Khát vọng World Cup
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Sáng ngày 6/11, Đại hội VFF khóa 9 gồm 73 trên tổng số 81 tổ chức thành viên tham dự với đại diện từ các câu lạc bộ V-League, hạng nhất, câu lạc bộ nữ, futsal, liên đoàn bóng đá địa phương... đã thống nhất bầu ông Trần Quốc Tuấn làm Chủ tịch VFF nhiệm kỳ mới 2022 - 2026.
Ông Tuấn trúng cử với tỷ lệ đồng ý 100% cho thấy sự tín nhiệm của tất cả những người tham gia đại hội. Với chúng tôi, kết quả này không hề bất ngờ và có lẽ, hầu như ai cũng đều ngầm hiểu và dự đoán được. Bởi, nhìn lại những năm vừa qua, ông Tuấn đã chứng minh một cách thuyết phục về năng lực bản thân với Ban lãnh đạo VFF và người hâm mộ thể thao trong nước.
Không thể phủ nhận những công lao của ông Trần Quốc Tuấn trong loạt thành tích cao mà Đội tuyển Việt Nam đạt được - trong việc chỉ đạo, trong việc tạo ra những mối quan hệ tốt với FIFA, với các nền bóng đá ở châu Á cũng như ở Đông Nam Á.
Chúng ta thấy rằng, ở nhiệm kỳ trước, uy tín của bóng đá Việt Nam trên trường quốc tế có bước nhảy vượt bậc, vậy nên có thể khẳng định rằng, việc ông Tuấn được bầu làm Chủ tịch VFF khóa 9 là hoàn toàn hợp lý.
Trao đổi với báo giới, ông Tuấn nêu rõ mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong 4 năm tới là hướng tới sân chơi World Cup 2026. Cá nhân tôi cho rằng đây là một mục tiêu rất lớn mà tất cả người yêu bóng đá trên đất nước đều mong mỏi, cũng là mục tiêu mà mọi lãnh đạo VFF từ trước đến nay đều mơ ước. Trên thực tế, Việt Nam chưa bao giờ đạt được điều đó, cùng lắm cũng mới chỉ đến được vòng loại thứ 3 mà thôi. Để thấy rằng, đây không phải là một điều dễ dàng. Mục tiêu ấy rất tham vọng!
Nếu nói về mặt lý thuyết, số suất mà các đội châu Á tham gia World Cup 2026 tăng lên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc, chúng ta có cơ hội nhưng cơ hội đó cũng chia đều cho các đối thủ. Dưới thời của ông Park Hang Seo, phải ghi nhận rằng, bóng đá Việt Nam 5 năm qua tạo nên một tầm cao mới, nhưng tầm cao đó không có gì đảm bảo chắc chắn.
Bóng đá cũng như cuộc sống, luôn có sự vận động liên tục vậy. Nói một cách sòng phẳng, trong khi chúng ta tiến bộ thì những đối thủ ở xung quanh chúng ta, những đội tuyển mà chúng ta đã đánh bại - họ cũng nỗ lực và họ cũng nhận được sự quan tâm, đầu tư lớn. Chỉ nói riêng ở khu vực Đông Nam Á chứ chưa nói đến tầm châu Á, những nền bóng đá quanh ta như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều có những điều chỉnh rất mạnh tay trong những năm qua. Cho nên, mục tiêu vào World Cup 2026 không dễ.
Quyết tâm, mục tiêu đặt ra là như vậy. Nền móng đã có, nhưng bây giờ phải làm sao để duy trì nền móng đó và xây tiếp những thành tựu mới? Bài toán trước mắt chính là phải tìm được người thay thế ông Park Hang Seo.
Chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam bây giờ đang rất "hot" với nhiều ứng viên nổi tiếng. Khi trả lời phỏng vấn, ông Tuấn có nói rằng, ứng viên HLV trưởng Đội tuyển Việt Nam cần có một số yếu tố như am hiểu bóng đá Việt Nam, am hiểu về văn hóa Việt Nam. Theo quan sát của tôi, với những tiêu chí như vậy, trong số các ứng viên có 2 người đáng chú ý nhất là HLV Philippe Troussier và ông Gong Oh Kyun - HLV trưởng đội tuyển U23.
