11 cách tăng huyết áp ảnh hưởng tới cơ thể và cách phòng ngừa

Ngày đăng: 03:48 22/03/2023 Lượt xem: 779

11 cách tăng huyết áp ảnh hưởng tới cơ thể và cách phòng ngừa

22-03-2023 9:13 AM | Chữa bệnh không dùng thuốc

SKĐS - Tăng huyết áp được ví như ‘kẻ giết người thầm lặng’ vì diễn biến âm thầm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm… Vậy phòng ngừa tăng huyết áp như thế nào?

1. Ảnh hưởng của tăng huyết áp lên cơ thể

1.1 Làm tổn thương động mạch

Các động mạch cần phải chắc chắn, đàn hồi tốt và trơn tru để di chuyển máu dễ dàng từ tim và phổi đến các cơ quan và các mô khác của cơ thể. Huyết áp cao hay tăng huyết áp (còn được gọi tắt là HBP - High Blood Pressure) là khi huyết áp hay lực đẩy của máu đi qua các mạch máu luôn ở mức quá cao.

Huyết áp cao tác động vào thành động mạch liên tục gây nguy cơ xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch) làm cho động mạch trở nên cứng và hẹp hơn… không thể thực hiện tốt công việc của mình.

1.2 Suy tim

Huyết áp cao có thể khiến động mạch bị thu hẹp. Theo thời gian, khiến tim phải làm việc nhiều hơn và yếu đi… có thể dẫn tới suy tim (tim không thể cung cấp đủ máu cho phần còn lại của cơ thể).

photo-1679330689152

Huyết áp cao có thể dẫn tới suy tim.

1.3 Đau tim

Huyết áp cao có thể khiến các động mạch vành dần dần bị thu hẹp do mảng bám - tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác… Quá trình này được gọi là xơ vữa động mạch.

Khi các động mạch cứng lại với mảng bám, có nhiều khả năng hình thành cục máu đông. Khi một động mạch bị tắc nghẽn do sự tích tụ mảng bám hoặc cục máu đông, dòng máu chảy qua cơ tim bị gián đoạn, khiến cơ tim bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng. Tổn thương hoặc chết một phần cơ tim xảy ra là hậu quả của một cơn đau tim.

Đau hoặc tức ngực là triệu chứng phổ biến nhất của cơn đau tim.

Các triệu chứng khác bao gồm:

  • Đau hoặc khó chịu ở cánh tay, lưng, cổ, hàm hoặc dạ dày
  • Khó thở có hoặc không có khó chịu ở ngực
  • Buồn nôn hoặc chóng mặt…

Hãy gọi cấp cứu kịp thời, nếu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào ở trên.

1.4 Những vấn đề về mắt

Theo thời gian, huyết áp cao có thể làm chậm lưu lượng máu đến võng mạc (lớp mô nhạy cảm với ánh sáng ở phía sau nhãn cầu). Nó cũng có thể làm chậm quá trình di chuyển của máu đến dây thần kinh thị giác, giúp gửi tín hiệu đến não. Tăng huyết áp cũng có thể khiến chất lỏng tích tụ dưới võng mạc, gây sẹo mô và làm biến dạng tầm nhìn.

1.5 Bệnh động mạch vành (CAD)

CAD xảy ra khi mảng bám tích tụ trong các động mạch gần tim. Điều này làm chậm lưu lượng máu tới tim, có thể gây đau ngực hoặc nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim). Sự tắc nghẽn hoàn toàn có thể gây ra cơn đau tim.

1.6 Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)

PAD cũng giống như CAD, nhưng nó ảnh hưởng đến các mạch máu ở xa tim hơn, chẳng hạn như mạch máu ở tay, chân, đầu hoặc dạ dày.

Bạn có thể bị đau hoặc chuột rút ở chân, thường xảy ra khi đi bộ hoặc leo cầu thang. Cơn đau có thể biến mất khi bạn nghỉ ngơi và đau trở lại khi bạn di chuyển. Người bệnh có thể rất mệt mỏi. Nếu không được điều trị, PAD có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hơn như đột quỵ, loét và mất tuần hoàn ở chân… dẫn đến cắt cụt chi.

photo-1679330691195

Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não).

1.7 Đột quỵ

Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não). Có hai loại đột quỵ:

- Đột quỵ xuất huyết: Tình trạng mạch máu não đột ngột vỡ ra, chảy máu vào bên trong nhu mô não, làm tổn thương não.

- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Xảy ra khi một mạch máu đến não bị tắc nghẽn do cục máu đông, làm cho tế bào não bị chết do không được cung cấp khí oxy và dưỡng chất.

