Người mắc Covid-19 nên cách ly trong bao lâu?

Ngày đăng: 07:16 13/01/2022 Lượt xem: 198

                             Người mắc Covid-19 nên cách ly trong bao lâu?


                                                         Nguồn:Báo Điện tử Vietnamnet

Một số chính phủ đang cắt giảm thời gian cách ly đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19.

 

Khi Omicron lan truyền, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy biến thể này gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn. Đây là một tin tốt lành vì những người nhiễm virus ít phải nhập viện hoặc tử vong.

 
Người mắc Covid-19 nên cách ly trong bao lâu?
Ảnh minh họa: Cleveland Clinic

Tuy nhiên, Omicron cũng làm gia tăng các mắc mới, nên các quy định cách ly phòng chống dịch đã buộc hàng triệu người phải ở nhà, mặc dù họ có thể cảm thấy đủ khỏe để đi làm. Nhiều quốc gia đã ứng phó bằng cách đánh giá lại thời gian cách ly cần thiết.

Tháng 12 năm ngoái, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã giảm một nửa thời gian phải tự cách ly với người nhiễm Covid-19 từ 10 ngày xuống còn 5 ngày. Chính phủ Anh cũng giảm từ 10 ngày xuống còn 7 ngày với những trường hợp có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp trong thời gian cách ly.

Ngày 7/1 vừa qua, Đức đã có động thái tương tự, cắt giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 7 ngày khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính. 

Báo The Economist trích dẫn đánh giá của các nghiên cứu thống kê, các biến thể đời đầu có thời gian ủ bệnh trung bình là 6 ngày. Khả năng lây lan của mầm bệnh lên đến đỉnh điểm ngay trước khi các triệu chứng xuất hiện và biến mất trong 7 ngày sau đó.

Đối với những bệnh nhân có triệu chứng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo cách ly ít nhất 10 ngày sau khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng, trong đó ít nhất 3 ngày sau khi các triệu chứng biến mất. WHO cũng khuyến nghị những bệnh nhân không có triệu chứng nên tự cách ly trong 10 ngày sau khi xét nghiệm dương tính.

Tuy nhiên, các chính phủ đã ban hành các quy định khác nhau và một số nghiêm ngặt hơn những nơi khác. Ví dụ, New Zealand yêu cầu những người chưa được tiêm phòng cách ly trong 14 ngày, nhưng giảm xuống còn 10 ngày đối với những người đã chủng ngừa.

Với biến thể Omicron, mọi người có nên thay đổi khoảng thời gian phải cách ly không? Các bằng chứng ban đầu ủng hộ điều này. Một nghiên cứu đối với 6 trường hợp mắc Omicron đầu tiên ở Mỹ, được CDC công bố ngày 28/12/2021 cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình là 3 ngày, trong khi ở các biến thể khác là khoảng 5 ngày.

Một nghiên cứu khác của các chuyên gia thuộc Viện Y tế công Na Uy về ổ dịch bùng phát tại một bữa tiệc Giáng sinh ở văn phòng, trong đó 66 trường hợp trong số 111 người được xét nghiệm đã dương tính với Omicron, cũng xác nhận thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 3 ngày. Giới khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về Omicron, nhưng thời gian ủ bệnh ngắn hơn sẽ giúp giải thích sự lây lan nhanh chóng của biến thể.

Bất kể thời gian cách ly, xét nghiệm thường xuyên vẫn là cách tốt nhất để đảm bảo rằng mọi người không lây lan virus. Các quy định mới của Anh cho phép những người có 2 xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính được kết thúc cách ly sớm.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa sẽ bắt đầu phân phát những lô đầu tiên trong 500 triệu bộ xét nghiệm kháng nguyên nhanh cho các hộ gia đình vào giữa tháng 1 năm nay. Những xét nghiệm này, mặc dù ít nhạy hơn các xét nghiệm PCR tốn nhiều công sức hơn, nhưng là cách tốt nhất để nhanh chóng xác định những cá thể có khả năng lây nhiễm cao, giúp ích cho việc làm chậm lại sự lây lan của dịch.

Các chính phủ sẽ phải đánh đổi giữa tác hại của việc buộc những người nhiễm virus có vẻ khỏe mạnh tránh xa nơi làm việc và nguy cơ một số người trong số họ sẽ lây truyền mầm bệnh cho những người khác. Dù đã giảm thời gian cách ly nhưng Anh vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là trong hệ thống dịch vụ y tế công. Vào ngày 7/1, Chính phủ Anh đã phải điều động binh lính đến các bệnh viện ở London để tạm thời bù đắp sự thiếu hụt nhân sự.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan