TP.HCM ghi nhận nhiều ca nhiễm Omicron: Liệu làn sóng dịch mới có xảy ra?
TP.HCM ghi nhận nhiều ca nhiễm Omicron: Liệu làn sóng dịch mới có xảy ra?
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), hiện thành phố đã ghi nhận 12 ca nhiễm Omicron, đều là người nhập cảnh trong tháng 12/2021.
Các trường hợp này đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, họ được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12. Mẫu xét nghiệm được làm giải trình tự gene và có kết quả nhiễm biến chủng Omicron.
|
Biến chủng Omicron. |
Nói về nguy cơ làn sóng dịch mới, Ths. BS Trương Như Quân, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) nhận định, với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron sớm hay muộn cũng tạo nên làn sóng dịch mới tại Việt Nam cũng như tại TP.HCM khi thành phố đã ghi nhận nhiều ca nhiễm biến chủng này.
“Những nước có đường biên giới (trên đất liền và trên biển) với Việt Nam như: Campuchia, Thái Lan... đã xuất hiện ca nhiễm biến chủng Omicron từ trước khi Việt Nam hay TP.HCM ghi nhận. Và nhiều nước có giao lưu thương mại, du lịch với Việt Nam thì ca mắc Omicron đã chiếm tỷ lệ lớn rồi, nên vấn đề xâm nhập vào Việt Nam là hiển nhiên, sớm hay muộn thôi”, BS Quân nhận định.
Theo BS Quân, tốc độ lây nhiễm của Omicron tăng lên hơn nhiều lần so với chủng Delta, tỷ lệ tái nhiễm biến chủng Omicron đối với người đã từng mắc chủng Delta cũng cao hơn so với Delta. Cho nên khi xâm nhập vào thành phố sẽ gây nên lây lan dịch bệnh nhanh hơn so với trước đây và rất có thể có làn sóng dịch bệnh mới. Tuy nhiên tỷ lệ ca nhiễm có thể tăng nhưng tăng đến mức nhiều và quá tải thì ít khả năng xảy ra.
Ít khả năng là do hai vấn đề, thứ nhất, thành phố đã có kế hoạch để đối phó rất cụ thể và chi tiết, đặc biệt là việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3, chúng ta đã và đang triển khai với tỷ lệ tiêm chủng rất khá. Trong khi đó, mũi 2 quy mô toàn thành phố cũng đã phủ gần như 100% nên giảm thiểu lây nhiễm rất nhiều.
Thứ hai, tổ chức hệ thống y tế từ cấp cơ sở cho đến cấp cao hơn đã có kế hoạch sẵn, có nhiều kinh nghiệm đối với những làn sóng COVID-19 trước đây do chủng Delta gây nên. Do đó, khi xảy ra một làn sóng dịch mới, đáp ứng của hệ thống y tế tốt hơn, sẽ không dẫn đến mức quá tải y tế như trước đây tại TP.HCM.
“Về góc độ người dân, cũng có ý thức, kiến thức lẫn kinh nghiệm phòng, chống dịch tốt hơn, nhiều hiểu biết hơn, duy trì 5K hiện nay gần như thành thói quen sinh hoạt hàng ngày của người dân. Chính vì thế chủng mới xâm nhập thì tốc độ lây lan sẽ không nhanh như trước. Ta vẫn có phương án đáp ứng phù hợp không dẫn tới quá tải hệ thống y tế như trước đây, có thể gọi là dần dần chấp nhận được và ứng phó tốt hơn, không đáng lo ngại lắm”, BS Quân nói.
|
Ths. BS Trương Như Quân. |
Cũng theo BS Quân, hiện một số thuốc kháng virus, đặc biệt Molnupiravir bắt đầu phê duyệt, sản xuất ở Việt Nam, tiến tới chúng ta có thể tự chủ về nguồn thuốc.
Khi có thuốc này chúng ta có thể sử dụng sớm cho người nguy cơ cao (bệnh nền, trên 65 tuổi, nhiễm HIV,… ) dẫn đến gánh nặng nhập viện đối với nhóm này sẽ thấp hơn; hệ thống y tế giảm tải và chủ động rất nhiều để ứng phó với dịch, tỷ lệ tử vong cũng sẽ giảm hoặc ít xảy ra. Nói chung dù có làn sóng dịch mới, chúng ta cũng tương đối lạc quan.
Biến chủng Omicron (B.1.1.529) của virus SARS-COV-2 được Nam Phi thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 24/11/2021, được phát hiện lần đầu ngày 11/11/2021 tại Boswana và 14/11/2021 tại Nam Phi.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, biến chủng có khả năng nhân lên với nồng độ virus cao gấp 70 lần so với chủng Delta tại biểu mô khí phế quản, tuy nhiên, nồng độ virus thấp hơn 10 lần trong nhu mô phổi. Dẫn đến, virus có thể dễ lây nhiễm hơn, ước chừng tốc độ lây nhiễm gấp 3 - 6 lần so với chủng Delta.
Tuy nhiên, nhiễm chủng này bệnh cũng có thể nhẹ hơn, theo ghi nhận ban đầu các ca nhiễm tại Nam Phi tăng rất nhanh, nhưng chưa có sự gia tăng các ca nặng, tử vong và các triệu chứng chủ yếu giống như cảm cúm.
( C. H sưu tầm)