Biến chủng Omicron liệu có gây sóng thần?
Nguồn: Báo Điện tử Công An Nhân Dân
Đây là lời cảnh báo của bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật về COVID-19 thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bà Maria Van Kerkhove kêu gọi các quốc gia hành động nhanh chóng để kiểm soát dịch bởi thực tế cho thấy, biến chủng Delta và Omicron đang cùng lây lan với tốc độ chưa từng thấy. Đặc biệt, Omicron có thể đã xuất hiện ở hầu hết các nước ngay cả khi nó chưa được phát hiện.
Không thể đánh giá thấp Omicron
Nhật báo El Pais (Tây Ban Nha) ngày 15/12 đã đăng tải bài phỏng vấn đặc biệt với bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm Kỹ thuật về COVID-19 của WHO. Theo đó, bà Maria bày tỏ quan ngại sâu sắc về viễn cảnh thế giới có thể đối mặt với "sóng thần" COVID-19 vì sự lây lan của hai biến chủng đáng lo ngại là Delta và Omicron. "Tôi nghĩ chúng ta đang rất gần với việc phải đối mặt với “sóng thần” lây lan trên thế giới, do cả Delta và Omicron. Tiêm chủng thôi là chưa đủ. Vaccine giúp ngăn chặn những ca bệnh triệu chứng nặng và tử vong nhưng không hoàn toàn ngăn được lây lan", bà Maria nêu rõ.
Quan chức này cũng cho hay, với những nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao như châu Âu, Omicron vẫn có thể né được phản ứng miễn dịch ở một mức độ nhất định. Bà Maria kêu gọi chính phủ các nước ứng phó trước với nguy cơ do các chủng virus mới gây ra, đồng thời nhấn mạnh rằng, các nước không nên chờ tới khi số ca nhập viện tăng rồi mới hành động.
"Chúng ta đã rút ra được bài học khi đánh giá thấp mức độ nguy hiểm của loại virus này. Ngay cả khi nếu Omicron có độc lực thấp, gây bệnh ít nghiêm trọng hơn, số lượng ca nhiễm tăng có thể một lần nữa gây quá tải cho các hệ thống y tế chưa được chuẩn bị", chuyên gia Maria nhấn mạnh.
Về Omicron, kể từ khi bắt đầu xuất hiện ở phía Nam châu Phi hồi tháng 11, biến chủng này hiện đã lan tới 77 quốc gia trên thế giới. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 14/12 nhận định: "Omicron có thể đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện".
Các nhà khoa học của WHO lưu ý, Omicron đang lây lan với tốc độ mà họ chưa từng thấy ở bất kỳ biến chủng nào trước đây. Chuyên gia WHO Abdi Mahamud dự đoán, Omicron có thể trở thành biến chủng trội ở châu Âu trong vòng vài ngày tới.
Bruce Aylward, một chuyên gia khác của WHO cảnh báo, việc vội vã kết luận Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn có thể đẩy các nước đến "một tình huống rất nguy hiểm" đặc biệt là khi đang ở thời điểm của các mùa lễ hội. Được biết, một nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học Đại học Oxford chỉ ra rằng, mức độ bảo vệ của hai loại vaccine gồm AstraZeneca và Pfizer/BioNTech chống lại Omicron thấp hơn đáng kể so với chống lại Delta.
Giới chức y tế cũng lưu ý đến những ca nhiễm Omicron là những người khỏe mạnh và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch. Điều lo ngại lúc này là giới khoa học chưa thể xác định được tác động của Omicron đến những nhóm người dễ tổn thương như người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch.
Phát hiện hiệu quả mũi tăng cường
Liên quan đến nghiên cứu nêu trên của Đại học Oxford, các nhà khoa học Mỹ có quan điểm tương tự về việc Omicron làm giảm hiệu quả của các vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (MGH), Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tiến hành xét nghiệm nồng độ kháng thể của những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna hoặc Johnson & Johnson để xác định hiệu quả của vaccine chống lại một loại virus giả (pseudovirus) gần giống Omicron. Kết quả cho thấy, những người đã hoàn thành tiêm chủng đầy đủ (hai mũi với vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, hoặc một mũi duy nhất vaccine của Johnson & Johnson) đều có nồng độ kháng thể thấp đến mức "gần như không có".
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ rõ rằng, nồng độ kháng thể của những người đã tiêm mũi tăng cường thể hiện khả năng trung hòa mạnh mẽ với biến thể. Hiện tại, WHO không phản đối việc tiêm mũi tăng cường nhưng kêu gọi sự phân phối vaccine tới người dân một cách bình đẳng bởi tiêm mũi tăng cường cho những người có nguy cơ cao có thể cứu sống nhiều người hơn so với tiêm liều chính cho những người có nguy cơ thấp.
Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: "Chúng ta cần giảm sự lây truyền xuống mức thấp, thực hiện điều trị sớm nếu nhiễm COVID-19 và tránh bệnh nặng bằng tiêm chủng cũng như không nên tích trữ vaccine để tiêm mũi tăng cường. Nếu muốn tiêu diệu virus vào năm 2022, các biện pháp cần được thực hiện hài hoà, bình đẳng và có hệ thống". Trong những tuần tới, WHO sẽ công bố thêm thông tin về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron do chênh lệch thời gian giữa sự gia tăng số ca nhiễm Omicron và sự gia tăng số ca bệnh nặng và tử vong do biến thể này.
Trong một diễn biến có liên quan, hàng loạt quốc gia Đông Nam Á đã phát hiện các trường hợp nhiễm Omicron bao gồm Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Philippines. Tại khu vực này, tuy số ca nhiễm Omicron tương đối ít, song các nước cũng bắt đầu siết chặt các biện pháp kiểm soát nhập cảnh, trong đó cấm nhập cảnh đối với một số nước châu Phi bị cho là có nguy cơ cao đối với biến chủng Omicron. Giới quan sát cho rằng, sự xuất hiện của Omicron sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của các nước Đông Nam Á khi các nước trong khu vực bắt đầu nới lỏng hạn chế, mở cửa trở lại sau gần hai năm kể từ khi COVID-19 bùng phát.
( C. H sưu tầm)