Hà Nội: Những ổ dịch mới nguy hiểm đến mức nào?
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Các ca bệnh cộng đồng xuất hiện ở Hà Nội sau một thời gian TP nới lỏng giãn cách, tiến tới trạng thái bình thường mới, nên có nhiều lo ngại cho đợt dịch mới bùng phát nếu người dân không tuân thủ 5K.
hêm 1 bệnh viện có F0
Trong những ngày gần đây, Hà Nội xuất hiện nhiều ca mắc cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Đầu tiên là hai vợ chồng ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, anh chồng là nhân viên hành chính của Khoa Khám bệnh đa khoa (C1.1A) – một trong 3 khoa thuộc Trung tâm Khám bệnh đa khoa và Điều trị theo yêu cầu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108); vợ là nhân viên một nhà thuốc trên địa bàn Hà Nội.
Sau khi nam nhân viên y tế trở thành F0, bệnh viện đã cách ly, lấy mẫu xét nghiệm cho 370 trường hợp là F1, F2, tất cả đều âm tính. Sau khi cách ly, bệnh viện tiếp tục làm xét nghiệm cho các trường hợp F1 tại Khu cách ly đã phát hiện 4 trường hợp F0, đều là nhân viên y tế làm cùng Khoa Khám bệnh đa khoa.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện Bệnh viện 108 cho biết, đến ngày 27/10, đã ghi nhận 5 trường hợp mắc COVID-19 đều là nhân viên y tế, đã được cách ly tại Khu cách ly của bệnh viện, nên không có khả năng lây lan ra ngoài. Các trường hợp F1, F2 của các ca bệnh này cũng đã được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly theo quy định.
Ngay sau khi phát hiện các ca dương tính, Bệnh viện 108 đã khẩn trương tổ chức truy vết, cách ly, phong tỏa, phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nơi làm việc và di chuyển các F0 đến nơi theo dõi và điều trị riêng COVID-19.
Hiện nay, đã phong tỏa nơi làm việc của Khoa C1.1A, người bệnh đến khám được thực hiện tại khu vực khác, các bộ phận khác của Trung tâm Khám bệnh đa khoa và Điều trị theo yêu cầu vẫn hoạt động bình thường, đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đến nay Bệnh viện 108 đã lấy 5.131 mẫu xét nghiệm đều có kết quả âm tính. Riêng nhân viên Trung tâm Khám bệnh đa khoa và Điều trị theo yêu cầu đã có 3 lần xét nghiệm âm tính.
Như vậy, sau ổ dịch tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thì đến Bệnh viện 108, hiện vẫn chưa rõ nguồn lây cho nam nhân viên y tế trên. Để đảm bảo an toàn cho các bệnh viện, Bộ Y tế cũng như Sở Y tế Hà Nội đã có nhiều văn bản nhắc nhở các cơ sở y tế phải luôn “cảnh giác”, không bỏ lọt các ca nghi nhiễm.
Tại Công điện mới nhất ngày 25/10, Bộ Y tế gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, đề nghị chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện nghiêm tổ chức phân luồng, sàng lọc các trường hợp nghi nhiễm đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phát hiện ca bệnh, quản lý điều trị chặt chẽ ngay tại khu điều trị COVID-19, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Ổ dịch cộng đồng ở Quốc Oai khả năng lây lan ra sao?
Sau bệnh viện thì ổ dịch Quốc Oai được coi là phức tạp nhất tại Hà Nội hiện nay. Xuất hiện ngày 24/10 với 7 ca nhiễm, đến chiều 27/10, ổ dịch này ghi nhận 37 ca mắc, trong đó có nhiều F1 ở địa bàn khác trở thành F0 (có cả trẻ em).
Theo đại diện CDC Hà Nội, bước đầu xác định nguồn lây ổ dịch này là từ người đàn ông có địa chỉ tại Kim Bài, huyện Thanh Oai, công tác tại huyện Quốc Oai. Trong số các ca dương tính ở ổ dịch này, đa số đã tiêm từ 1-2 mũi vaccine, số chưa tiêm chủ yếu do chưa đến tuổi.
Chính quyền huyện Quốc Oai đã lấy mẫu xét nghiệm 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Theo nhận định của BS Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, trong những ngày tới, ổ dịch này sẽ ghi nhận thêm các ca bệnh lẻ tẻ nhưng khó bùng phát mạnh vì đã rà soát, khoanh vùng, điều tra được gần như hết các trường hợp F1 và người có liên quan.
Còn theo chuyên gia Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), ổ dịch ở huyện Quốc Oai không lo ngại lắm, bởi các F0 đa số đã tiêm phủ vaccine nên triệu chứng nhẹ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Hà Nội không được để bùng phát dịch ở ổ này, lây lan sang các đối tượng chưa được tiêm chủng nên vẫn phải cách ly, phong tỏa những điểm có xuất hiện người nhiễm. Hà Nội hiện chưa thể buông lỏng được do nhiều địa phương tỷ lệ tiêm vaccine còn thấp, những người này nhập cư về Hà Nội, nhất là trẻ em thì dễ dàng lây nhiễm.
Hiện nay, chuỗi lây nhiễm ở ổ dịch tiệm cắt tóc Mẹ Ớt, đường Trần Quang Diệu, Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa xuất hiện từ ngày 22/10, đến nay đã ghi nhận 10 ca mắc. Ngày 27/10, Hà Nội ghi nhận ổ dịch mới ở huyện Mê Linh với 7 ca nhiễm cộng đồng, có liên quan đến một F0 ở Hà Giang về đây ăn cưới.
Ngoài các ca cộng đồng, lây nhiễm đáng lo ngại nữa còn phải kể đến việc người dân về từ vùng dịch nhưng không tuân thủ cách ly, hoặc khai báo không đầy đủ. Tính đến ngày 27/10, Hà Nội đã rà soát, quản lý và giám sát sức khỏe 5.996 người từ các tỉnh phía Nam về, qua đó phát hiện 42 ca dương tính, trong số đó có 27 người tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với 63 tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, sau khi nới lỏng giãn cách, nhiều địa phương có lượng người về từ các vùng dịch rất lớn, đã xuất hiện các ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ các vùng dịch.
Mặc dù các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch nhưng các tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch.
Để làm được điều này, Hà Nội cũng như các tỉnh phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Bình Dương và Đồng Nai để phát hiện kịp thời và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Các trường hợp này phải giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn.
Người dân về từ các tỉnh, thành phố có dịch, dù đã tiêm đủ mũi vaccine, vẫn cần nghiêm túc thực hiện các quy định phòng, chống dịch. Đặc biệt, trong trạng thái bình thường mới, người dân càng không được chủ quan, thực hiện tốt thông điệp 5K.
( C. H sưu tầm)