Lý do thuốc uống điều trị Covid-19 không thể thay thế vắc xin
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Các bác sĩ cảnh báo thuốc uống kháng virus không thể thay thế vắc xin và mọi người không nên nhầm lẫn giữa lợi ích của các phương pháp điều trị với việc phòng ngừa bằng tiêm chủng.
Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt thuốc viên trị Covid-19. Ảnh: Reuters |
Thuốc kháng virus của Merck và Pfizer đã được chứng minh là làm giảm đáng kể nguy cơ chuyển biến nặng khi mắc Covid-19. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo những người còn do dự tiêm phòng Covid-19 rằng, không nên nhầm lẫn giữa lợi ích của các phương pháp điều trị với việc phòng ngừa bằng tiêm chủng.
Theo Reuters, hãng dược Pfizer cho biết, thuốc viên kháng virus Paxlovid đang được thử nghiệm của hãng giúp giảm 89% nguy cơ nhập viện và tử vong vì virus corona ở người trưởng thành có nguy cơ cao.
Kết quả thử nghiệm của Pfizer được công bố sau khi Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics ngày 1/10 thông báo, thuốc kháng virus Molnupiravir giúp giảm 50% nguy cơ nhập viện và tử vong. Thuốc này đã được Anh cấp phép có điều kiện hồi tuần trước.
Cả hai loại thuốc kháng virus này đều phải được các nhà quản lý y tế Mỹ thông qua nhưng có thể được bán trên thị trường vào tháng 12.
Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tỏ ra hào hứng về triển vọng của những phương pháp điều trị mới đối với Covid-19, song đều nhất trí rằng chúng không thể thay thế vắc xin.
Một nghiên cứu của Chính phủ Mỹ cho thấy, ngay cả khi đối mặt với biến thể Delta dễ lây nhiễm, vắc xin của Pfizer/BioNTech vẫn hiệu quả, giúp giảm nguy cơ nhập viện tới 86,8%. Nghiên cứu cho thấy, một số người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đã dựa vào kháng thể đơn dòng – loại thuốc được tiêm hoặc truyền vào tĩnh mạch, như một biện pháp hỗ trợ nếu bị nhiễm virus corona.
Tiến sỹ Leana Wen, bác sỹ cấp cứu kiêm giáo sư y tế công tại Đại học George Washington cho rằng thông tin về thuốc kháng virus của Pfizer là khả quan, nhưng cần song hành với việc tiêm chủng và không thể thay thế vắc xin.
Theo các chuyên gia, một lý do chính để không nên dựa vào thuốc viên đường uống chống Covid-19, là chúng phải được dùng cho bệnh nhân mắc Covid-19 ở giai đoạn đầu vì bệnh này có các giai đoạn tiến triển khác nhau. Tiến sỹ Celine Gounder, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cho biết, trong giai đoạn đầu, virus nhân lên nhanh chóng trong cơ thể.
Tuy nhiên, rất nhiều tác động tồi tệ nhất của COVID-19 xảy ra trong giai đoạn thứ hai, phát sinh từ phản ứng miễn dịch bị “lỗi” khi virus nhân lên. “Một khi bệnh nhân khó thở hoặc mắc các triệu chứng nghiêm trọng khác buộc phải nhập viện, điều này đồng nghĩa bệnh nhân đang trong giai đoạn rối loạn chức năng miễn dịch, khi đó thuốc kháng virus không mang lại nhiều lợi ích”.
Chuyên gia về vắc xin và là giáo sư về virus học phân tử và vi sinh vật học tại trường y Baylor cũng nhất trí với quan điểm trên. Ông nói, việc điều trị đủ sớm có thể là một thách thức vì quá trình virus chuyển từ giai đoạn sao chép sang giai đoạn viêm ở mỗi người không giống nhau. Ông cảnh báo, thường các bệnh nhân không nhận ra mình bị mắc bệnh cho đến khi quá muộn.
( C. H sưu tầm)