Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi như thế nào trong 6 tháng tới?

Ngày đăng: 01:12 15/09/2021 Lượt xem: 215

          Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi như thế nào trong 6 tháng tới?

                                                   Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới

Theo các chuyên gia, Covid-19 khó có thể chấm dứt trong 6 tháng tới, thậm chí bùng phát mạnh hơn vào mùa đông.
 


Các chuyên gia đồng thuận rằng tiêm chủng là chìa khóa để nhân loại đối phó đại dịch. Đợt bùng phát Covid-19 hiện tại có thể được kiểm soát khi phần lớn dân số toàn cầu, khoảng 90-95%, đạt miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc từng nhiễm Covid-19. Nhưng với nguồn cung vaccine và tốc độ tiêm chủng như hiện nay, mục tiêu này gần như không thể đạt được trong 6 tháng tới.

Tính đến thời điểm hiện tại, mới có khoảng 5,76 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu, với 42,3% dân số thế giới được tiêm ít nhất một liều. Điều đó có nghĩa là gần 4 tỷ người trên toàn cầu vẫn chưa được tiêm bất cứ liều vaccine nào.

Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi như thế nào trong 6 tháng tới?
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: Reuters

Trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu đều trên 60%, chưa tới 1,9% người dân ở nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một mũi, theo Our World in Data.

Gần như mọi người sẽ phải tiêm vaccine hoặc bị nhiễm, hoặc cả hai, trước khi đại dịch chấm dứt. Cuộc đua giữa các làn sóng lây nhiễm và cuộc chiến tiêm chủng toàn cầu sẽ không thể kết thúc trong thời gian ngắn.

Khi trẻ em trở lại trường học vào mùa thu và mọi người thường có xu hướng tụ tập trong không gian kín trong mùa đông, thế giới có thể ghi nhận các đợt bùng phát Covid-19 mới tại trường học, phương tiện công cộng hoặc nơi làm việc trong vài tháng tới, trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa trở lại.

Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi như thế nào trong 6 tháng tới?
Địa điểm tiêm vaccine tại một trung tâm quần vợt tại Manchester, Anh. Ảnh: The Sun

Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng tăng, một bộ phận người dân vẫn có dễ tổn thương trước Covid-19, như trẻ sơ sinh, người không thể tiêm chủng và người bị nhiễm sau tiêm do suy giảm miễn dịch.

Năm đại dịch cúm được ghi nhận trong 130 năm qua có thể cho thấy những manh mối về cách thức hoạt động của Covid-19. Theo nhà dịch tễ học Lone Simonsen, Đại học Roskilde, Đan Mạch, dù dịch cúm toàn cầu lâu nhất kéo dài 5 năm, chúng chủ yếu tập trung thành 2-4 đợt bùng phát trong trung bình 2-3 năm. Covid-19 được đánh giá là đại dịch nghiêm trọng hơn, khi năm thứ hai đang dần khép lại giữa lúc thế giới trải qua đợt bùng phát thứ ba và chưa có dấu hiệu kết thúc.

Kể từ khi bùng phát ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, Covid-19 đã khiến hơn 4,6 triệu người chết, gấp hơn hai lần số ca tử vong trong bất kỳ đợt bùng phát nào kể từ dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.

Một điều đáng chú ý nữa là khi virus tiếp tục lây lan ở hàng tỷ người chưa tiêm chủng trên thế giới, biến chủng mới có thể sớm xuất hiện. Lịch sử cho thấy quan niệm rằng virus sẽ dần biến mất theo thời gian là hoàn toàn sai lầm, theo Simonsen. "Dù không phải đột biến mới nào cũng nguy hiểm hơn, các đại dịch có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng khi virus tìm cách thích nghi với vật chủ mới", bà nói.

Đại dịch Covid-19 sẽ thay đổi như thế nào trong 6 tháng tới?
Lô vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được chuyển tới Costa Rica thông qua cơ chế COVAX

Do đó, các chuyên gia cho rằng mọi người sẽ cần tiêm vaccine thường xuyên để duy trì khả năng bảo vệ trước Covid-19.

Erica Charters, Phó giáo sư về lịch sử y khoa tại Đại học Oxford, cho biết đại dịch sẽ kết thúc vào những thời điểm khác nhau ở các khu vực khác nhau. Các chính phủ sẽ phải tự quyết định mức độ đại dịch mà họ có thể sống chung. Tuy nhiên, dù cách tiếp cận của các nước khác nhau thế nào, những hậu quả của đại dịch vẫn sẽ tiếp diễn trong nhiều năm tới. Cho tới lúc đó, hầu hết thế giới vẫn phải tiếp tục gồng mình với làn sóng dịch trong ít nhất nửa năm tới.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan