Thận trọng trước thuốc trị Covid-19 không rõ nguồn gốc
Nguồn: Báo Điện tử An Ninh Thủ Đô
Thời gian qua, các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội như Công an, Quản lý thị trường…liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển, mua bán thuốc ghi công dụng điều trị Covid-19.
Siêu lợi nhuận
“Tân dược nói chung và thuốc điều trị Covid-19 nói riêng, để được phép lưu hành tại Việt Nam phải do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đủ điều kiện. Thế nhưng thực tế, đã và đang có hiện tượng nhiều người dân rỉ tai về thuốc điều trị Covid-19 xách tay, và cứ thế rủ nhau mua, tích trữ. Không ai dám chắc công hiệu của mặt hàng trôi nổi này”, chỉ huy Phòng CS Môi trường – CATP Hà Nội nhìn nhận.
|
Lực lượng chức năng kiểm đếm tân dược ghi điều trị Covid-19 |
Theo thống kê của Phòng CS Môi trường, trong thời điểm đợt dịch Covid lần thứ tư, một trong những mặt hàng, hành vi vi phạm bị phát hiện, xử lý nhiều, liên quan đến vật tư, thiết bị y tế và cả thuốc ghi công năng điều trị Covid.
Đầu tháng 9 vừa qua, tại địa bàn xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, tổ công tác Phòng CS Môi trường phối hợp cùng đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 - Cục QLTT Hà Nội kiểm tra, phát hiện Phương Thúy Hường (SN 1974, trú ở huyện Thanh Trì), đang vận chuyển 256 hộp thuốc ghi chức năng phòng, chữa Covid-19. Số tân dược này không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác thể hiện được nhập khẩu.
Trước đó 1 ngày, Phòng CS Môi trường cũng đã phối hợp cùng Đội QLTT số 6 kiểm tra điểm tập kết kinh doanh hàng hóa tại ngõ 252 đường Đại Mỗ, phường Đại Mỗ, do Trương Văn An (SN 1981, quê quán Gia Lộc, Hải Dường), làm chủ. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 100 vỉ thuốc ghi trị Covid-19 loại 40 viên/hộp, 21 vỉ loại 0 viên/hộp…do nước ngoài sản xuất, không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Vụ việc quy mô khác cũng được Đội 5 - Phòng CS Môi trường phối hợp cùng Đội QLTT số 13, phát hiện, xử lý trong tháng 9-2021. Theo đó, sau một thời gian nắm tình hình, xây dựng kế hoạch đấu tranh, tại khu vực Làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, lực lượng liên kiểm tra một xe ô tô loại 4 chỗ, phát hiện trên xe có gần 500 hộp thuốc ghi công năng điều trị Covid–19.
Tại thời điểm kiểm tra, chủ xe là Nguyễn Thu Huyền (SN 1979, trú tại quận Cầu Giấy) không xuất trình được hóa đơn, chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hộp thuốc trên. Số thuốc ghi điều trị Covid -19 bị thu giữ gồm 2 loại: 40 viên/hộp và 50 viên/hộp. Trên bao bì các sản phẩm đều in chữ do nước ngoài sản xuất, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Trên thị trường, mỗi hộp thuốc đang được chào bán với giá từ 3 đến 3,5 triệu đồng tùy loại.
Chỉ huy Đội 5 - Phòng CS Môi trường cho biết, toàn bộ số thuốc đều chưa được kiểm định chất lượng, không đảm bảo các yêu cầu cấp phép của Bộ Y tế, nếu tiêu thụ trót lọt ra thị trường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cùng thời điểm các vụ việc mua bán, vận chuyển thuốc ghi điều trị Covid-19 bị Phòng CS Môi trường phát hiện, xử lý, Công an quận Bắc Từ Liêm cũng đã khám phá thành công vụ kinh doanh 1.000 viên thuốc phòng, điều trị Covid-19, ghi nhãn mác nhập khẩu từ Nga.
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là trao đổi qua mạng xã hội rồi thuê các shipper giao hàng, không trực tiếp lộ diện để tránh sự kiểm tra và xử lý của các cơ quan chức năng.
Số thuốc 1.000 viên bị giữ cùng Vũ Thị H (SN 1991, HKTT Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) làm nghề shipper. Qua đấu tranh với H., cơ quan Công an làm rõ và triệu tập Mai Đức Thủy (SN 1993, trú ở quận Hai Bà Trưng) đến làm việc.
Bước đầu, Thủy khai nhận lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp, tâm lý người dân muốn mua các loại thuốc phòng, điều trị bệnh Covid-19, nên đã mua thu gom từ các nguồn trên mạng xã hội để bán kiếm lời. Nếu bán trót lọt, Thủy có thể thu lời khoảng 100 triệu đồng.
Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm
Theo chuyên gia pháp lý Trịnh Văn, nếu cơ quan chức năng điều tra, xác định đủ yếu tố cấu thành tội buôn bán, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 giả hoặc lợi dụng tâm lý lo sợ của người dân để trục lợi, thì những người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả thông thường cũng đã là hành vi trái pháp luật, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng và đặc biệt là gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ, tính mạng người sử dụng. Hành vi này vi phạm điểm a, khoản 5, Điều 6, Luật Dược năm 2016, hành vi kinh doanh thuốc giả, nguyên liệu làm thuốc giả bị nghiêm cấm.
|
"Chân dung" sản phẩm ghi điều trị được Covid-19 |
Tuỳ theo mức độ, tính chất mà hành vi bị xử phạt hành chính nếu vụ việc mang tính chất đơn giản, quy mô nhỏ, chưa gây hậu quả lớn, không đến mức phải xử lý hình sự, các đối tượng vi phạm sẽ bị phạt theo Điều 9, Điều 10, Mục 1, Chương II, Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Theo đó, đối tượng vi phạm sẽ bị xử phạt từ 2 - 140 triệu đồng (với cá nhân buôn bán) hoặc 10 – 200 triệu đồng (với cá nhân sản xuất thuốc giả). Với tổ chức vi phạm quy định tương tự, mức phạt sẽ gấp hai lần mức tiền trên.
Đặc biệt, trường hợp cơ quan chức năng khi tiến hành điều tra, làm rõ, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng vi phạm có thể đối diện với mức xử lý hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh” theo Điều 194, Mục 1, Chương XVIII, Bộ luật hình sự 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13.
“Thời điểm dịch bệnh phức tạp mà lợi dụng để kiếm lời bằng sản xuất, buôn bán thuốc giả là vi phạm pháp luật, có thể được coi là tình tiết tăng nặng khi cơ quan chức năng tiến hành xử lý. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát thị trường, khuyến cáo người dân, các cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc, không để hành vi này tái diễn trong thời gian tới, gây ảnh hưởng tới điều kiện tinh thần, sức khỏe và đặc biệt là tính mạng của người dân”, chuyên gia pháp lý Trịnh Văn bày tỏ.
( C. H sưu tầm)