Việt Nam làm gì để đối phó với biến thể Omicron?
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, dấu hiệu bất thường của các ổ dịch nhằm kịp thời ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của biến thể Omicron.
Ngày 25/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của virus SARS-CoV-2 là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana...
Bệnh nhân đầu tiên là một người đàn ông khoảng 30 tuổi, ở Nam Phi. Các biểu hiện bệnh khác với với biến thể Delta như mệt mỏi, đau nhức cơ thể kèm theo một chút đau đầu, ngứa ngáy nhưng không bị đau họng, ho, mất vị giác.
Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Đến thời điểm hiện tại, các ca nhiễm biến thể Omicron đã được phát hiện ở nhiều lục địa. Dù các nhà dịch tễ học cho rằng việc áp lệnh hạn chế đi lại ở thời điểm hiện tại có thể đã quá muộn để ngăn biến thể Omicron lây lan toàn cầu, nhưng nhiều quốc gia vẫn tuyên bố sẽ dừng tiếp nhận các hành khách đến từ khu vực miền Nam châu Phi.
Tại Việt Nam, các chuyên gia cũng có những cảnh báo liên quan biến chủng này. PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y dược TP.HCM, khẳng định, còn quá sớm để kết luận về biến thể Omicron. Ông cho rằng, virus có nguyên lý tiến hóa chung, biến thể mới sẽ lây nhiễm nhiều hơn và ít gây chết người hơn.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nếu chủng virus gây chết người nhiều quá, sẽ không còn vật chủ để lây lan. Do đó, virus sẽ giảm độc tính để ít gây chết vật chủ nhất. Ngoài ra, biến thể này sẽ có khuynh hướng “trốn” vắc xin.
Phát hiện sớm dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19
Theo Bộ Y tế, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2, hiện nước ta chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron. Để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19.
|
Ảnh: REUTERS |
Bộ yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Đồng thời, Bộ cũng đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Chuyên gia: Củng cố y tế cơ sở, nghiêm túc thực hiện 5K
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, điều cần thiết với Việt Nam lúc này là tăng cường mũi vắc xin thứ 3 cho các đối tượng ưu tiên cao nhất như: người lớn tuổi, người có bệnh nền, nhân viên y tế trực tiếp làm việc trong các cơ sở điều trị Covid-19…
Với đại dịch Covid-19, các chuyên gia y tế luôn đặt mục tiêu hàng đầu phải bảo vệ đối tượng nguy cơ là người lớn tuổi, người có bệnh nền để giảm nguy cơ tử vong. Dù là Delta hay Omicron, nguyên tắc này luôn được tôn trọng.
Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, cũng cho rằng, dù biến thể nào xuất hiện, virus nCoV đều lây qua đường hô hấp. Vì vậy, một trong những điều người dân phải làm tốt nhất, là đeo khẩu trang. Mở rộng ra là cần chấp hành 5K, giảm tụ tập, giảm thói quen la cà cùng bạn bè…
Trước nguy cơ xâm nhập của biến thể này vào lãnh thổ Việt Nam, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh và Ngô Hoàng Anh, chuyên gia Viện Nghiên cứu y khoa Woolcock Việt Nam cũng nhấn mạnh, chúng ta phải có những bước chuẩn bị thật kỹ.
Về biện pháp tạm thời, Việt Nam nên hạn chế nhập cảnh với các nước có biến chủng đang lưu hành/có vị trí địa lý liền kề, bao gồm: Botswana, Eswatini, Lethoso, Mozambique, Namibia, Nam Phi, Zimbabwe, Hong Kong, Bỉ, Israel. Tiếp tục theo dõi và bổ sung vào danh sách trên nếu cần thiết. Những biện pháp này nên được duy trì đến khi chúng ta có đầy đủ hiểu biết về biến chủng này và ảnh hưởng đến hiệu lực của vắc xin hoặc hệ thống y tế đã đủ sẵn sàng đón một đợt bùng phát mới.
Chúng ta xây dựng hệ thống tầm soát các biến chủng lưu hành bằng cách giải trình tự gen hoặc thực hiện TaqPath ngẫu nhiên các mẫu bệnh phẩm được thu thập, kể cả với các mẫu bệnh phẩm trong nước hoặc nhập cảnh.
Xây dựng chiến lược tiêm chủng toàn dân để phủ vắc xin an toàn trong thời gian ngắn nhất, tiến tới tiêm mũi 3 cho các đối tượng có nguy cơ, bao gồm người trên 65 tuổi, nhân viên y tế, bệnh nền, đặc biệt là những người đã tiêm 2 mũi vắc xin ngoài hai loại mARN được cấp phép.
Ngoài ra, chúng ta phải củng cố hệ thống y tế tuyến cơ sở, gia tăng năng lực lấy mẫu cũng như năng lực xét nghiệm realtime RT-PCR để có thể trả kết quả trong vòng 24h từ khi lấy mẫu.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, biện pháp không thể thiếu là người dân phải thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K.
Đồng thời, nước ta phát triển các loại vắc xin để có thể gia tăng khả năng bảo vệ chống lại biến thể này. Về lý thuyết, sự kết hợp của nhiều đột biến trên protein gai sẽ làm giảm đáng kể hiệu lực của những loại vắc xin hiện tại và Delta đã cho chúng ta thấy điều đó. Như vậy, mặc dù không bị vô hiệu hoá hoàn toàn, khả năng bảo vệ chúng ta khỏi biến thể này sẽ thấp một cách đáng kể.
“Mặc dù vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết về cơ chế cũng như tác động của biến thể này đến diễn tiến của dịch bệnh, chúng ta phải luôn cảnh giác trước mọi nguy cơ xâm nhập của biến thể này vào đất nước”, các chuyên gia chia sẻ.
( C. H sưu tầm)