Ông Troussier từng dẫn dắt nhiều đội tuyển đến World Cup, nhưng với Việt Nam ông chủ yếu gắn bó với bóng đá trẻ, do đó với HLV này vẫn còn những mối băn khoăn nhất định.
Trên góc độ cá nhân, tôi dành sự ủng hộ đối với ông Gong Oh Kyun. Vị này đã đến Việt Nam một thời gian, gây ấn tượng với người hâm mộ với những gì mà Đội tuyển U23 thể hiện. Trên thực tế, các HLV người Hàn Quốc luôn có mối quan hệ tốt đẹp với nhau và truyền cảm hứng cho nhau. Ông Park và ông Gong đã có mối quan hệ rất tốt, chính HLV Park Hang Seo là người giới thiệu HLV Gong cho VFF để dẫn dắt U23 Việt Nam tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2023. Do vậy, trong cuộc chạy đua vào ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia, ông Gong có lợi thế rất lớn.
Theo thông tin hiện nay thì VFF muốn HLV Gong Oh Kyun tập trung tối đa cho nhiệm vụ ở U23 Việt Nam. Tuy nhiên, tôi cho rằng ông Gong đã có sự gắn bó và hiểu biết nhất định với bóng đá Việt Nam, nên sẽ phù hợp với chiếc ghế HLV trưởng đội tuyển quốc gia, chí ít là phù hợp hơn so với nhiều ứng cử viên khác.
Bên cạnh vấn đề chọn được HLV thay thế thì khát vọng World Cup còn phải dựa trên nền tảng là chất lượng cầu thủ. Nên nhớ rằng, lứa cầu thủ vàng của chúng ta đang ở giai đoạn "chín" và thậm chí có những người đã ở đỉnh cao, đã chững lại không phát triển thêm được. Do vậy, cần phải chú ý phát triển lứa cầu thủ kế cận. Và đây là lợi thế của ông Gong!
Ông Gong hiểu hơn về những tài năng trẻ. Việc chúng ta đá ở vòng loại thứ 3 đã bộc lộ những hạn chế của bóng đá Việt Nam. Dù rằng, đây có thể coi là thành tích cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử nhưng việc chúng ta chỉ thắng 1 trận trước Trung Quốc, hòa 1 trận với Nhật Bản, còn lại là thua đối thủ cho thấy sự chênh lệch rất xa về trình độ và đẳng cấp với các nền bóng đá phát triển ở châu Á. Trên chúng ta còn những đội bóng ở khu vực Đông Á, khu vực Vùng Vịnh - họ vượt trội hơn hẳn chúng ta. Bởi vậy, khao khát thì lớn nhưng khó khăn còn nhiều, còn nhiều nỗi lo lắng bộn bề.
Hiện tại, khi VFF đã chính thức có tân Chủ tịch nhiệm kỳ mới, tôi cho rằng, điều cần cải tổ, cần đổi mới trước hết chính là ở giải vô địch quốc gia.
Mọi ước mơ, mọi khao khát đều phải xuất phát từ nền tảng bóng đá trẻ, từ giải vô địch cấp quốc gia. Nhưng, V.League vẫn còn nhiều vấn đề, từ trọng tài đến sân bãi, đến chất lượng thi đấu. Tôi hi vọng, tới đây, VFF và VPF sẽ làm tất cả để nâng cao chất lượng giải vô địch quốc gia. Đó là điều không thể khác!
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc là bình luận viên thể thao hàng đầu Việt Nam, đặc biệt với bóng đá Ý. Anh còn là một phóng viên thời sự quốc tế, tác giả của nhiều đầu sách được đông đảo bạn đọc yêu thích.
( C. H sưu tầm)