Tuyển Malaysia ngập nỗi lo trước trận gặp Việt Nam
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Vận đen chưa buông tha tuyển Malaysia khi HLV Tan Cheng Hoe vắng thêm một cầu thủ quan trọng nữa vì dịch bệnh, lần này là ngôi sao Akhyar Rashid.
"Akhyar Rashid là cầu thủ hay nhất trận thắng Campuchia. Đáng tiếc là cậu ấy mắc COVID-19 nên phải cách ly. Hy vọng cậu ấy sẽ khỏe mạnh và sớm trở lại với đội tuyển", HLV Tan Cheng Hoe trả lời sau chiến thắng 4-0 của tuyển Malaysia trước Lào ở lượt trận thứ hai.
Malaysia vẫn đang khởi đầu suôn sẻ ở AFF Cup. Thầy trò Tan Cheng Hoe toàn thắng trước Campuchia và Lào, đạt hiệu số +6. Sáu điểm trọn vẹn cùng bảy bàn thắng giúp "Mãnh hổ Malaya" rộng đường toan tính ở hai trận cuối, khi không nhất thiết phải thắng Việt Nam và Indonesia, mà vẫn góp mặt tại bán kết.
Tuy nhiên, thực tế tại Malaysia không chỉ toàn màu hồng.
Khủng hoảng lực lượng
6/11 cầu thủ Malaysia đá chính ở trận gặp Việt Nam tại vòng loại hai World Cup 2022 hồi tháng 6 sẽ không góp mặt tại AFF Cup vì nhiều lý do.
Cặp hậu vệ La'Vere Corbin-Ong và Matthew Davies không có tên. Tiền vệ Brendan Gan nghỉ thi đấu để trị bệnh, Akram Mahinan chấn thương, còn chân chạy cánh Mohamadou Sumareh cũng gặp vấn đề.
Trong danh sách 24 cầu thủ Malaysia (thiếu sáu người so với con số tối đa ban tổ chức cho phép), có tới 13 người chưa từng dự AFF Cup trước đó. Đội hình Malaysia hiện tại hoặc quá trẻ, với những măng non như Arif Aiman, hoặc quá già như Guilherme de Paula hay cầu thủ kỳ cựu Baddrol Bakhtiar.
Lực lượng chắp vá của Malaysia còn chịu thêm tổn thất bởi các ca mắc COVID-19, không thể định trước ngày trở lại. Sau ngôi sao Akhyar Rashid, chưa rõ có thêm cầu thủ nào của "Mãnh hổ Malaya" nhiễm bệnh hay không.
Sau 4 năm làm việc, HLV Tan Cheng Hoe phần nào xây dựng được lối chơi có đường nét cho Malaysia, dựa trên nền tảng kiểm soát bóng và tấn công biên. Đập bỏ nền tảng phòng ngự phản công có phần bạo lực dưới thời người tiền nhiệm Nelo Vingada, Tan Cheng Hoe giúp Malaysia là một trong những đội tiến bộ nhất Đông Nam Á.
|
HLV Tan Cheng Hoe kém may mắn. |
"Mãnh hổ Malaya" vào chung kết AFF Cup 2018, đứng hạng ba vòng loại thứ hai World Cup 2022 phần lớn nhờ tài điều binh khiển tướng của người thuyền trưởng.
Dù vậy, lối đá tấn công đòi hỏi Malaysia phải ổn định và đồng nhất về lực lượng. Không thể kiểm soát trận đấu khi mỗi trận ra sân với một hàng tiền vệ. Chưa kể, triết lý huấn luyện của Tan Cheng Hoe được ông xây dựng ở giải trẻ, rồi đưa lên ĐTQG giống người tiền nhiệm Datuk Rajagopal trước đây.
Các cầu thủ cần có thời gian để thích nghi với đòi hỏi của HLV, nhưng thời gian lại đang là thứ Malaysia rất thiếu lúc này. Biến động lực lượng khiến "Mãnh hổ Malaya" thi đấu chắp vá, rời rạc. Ngoài Safawi Rasid vẫn ổn định với bốn bàn thắng, phần lớn đội hình Malaysia đều chưa để lại ấn tượng.
Thử thách cho Tan Cheng Hoe
Không chỉ lo lắp ghép đội hình, HLV Tan Cheng Hoe còn vướng vào mâu thuẫn với Guilherme de Paula. Tiền đạo 35 tuổi bị chỉ trích bởi phong độ tồi tệ tại vòng loại thứ hai. Nhiều CĐV Malaysia cho rằng De Paula, cùng Lindon Krasniqi (cầu thủ nhập tịch gốc Kosovo) thiếu khát vọng để chơi cho đội bóng nước này.
Khó khăn đẩy lên cao trào khi ở trận gặp Malaysia, De Paula bày tỏ thái độ bất mãn khi bị thay ra trong hiệp 2. Tiền đạo của Malaysia có cá tính mạnh và không dễ hòa hợp với tập thể trẻ trung, non nớt mà Tan Cheng Hoe lần đầu huấn luyện.
|
De Paula bất mãn khi bị thay ra. |
Ở hai trận tới, Malaysia đều gặp vô vàn thách thức. HLV Tan Cheng Hoe đã thua bốn trong năm lần chạm trán tuyển Việt Nam của Park Hang Seo.
Còn với Indonesia, dấu ấn Shin Tae-yong đang được thể hiện với chiến thắng 4-2 trước Campuchia. Tính chất thù địch giữa hai nền bóng đá khiến các trận đấu giữa Malaysia và Indonesia luôn quyết liệt và khó đoán.
"Trận gặp tuyển Việt Nam rất quan trọng, vì Việt Nam là một trong những ứng viên vô địch. Chúng tôi cần hồi phục và chuẩn bị thật tốt trong 2 ngày sắp tới để sẵn sàng cho trận đấu này", HLV Tan Cheng Hoe chia sẻ.
Khả năng tập trung trong phòng ngự, gắn kết tuyến giữa là bài toán Malaysia phải giải càng sớm càng tốt. Ở trận gặp Campuchia, "Mãnh hổ Malaya" để đối thủ thoải mái bắn phá trong hiệp 1. Đến trận gặp Lào, Malaysia lại lơi lỏng, thiếu quyết liệt trong tranh chấp.
Nếu không tổ chức lại đội hình, Malaysia có nguy cơ trả giá đắt. So với AFF Cup 2018, hành trình của thầy trò Tan Cheng Hoe ở giải này gập ghềnh hơn nhiều. Malaysia phải thể hiện đẳng cấp của đội cạnh tranh ngôi vô địch. Sau 4 năm huấn luyện, Tan Cheng Hoe cũng cần thành tích để chứng minh con đường ông đi là đúng đắn.
Áp lực dồn lên De Paula cùng đồng đội là rất lớn. Vượt qua hay không, AFF Cup 2020 cũng là giải đấu có thể thay đổi tương lai bóng đá Malaysia trong vài năm tới.
( C. H sưu tầm)