WHO xếp biến thể B.1.1.529 vào nhóm gây lo ngại giống Delta
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa đặt tên cho biến thể B.1.1.529 là Omicron, xếp vào nhóm biến thể gây lo ngại với lý do có thể gia tăng nguy cơ tái nhiễm.
Ngày 26/11, WHO đã có cuộc họp cùng với các nhà khoa học thảo luận về biến thể Omicron mới xuất hiện ở Nam Phi.
Các chuyên gia y tế rất lo ngại về khả năng truyền nhiễm của biến thể Omicron do có một loạt đột biến bất thường. “Bằng chứng sơ bộ cho thấy nguy cơ tái nhiễm biến thể này tăng lên so với các biến thể gây lo ngại khác”, WHO giải thích.
Hành khách xếp hàng tại sân bay ở Johannesburg, Nam Phi để về Pháp. Ảnh: AP
Theo tổ chức y tế toàn cầu, sẽ mất nhiều tuần để hiểu được biến thể này có thể ảnh hưởng như thế nào đến việc chẩn đoán, điều trị và vắc xin.
Bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, cho biết: “Omicron, B.1.1.529, có một số lượng lớn các đột biến, trong đó, một số đột biến có đặc điểm đáng lo ngại. Điều tốt là chúng ta có một hệ thống giám sát trên khắp thế giới để phát hiện ra những biến thể này”.
Các chuyên gia đánh giá, sự gia tăng mạnh số ca Covid-19 ở tỉnh Gauteng của Nam Phi - nơi lần đầu tiên xác định được Omicron - có thể do chủng này nhiều khả năng thoát khỏi miễn dịch hơn các biến thể khác. Theo báo cáo của WHO, số ca nhiễm Omicron đang gia tăng ở hầu hết các tỉnh của Nam Phi.
Các biến thể gây lo ngại, bao gồm Alpha, Beta và Delta, có khả năng lây lan dễ dàng hơn, gây ra bệnh nghiêm trọng hơn hoặc làm giảm hiệu quả của vắc xin, điều trị. Trong khi đó, các biến thể được quan tâm - như Mu và Lambda - có ảnh hưởng đến các khía cạnh như khả năng lây truyền và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhưng không dễ lây lan.
Dữ liệu được Bộ Y tế Nam Phi cung cấp ghi nhận một số đột biến của Omicron có liên quan đến khả năng kháng kháng thể, có thể làm giảm khả năng bảo vệ do vắc xin cung cấp.
Mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron
Biến thể Omicron có khoảng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến ở protein gai. Protein gai là mục tiêu của hầu hết các loại vắc xin Covid-19 hiện tại, được virus sử dụng để xâm nhập vào các tế bào của cơ thể con người. Các nhà nghiên cứu vẫn đang cố gắng tìm hiểu liệu điều này có khiến biến thể Omicron dễ lây truyền hay gây chết người hơn các biến thể trước đó hay không.
Ngoài ra, còn có 10 đột biến trên phần vùng liên kết thụ thể của biến thể, so với 2 đột biến ở biến thể Delta.
Giới chuyên môn đã có những suy đoán về nguồn gốc của Omicron. Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền UCL có trụ sở tại London (Anh), nhận định biến thể có thể xuất phát từ một người bị suy giảm miễn dịch nhiễm Covid-19. Người này có khả năng là bệnh nhân HIV/AIDS chưa được điều trị.
Các trường hợp nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được xác định ở Botswana và Nam Phi. Hiện nay, ở Nam Phi có hơn 100 ca liên quan đến biến thể này, ở Botswana có 4 ca. Những người được tiêm chủng đầy đủ cũng bị nhiễm bệnh.
( C.H sưu tầm)