Bộ Y tế nói gì về việc số Covid-19 tăng cao trở lại tại nhiều địa phương?
Bộ Y tế nói gì về việc số Covid-19 tăng cao trở lại tại nhiều địa phương?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
5 ngày liên tiếp, số ca Covid-19 trên cả nước tăng cao trở lại ở mức trên 10.000 ca/ngày. Ngoài điểm nóng như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai thì tại Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp…, dịch cũng rất phức tạp.
Theo Bộ Y tế, trong ngày 26/11, cả nước ghi nhận hơn 13.000 ca Covid-19, trong đó nhiều nhất là TPHCM với hơn 1.800 ca, Cần Thơ đứng thứ 2 với gần 900 ca, sau đó là Bình Dương (707 ca), Tây Ninh (655), Bà Rịa - Vũng Tàu (653), Đồng Tháp (601)… Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là hơn 11.000 ca/ngày.
Đáng chú ý, số mắc có xu hướng tăng cao trở lại một số địa phương như Cần Thơ, Tây Ninh, Đồng Tháp…, thậm chí có ngày Cần Thơ ghi nhận đến 1300 ca mắc mới, gần bằng với TPHCM.
Bên cạnh đó, số tử vong những ngày qua cũng đã tăng trở lại trên 3 con số, với trung bình gần 140 ca tử vong/ngày trong 7 ngày qua.
Bộ Y tế nhận định, số ca mắc cộng đồng đang có xu hướng gia tăng ở nhiều địa phương trên cả nước do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca bệnh không có triệu chứng, không rõ nguồn lây và có liên quan đến người trở về từ vùng dịch. Các ổ dịch tập trung tại các địa bàn tập trung dân cư, lây nhiễm thứ phát ngoài cộng đồng, nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn.
Dự báo, trong thời gian tới, có thể sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, nhất là trong điều kiện thời tiết chuyển biến thuận lợi cho sự phát triển, lây lan của virus.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Tôi hoàn toàn thông cảm với diễn biến dịch tại các địa phương. Khi "cửa" mở ra nhiều thứ có thể 'đi vào", nhất là với dịch bệnh lây lan rất nhanh như Covid-19. Nếu chúng ta không cẩn thận thì chắc chắn số ca mắc sẽ tăng cao tại một số địa phương".
Theo Thứ trưởng, Bộ Y tế đã nhận được đề xuất chi viện của một số địa phương như Tây Ninh, Cần Thơ… Bộ Y sẽ cử đoàn công tác do Cục Quản lý Khám chữa bệnh làm đầu mối đến các địa phương nơi dịch có diễn phức tạp. Sau khi đoàn hoàn thành nhiệm vụ, trong tuần tới Bộ Y tế sẽ có những quyết sách để hỗ trợ các tỉnh ngoài TPHCM để tăng cường năng lực về thu dung điều trị.
Khi số ca mắc tăng, điều quan trọng là tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sử dụng các loại thuốc đúng chỉ định một cách sớm nhất để giảm bệnh nhân nặng và tử vong.
"Chúng ta đều biết trên thế giới, một số nước như Nhật Bản số mắc đang giảm xuống nhưng làn sóng thứ 5 theo dự báo của WHO là vẫn có thể, nguy cơ tiềm tàng xảy ra ở một số quốc gia khác. Chúng ta cũng phải đối đầu thách thức này", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường các biện pháp giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện, khoanh vùng, cách ly, truy vết nhanh nhất có thể. Đồng thời, sẵn sàng thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu vực nguy cơ cao, nguy cơ rất cao. Các địa phương chủ động sẵn sàng nguồn lực, xây dựng các phương án đáp ứng dịch bệnh; giám sát chặt chẽ người về từ vùng dịch.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tiếp tục chuẩn hóa, liên thông dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Đến 30/11, về cơ bản Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ bao phủ vaccine trên 70% dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi.
Bộ Y tế đã quyết định lập 3 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra công tác bảo đảm khả năng thu dung, điều trị, triển khai hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và xét nghiệm SARS-CoV-2, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tránh tình trạng lạm thu sau khi hết dịch tại các địa phương được Bộ trưởng Bộ Y tế phân công.
( C. H sưu tầm)