Vợ Đăng Khôi chia sẻ cách hạn chế lây nhiễm khi tiếp xúc F0

Ngày đăng: 06:49 12/03/2022 Lượt xem: 135

Vợ Đăng Khôi chia sẻ cách hạn chế lây nhiễm khi tiếp xúc F0

Từ TP HCM bay ra Hà Nội chăm sóc bố mẹ F0, Thủy Anh - bà xã Đăng Khôi không bị lây nhiễm dù ở cùng nhà F0 hơn một tuần.

Trên trang cá nhân, Thủy Anh nhận sự quan tâm của hàng nghìn người khi đăng bài viết chủ đề "Tôi hoàn toàn không lây nhiễm khi chăm sóc F0 và cách giúp người lớn tuổi có bệnh nền nhanh khỏi Covid-19". Cô cho biết tháng hai đầy biến động khi bố, mẹ ở Hà Nội lần lượt nhiễm nCoV.

"Lúc nhận tin, tôi rất sốc và lo vì từ lâu bố mẹ có nhiều bệnh nền, gồm cả phổi. Trước đó, tôi dặn đi dặn lại cả hai phải hết sức cẩn thận, thậm chí đề nghị đón họ vào TP HCM tránh dịch nhưng bố mẹ không đi", vợ Đăng Khôi viết.

Sau sốc tâm lý, Thủy Anh quyết định xách valy, mua vé lao về tâm dịch. Cô chấp nhận bản thân sẽ dương tính, nhưng bù lại được ở cạnh chăm sóc bố mẹ. "Kết quả ra sao tôi cũng không hối hận", cô nói.

Vừa từ sân bay về, Thủy Anh đã đeo bao tay sẵn (vì bị viêm da) và mất hai tiếng xịt cồn từ ngoài cổng vào nhà. Cô không gặp bố mẹ ngay lập tức mà thực hiện cách ly, ai ở phòng người ấy. Vật bất ly thân của bà mẹ hai con là khẩu trang, kính chắn bọt, chai xịt cồn... Sau khi lên phòng, cô tháo bao tay, xịt khuẩn tay lần nữa mới tháo kính và khẩu trang.

"Một ngày tôi thay khẩu trang 4-5 lần và không tiếc vì lỡ bệnh còn tốn kém hơn. Mọi người nhớ xịt khuẩn cả kiếng chắn bọt", cô nói và nhấn mạnh phải tuyệt đối cách ly. "Ban đầu bố tôi âm tính, mẹ dương tính, tôi tách mỗi ông bà một phòng, còn mình ở tầng trên, dùng riêng toilet. Nếu không có nhà vệ sinh riêng, phải thường xuyên xịt khuẩn tay nắm cửa, nút xả toilet, vòi xịt, vòi rửa tay... Tôi cẩn thận đến mức mỗi lần đi qua toliet của bố mẹ phải xịt thật kỹ".

Cách không lây nhiễm khi chăm sóc F0 của vợ Đăng Khôi

Thủy Anh che chắn kỹ lưỡng khi về Hà Nội chăm sóc bố mẹ. Ảnh: NVCC

Thủy Anh không nấu nướng tại nhà để giảm thiểu khả năng lây nhiễm, thay vào đó nhờ bố mẹ chồng của em gái ship đồ sang. Người đẹp chỉ dùng hai cái tô lớn để quay, hâm đồ ăn cho nóng và bỏ ra chén đĩa dùng một lần.

"Tôi để mâm cơm trước cửa phòng bố mẹ (trước khi để lại xịt khuẩn kỹ). Sau khi ăn xong, bố mẹ tự cho vào túi rác, xịt khuẩn và cho để ngoài cửa phòng. Sau đó tôi yên tâm vứt rác. Còn tôi tự đặt đồ trên mạng và ăn tại phòng. Dịp này, tôi được thưởng thức nhiều món Hà Nội hơn", cô hóm hỉnh nói.

Ban đầu, khi bố có kết quả âm tính, Thủy Anh vẫn theo dõi, khuyên ông test hàng ngày. Cô giải thích đôi khi triệu chứng không rõ ràng, người lớn tuổi nhiều bệnh thường lầm tưởng các bệnh tuổi già như đau xương khớp... Sau ba ngày, bố có kết quả dương tính, Thủy Anh nhờ bác sĩ theo dõi sát sao và cho ông uống thuốc ngay.

