WHO vẫn "mù mờ" thông tin về siêu biến chủng Omicron
Nguồn: Báo Điện tử VTC
WHO cho biết tổ chức này vẫn chưa rõ liệu Omicron có dễ lây lan hơn hoặc khiến bệnh nặng hơn so với biến thể COVID-19 khác hay không.
"Dữ liệu sơ bộ cho thấy tỷ lệ gia tăng các trường hợp nhập viện ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do số lượng gia tăng các bệnh nhân nhiễm bệnh không phải chỉ là do nhiễm Omicron", WHO cho biết.
Tuy nhiên trong một thông báo, tổ chức này nhắc lại rằng các bằng chứng ban đầu cho thấy nguy cơ tái nhiễm cao hơn nếu mắc biến chủng này.
WHO nói thêm họ đang làm việc với các chuyên gia để đánh giá tác động tiềm tàng của Omicron đối với những biện pháp ứng phó hiện nay nhằm chống lại COVID-19, bao gồm cả vaccine.
|
Omicron được WHO đưa vào danh sách "biến chủng đáng lo ngại". (Ảnh: Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ) |
"Chưa có thông tin cho thấy các triệu chứng có liên quan tới Omicron khác với những triệu chứng ở các biến chủng khác", WHO cho hay, lưu ý sẽ mất vài ngày tới vài tuần để hiểu mức độ nghiêm trọng từ chủng này.
Cũng theo Tổ chức Y tế thế giới, xét nghiệm PCR vẫn giúp phát hiện và các nghiên cứu vẫn đang được triển khai để xem xét nghiệm kháng nguyên nhanh có thể "đánh hơi" thấy Omicron hay không.
Trong khi đó, người đứng đầu WHO ở châu Phi Matshidiso Moeti kêu gọi các quốc gia nên bám sát khoa học thay vì ban hành lệnh cấm đi lại để ngăn chặn biến thể Omicron.
"Với việc phát hiện Omicron ở nhiều vùng trên thế giới, áp đặt lệnh cấm đi lại châu Phi sẽ ảnh hướng tới sự đoàn kết toàn cầu", ông Moeti cho hay.
Biến chủng Omicron được WHO xếp vào nhóm "đáng quan ngại" được phát hiện lần đầu tiên ở Botswana hôm 9/11. Chỉ sau 2 tuần, biến thể này lây lan tới hàng loạt các quốc gia.
Với 32 đột biến ở protein gai, Omicron được đánh giá là biến chủng COVID-19 nguy hiểm nhất từ trước tới nay và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta).
Hàng loạt các quốc gia trên thế giới đã áp lệnh cấm đi lại để ngăn chặn Omicron. Tuy vậy, một số chuyên gia rằng hạn chế đi lại chỉ giúp có thêm thời gian "tính kế" đối phó với biến chủng này chứ không thể ngăn nó xâm nhập.
WHO kêu gọi các nước không vội vàng đóng cửa biên giới, thay vào đó cần thực hiện các phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro và khoa học.
( C. H sưu tầm)