Thông điệp 5T chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế có gì khác?
Nguồn : Báo Điện tử Dân Trí
Để kiểm soát được dịch bệnh, Bộ Y tế vừa công bố thông điệp mới "Thông điệp 5T", trong đó quan trọng nhất vẫn là tuân thủ 5K, sau đó là cung cấp thuốc, thực phẩm tại nhà; test Covid và tiêm vắc xin.
Trong cuộc họp gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại, phải kiểm soát được tình hình trong thời gian giãn cách, đạt kết quả chống dịch thành công. Trong đó, lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài" trong phòng chống dịch và mỗi người dân là chiến sĩ, đặc biệt tại những địa bàn có nguy cơ cao, đang giãn cách xã hội như TPHCM, Bình Dương…
Vì thế, Bộ Y tế đưa ra Thông điệp 5T- "Pháo đài" chống dịch Covid-19 trong tăng cường giãn cách xã hội.
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế cho biết, thông điệp này gồm: Tuân thủ 5K, Thực phẩm đủ tại nhà, Thầy, thuốc đến tại gia, Test Covid tất cả và Tiêm chủng tại phường/xã. Thông điệp này dành cho giai đoạn giãn cách xã hội.
Để sớm kiểm soát được dịch bệnh, người dân tại các vùng đang thực hiện giãn cách xã hội cần tuân thủ đúng thông điệp 5K. Đồng thời, cơ quan chức năng cần đáp ứng thêm 4 T nữa để người dân yên tâm ở nhà.
"Tuân thủ 5K vẫn là quan trọng nhất. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, đặc biệt tại những vùng nguy cơ cao, để người dân yên tâm ở nhà, không phải đi ra ngoài tránh tiếp xúc với mầm bệnh cũng như người đang bị bệnh không lây cho người khác thì cần đảm bảo hỗ trợ thực phẩm tại nhà, thầy và thuốc được cung cấp đến từng hộ gia đình…", ông Đình Anh nhấn mạnh.
Chung quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), cho rằng Bộ Y tế thay đổi thông điệp 5T là phù hợp với tình hình dịch trong nước. Trong đó, tuân thủ 5K vẫn là biện pháp chủ yếu, quan trọng nhất để phòng lây nhiễm bệnh. Những nội dung khác nhằm bổ sung về chuyên môn, đảm bảo về an sinh.
"Thông điệp 5K+ vắc xin không có gì thay đổi, hay như Thủ tướng đã nói là 5K+ vắc xin+ công nghệ, tiêm vắc xin là giải pháp căn cơ về lâu dài. Trong giai đoạn hiện nay, với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh thì để người dân yên tâm ở nhà trong giai đoạn giãn cách xã hội thì việc cung cấp thực phẩm thiết yếu, thuốc cần được đáp ứng", TS Nhung nói.
Về thông điệp Test Covid cho tất cả, TS Nhung cho rằng có lẽ đã đến lúc cần để người dân tự test Covid-19 trong gia đình, cần thiết có sự hướng dẫn và giám sát của nhân viên y tế hoặc đội ngũ tình nguyện. Trong giai đoạn dịch bệnh lan rộng, diễn biến phức tạp như hiện nay, việc để người dân tự chủ động sàng lọc trước cũng là một hướng giải quyết để giảm áp lực cho nhân viên y tế, cho Nhà nước.
Dù vậy, ông cũng cần lưu ý test Covid này là test nhanh, có hiệu quả nhất định, không chính xác như xét nghiệm PCR. Vì thế, dù test âm tính, người dân vẫn không được chủ quan, vẫn phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, tuân thủ 5K. Cũng tương tự việc tiêm vắc xin là giải pháp về lâu dài, và dù có tiêm đủ 2 mũi thì người dân vẫn cần tuân thủ 5K.
Theo một chuyên gia về y tế dự phòng, giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng nhất để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, nếu không làm nghiêm việc "ai ở đâu, ở yên đấy", "nhà nào ở nhà đấy", vẫn để "trong lỏng ngoài chặt" thì dịch rất dễ bùng lên. Việc xét nghiệm chỉ là "cắt ngang" tại một thời điểm, những trường hợp nào ho sốt thì xét nghiệm ngay, xuất hiện ổ dịch nào thì "vét" ổ dịch đó.
"Chiến lược về lâu dài vẫn cần phải tiêm vắc xin. Nếu không may mắc bệnh thì cũng nhẹ, như thế sẽ không dẫn đến quá tải bệnh viện, không dẫn đến tử vong", chuyên gia nhấn mạnh.
Thông điệp 5T- "Pháo đài" chống dịch Covid-19 trong tăng cường giãn cách xã hội:
1. Tuân thủ nghiêm 5K
Thực hiện nghiêm giãn cách, "ai ở đâu ở đó". Cách ly người với người, nhà với nhà, xã với xã. Thực hiện nghiêm 5K khi phải ra khỏi nhà.
2. Thực phẩm đủ tại nhà
Cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, để người dân an tâm ở nhà. Đảm bảo an sinh xã hội tại nhà, đặc biệt quan tâm tới gia đình có người nhiễm, người có hoàn cảnh khó khăn, nhóm dễ bị tổn thương...
3. Thầy, thuốc đến tận gia
Bảo đảm mọi người dân được chăm sóc y tế. Tổ chức trạm y tế lưu động tại các xã/phường để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế; tổ chức quản lý, chăm sóc người nhiễm tại các địa phương áp dụng cách ly, điều trị F0 tại nhà. Cung cấp túi thuốc cho người bệnh. Sơ cấp cứu ban đầu và phát thuốc điều trị bệnh mãn tính cho nhân dân.
4. Test Covid tất cả
Thực hiện xét nghiệm toàn bộ người dân, đặc biệt là tại các địa bàn có nguy cơ rất cao, hoặc nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng cam) để sàng lọc, phát hiện sớm người nhiễm, hạn chế lây lan ra cộng đồng và tổ chức chăm sóc người nhiễm phù hợp. Hướng dẫn người dân tự xét nghiệm dưới sự giám sát của nhân viên y tế hoặc đội ngũ tình nguyện.
5. Tiêm chủng tại phường/xã
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 ngay ở xã, phường, tại trạm y tế hoặc điểm tiêm lưu động, bố trí nhiều điểm tiêm để người dân trong các nhóm đối tượng tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng Covid-19 sớm nhất, gần nhà nhất có thể.
( C. H sưu tầm)