Theo Thủy Anh, phải phát hiện nhanh triệu chứng Covid-19 của người vốn bị bệnh nền, có dấu hiệu gì phải nghĩ ngay đến nCoV và lập tức test nhanh. Phát hiện càng sớm, việc điều trị càng hiệu quả. Khi hiện hai vạch mờ hay vạch đậm, phải uống thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ nhanh nhất. Cô cho biết: "Nhiều trường hợp kiểm tra thấy vạch mờ, không tin mình bị Covid-19, phải đợi kết quả PCR mới điều trị. Tôi nghĩ chờ PCR cũng được (nếu bạn muốn chờ), nhưng nên có kế hoạch ngay khi test nhanh có kết quả - chăm sóc sức khỏe hô hấp không lúc nào là thừa".

Người đẹp quan niệm với người già và nhiều bệnh nền, việc chậm trễ có thể bỏ qua thời điểm vàng, bệnh sẽ diễn tiến nặng nhanh. Đôi khi vì chờ kết quả PCR, bệnh đã trở nặng, dẫn đến suy hô hấp.

Nếu được, nên có một bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe, thông báo tình trạng bệnh. Hiện có nhiều nhóm bác sĩ đồng hành, sẵn lòng giúp đỡ người bệnh nên mọi người có thể nhờ họ tư vấn. "Bố mẹ tôi uống thuốc kháng virus, tùy thể trạng bác sĩ kê thêm thuốc chống đông. Mọi người nên tham khảo với bác sĩ để có chỉ định phù hợp. Nhất là người lớn tuổi có bệnh nền, không được tự ý dùng thuốc. Nhà tôi luôn có bác sĩ sát sao sức khỏe của bố mẹ", bà xã Đăng Khôi chia sẻ.

Thủy Anh gợi ý phải tập thở ngày ba lần, đo SPO2 ba lần một ngày. "Việc này rất quan trọng. Đôi khi triệu chứng nhẹ nhưng phổi đã tổn thương, nồng độ oxy giảm bất ngờ, có những biến chứng diễn ra mình không kịp trở tay - thường vào lúc nửa đêm. Tập thở giúp cho phổi không bị xẹp", Thủy Anh lý giải.

Ăn uống đủ chất cũng rất quan trọng. Cô pha cho bố mẹ mỗi ngày một ly nước cam vào buổi sáng để tăng sức đề kháng, nhỏ nước muối, súc họng nước muối 3-4 lần mỗi ngày. Lưu ý, không rửa mũi nhiều quá làm niêm mạc mũi bị khô, dễ tổn thương. Ngoài ra, bố mẹ tôi xông mũi họng hai lần một ngày, mỗi lần 10-15 phút. Cách đơn giản là cho lá xông vào nồi cơm điện nhỏ để sẵn trong phòng. Mỗi lần xông chỉ cần bật điện cho sôi rồi tắt, lấy mền trùm lên và hít vào mũi họng.

"Đều đặn như vậy, bố mẹ tôi đã âm tính sau 5 ngày. Tiếp đó vẫn phải theo dõi chỉ số oxy và cách ly thêm ba ngày là ổn. Mọi người cũng nên chú ý vì nhiều người khi xét nghiệm âm tính nhưng SP02 vẫn có thể giảm đột ngột, vẫn cần chăm sóc thêm", cô kể.

Ngày nào bà xã Đăng Khôi cũng nghe ngóng, xem xét tình hình và sau 8 ngày chăm bố mẹ, cô hoàn toàn âm tính. Hành trình về nhà với chồng con ở TP HCM sớm hơn dự tính, trước đó cô đã chuẩn bị tinh thần xa các con 30 ngày.

"Trên đây là một số kinh nghiệm 'thực chiến' của tôi khi chăm sóc bố mẹ. Những thông tin uống thuốc gì, điều trị ra sao... tôi không dám nhận định, mọi người hãy tin tưởng bác sĩ. Đừng nói 'ai rồi cũng bị F0' mà lơ là cảnh giác. Covid-19 nguy hiểm hơn chúng ta tưởng nên cố phòng tránh tốt nhất có thể. Còn tôi quyết không để bản thân thành F0 dễ dàng vì còn nhiều thứ phải lo lắng lắm", Thủy Anh nói thêm.

Hiếu Châu
(PS st theo VnExpress)




tin tức liên quan