc mua vaccine nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn về nguồn cung. Các quận, huyện, TP Thủ Đức phải tăng cường thông tin truyền thông, quán triệt đến người dân tinh thần vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất, khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vaccine trong tình hình khan hiếm và dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh, làm nhiều người tử vong.
Thứ năm, tổ chức giãn cách xã hội nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh nhưng hết sức linh hoạt để duy trì các hoạt động sản xuất và dịch vụ xã hội thiết yếu. Thành phố không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng phải tập trung ưu tiên giữ vững một số nhóm ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo then chốt.
Trên cơ sở 4 phương án sản xuất an toàn đã ban hành, Sở Công Thương nhanh chóng hướng dẫn quy trình để các doanh nghiệp tổ chức thực hiện gắn với ký cam kết, nhanh chóng hình thành những “vùng xanh” trong doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu xây dựng gói hỗ trợ các khoản tăng thêm mà doanh nghiệp phải chi trả khi thực hiện 4 phương án sản xuất an toàn này.
Thứ sáu, các địa phương phải chăm lo hỗ trợ người nghèo, đảm bảo điện, nước, an ninh trật tự, chủ động cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm; đảm bảo không để ai phải thiếu ăn, không ai bị bỏ lại phía sau do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ngoài ra, trong thời gian giãn cách xã hội phải bảo đảm thông suốt nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu; chăm lo đời sống tinh thần cho nhân dân, duy trì đường truyền Internet tốc độ cao; có các chương trình văn nghệ giải trí phù hợp với tâm lý, tình cảm của người dân.
Thứ bảy, công tác thông tin, truyền thông phải bảo đảm kịp thời, công khai, khách quan để người dân nhận thức đầy đủ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh; tăng cường các thông tin tích cực, cổ vũ, động viên các lực lượng, các địa phương và nhân dân phòng, chống dịch; hệ thống thông tin chính thống phải dẫn dắt, định hướng thông tin của mạng xã hội, tránh các thông tin xấu, bịa đặt, thông tin giả mạo, xuyên tạc, chống đối; tăng cường thông tin về các kiến thức phòng chống dịch.
Sở TTTT chủ trì cùng các cơ quan liên quan thúc đẩy chuyển đổi số; hoàn thành các nền tảng công nghệ trên cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp các công cụ để các địa phương sử dụng.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng TPHCM luôn tràn đầy hy vọng và tin tưởng cuộc sống bình thường sẽ sớm trở lại. TP mong nhân dân vững tin, đoàn kết, tự giác chấp hành nghiêm túc các quy định, để không phụ sự vất vả của các lực lượng tuyến đầu, đồng thời phát huy mạnh mẽ tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”.
( C. H sưu tầm)