Vaccine vẫn là “vũ khí” hiệu quả nhất để ứng phó với đại dịch Covid-19
Vaccine vẫn là “vũ khí” hiệu quả nhất để ứng phó với đại dịch Covid-19
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Cho dù xuất hiện các biến chủng mới, thậm chí còn được đánh giá nguy hiểm hơn biến chủng Delta, song cho tới nay thì vaccine vẫn được khẳng định là thứ “vũ khí” hữu hiệu nhất để phòng chống và “sống chung an toàn với Covid-19”.
Cảnh báo chủ nghĩa dân tộc về vaccine
Thế giới đang chứng kiến một làn sóng dịch Covid-19 nghiêm trọng tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ do nhiều nguyên nhân khác nhau như do thời tiết chuyển lạnh ở các quốc gia châu Âu, sự xuất hiện của các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thấp… Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến đầu giờ chiều 25-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 244,458 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 318.413 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua.
Đáng lo ngại nhất là châu Âu với số ca mắc Covid-19 mới tăng trở lại là do thời tiết chuyển lạnh khi mùa Đông đang đến gần - thời điểm các loại virus và cúm mùa dễ sinh sôi và lây lan mạnh. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến làn sóng dịch mới trỗi dậy ở châu Âu là do tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 không đồng đều giữa các nước, cũng như việc các nước nới lỏng quy định phòng dịch. Các chuyên gia y tế đang đặc biệt lo ngại châu Âu có thể phải hứng chịu làn sóng dịch mới trong mùa Đông năm nay do sự xuất hiện biến thể mới AY.4.2 của chủng Delta, biến thể có khả năng lây nhiễm hơn 15% so với chủng Delta vốn đã rất nguy hiểm.
Sự xuất hiện của chủng Delta lây lan nhanh hơn, bệnh trở nặng hơn cùng nguy cơ có thêm các biến chủng mới còn nguy hiểm khiến Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus vừa phải lên tiếng cảnh báo, với hàng trăm nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày và gần 50.000 người chết vì Covid-19 mỗi tuần trên thế giới thì đại dịch “còn lâu mới kết thúc”. Tuy nhiên, giới chuyên môn cũng thống nhất cho rằng, trong khi chưa có thuốc đặc trị, vaccine vẫn là “vũ khí” hiệu quả nhất để ứng phó với đại dịch và vẫn hiệu quả với những biến chủng mới như Delta. Đó cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để các nước quyết định đưa mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội trở lại tình trạng bình thường mới, mở cửa nền kinh tế, nới lỏng đi lại, mở cửa du lịch quốc tế…
Vaccine ngừa Covid-19 vốn đã khan hiếm trên thế giới, càng khan hiếm hơn khi nhiều quốc gia giàu có lên kế hoạch hoặc đã tiến hành tiêm thêm mũi vaccine thứ ba, còn gọi là mũi tăng cường, nhằm ứng phó với những biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Điều này khiến tình trạng cung ứng, tiếp nhận, tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới vốn đã bất công càng thêm bất công.
Theo số liệu của tổ chức “Our World in Data”, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trung bình toàn thế giới hiện đạt 37,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ rất khác nhau ở các châu lục và giữa các nước ở từng châu lục. Trong khi những nước giàu có đã đạt tỷ lệ tiêm chủng khá cao, thậm chí nhiều nước phương Tây đã tiến hành tiêm mũi tăng cường, thì tỷ lệ tiêm chủng ở nhiều nơi vẫn còn rất thấp với chỉ một con số, đặc biệt ở châu Phi.
Phát biểu tối 24-10 tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Y tế thế giới tổ chức ở Berlin (Đức), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo về chủ nghĩa dân tộc về vaccine và việc tích trữ vaccine phòng Covid-19 sẽ khiến tất cả thế giới gặp rủi ro. Ông kêu gọi phân phối hợp lý hơn vaccine trên thế giới.
Cuộc sống đang trở lại trạng thái bình thường mới
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nước ta đã có nhiều Nghị quyết, Chỉ thị… để chỉ đạo đối phó với dịch bệnh. Nhờ các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, linh hoạt thích ứng với tình hình và theo công thức “5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của người dân”, cùng với sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, có thể nói đến nay, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời với các biện pháp chống dịch trong nước, chiến dịch “ngoại giao vaccine” cũng được triển khai quyết liệt và hiệu quả, trong đó vận động vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ phục vụ phòng chống dịch được xác định là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại cấp cao. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều cuộc điện đàm, gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp lớn về dược phẩm, y tế. Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác về ngoại giao vaccine.
Tính đến nay, nước ta đã tiếp nhận hơn 97 triệu liều vaccine phòng Covid-19 từ các nguồn mua, phân phối của Covax và viện trợ của các nước. Trong đó, có hơn 50 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài. Mới đây nhất, trong 2 ngày 24 và 25-10, chúng đã tiếp nhận thêm hơn 2,6 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech do Mỹ trao tặng thông qua cơ chế Covax.
Do nguồn vaccine về nhiều những tháng gần đây, chúng ta đã đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên cả nước, tiêm được khoảng 1,5-1,6 triệu liều mỗi ngày hiện nay. Tính đến sáng 25-10, nước ta đã tiêm được tổng cộng 74,3 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người dân, trong đó hơn 21 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi.
Việc nhiều tỉnh và thành phố là các trung tâm kinh tế lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cao đã giúp nước ta dần trở lại trạng thái bình thường mới. Tính đến ngày 24-10, đã có 22 tỉnh, thành phố đạt các tiêu chí của ở cấp độ dịch Covid-19 vùng xanh - cấp độ 1; 41 tỉnh và thành phố còn lại ở cấp độ vùng vàng - cấp độ 2; không có tỉnh và thành phố nào ở cấp độ vùng cam - cấp độ 3 và vùng đỏ - cấp độ 4.
Bộ Y tế đánh giá, sau gần 2 năm ứng phó với đại dịch Covid-19, đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, số người mắc và số người tử vong trong thời gian qua liên tục giảm, cuộc sống đang dần trở về trạng thái bình thường mới ở nước ta. Cũng như nhiều quốc gia kiểm soát tốt đại dịch trên thế giới, chúng ta hiện đang chuyển sang giai đoạn “chung sống an toàn với Covid-19”, trong đó tỷ lệ tiêm phủ vaccine ngày một cao có đóng góp quan trọng.
( C. H sưu tầm)