Các dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:

  • Đột nhiên cảm thấy không còn sức lực
  • Tê cứng mặt hoặc một nửa mặt
  • Cử động khó hoặc không thể cử động chân tay, tê liệt một bên cơ thể. Không thể nâng hai cánh tay qua đầu cùng một lúc…

1.8 Sa sút trí tuệ

Tăng huyết áp có thể gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch cung cấp cho não, làm ảnh hưởng đến não, gây mất trí nhớ (còn gọi là chứng mất trí mạch máu), làm ảnh hưởng tới cách suy nghĩ, ghi nhớ, nói, nhìn, và thậm chí cả cách di chuyển của người bệnh.

Điều này thường xảy ra từ từ theo thời gian. Tuy nhiên, ở người bệnh đã bị đột quỵ, có thể nhận thấy các triệu chứng rất nhanh.

1.9 Suy thận

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận. ĐIều này là do tăng huyết áp làm thu hẹp và cứng các mạch máu mà thận sử dụng, để giúp loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa.

Bộ lọc của thận – nephron - không nhận đủ máu và chất dinh dưỡng… có thể dẫn tới suy thận.

photo-1679330692840

Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính gây suy thận.

1.10 Làm giảm ham muốn tình dục

Huyết áp cao có thể làm chậm lưu lượng máu đến bất cứ nơi nào trong cơ thể. Không có đủ máu đến dương vật, bạn có thể gặp khó khăn trong việc đạt được hoặc duy trì sự cương cứng. Nếu bạn nghĩ mình khỏe mạnh, đây có thể là dấu hiệu cho thấy, bạn cần đi khám để kiểm tra huyết áp cao và loại trừ các vấn đề sức khỏe liên quan.

Đối với nữ giới, do lưu lượng máu đến âm đạo ít hơn, cả trước và trong khi quan hệ tình dục… dẫn đến khó đạt cực khoái hơn. Huyết áp cao cũng có thể khiến bạn mệt mỏi hơn. Điều này góp phần làm giảm ham muốn tình dục.

1.11 Mất xương

Những người bị huyết áp cao thường có nhiều canxi trong nước tiểu. Điều này là do huyết áp cao có thể khiến cơ thể đào thải quá nhiều khoáng chất quan trọng giúp xương chắc khỏe này… dễ dẫn đến loãng xương, gãy xương, đặc biệt là ở phụ nữ lớn tuổi.

2. Cách phòng ngừa cao huyết áp

Lối sống đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa huyết áp cao. Kiểm soát huyết áp bằng lối sống lành mạnh có thể ngăn ngừa, trì hoãn hoặc giảm nhu cầu dùng thuốc.

2.1 Giảm thêm cân và theo dõi vòng eo

Huyết áp thường tăng khi cân nặng tăng. Thừa cân cũng có thể gây ra tình trạng ngừng thở khi ngủ, làm tăng thêm huyết áp.

Giảm cân là một trong những thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp. Nếu bạn thừa cân hoặc béo phì, giảm cân dù chỉ một chút cũng có thể giúp giảm huyết áp.

Ngoài ra, kích thước của vòng eo cũng rất quan trọng. Mang quá nhiều trọng lượng quanh eo có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao. Nói chung, đàn ông có nguy cơ mắc bệnh nếu số đo vòng eo lớn hơn 102 cm. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh nếu số đo vòng eo lớn hơn 89 cm.

2.2 Tập thể dục thường xuyên

Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 8 mmHg. Điều quan trọng là duy trì tập luyện để giữ cho huyết áp không tăng trở lại. Theo mục tiêu chung, hãy dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày.

Tập thể dục cũng có thể giúp giữ cho huyết áp cao không chuyển thành bệnh tăng huyết áp. Đối với những người bị tăng huyết áp, hoạt động thể chất thường xuyên có thể đưa huyết áp xuống mức an toàn hơn.

Một số ví dụ về bài tập aerobic có thể giúp giảm huyết áp bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc khiêu vũ…

Tập luyện sức mạnh cũng có thể giúp giảm huyết áp. Bạn có thể nhắm tới mục đích bao gồm các bài tập rèn luyện sức mạnh ít nhất hai ngày một tuần. Nên trao đổi với chuyên gia y tế để phát triển một chương trình tập thể dục phù hợp.

11 cách tăng huyết áp ảnh hưởng tới cơ thể và cách phòng ngừa - Ảnh 4.

Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao.

2.3 Ăn uống lành mạnh

Ăn một chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít chất béo; ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol, có thể làm giảm huyết áp cao. Ví dụ về kế hoạch ăn uống có thể giúp kiểm soát huyết áp là chế độ ăn kiêng để ngừng tăng huyết áp (DASH) và chế độ ăn Địa Trung Hải.

Kali trong chế độ ăn uống có thể làm giảm tác dụng của muối (natri) đối với huyết áp. Các nguồn kali tốt nhất là thực phẩm, chẳng hạn như trái cây và rau quả… Đối với nhiều người, thực hiện những thay đổi lành mạnh này có thể giúp giữ huyết áp lành mạnh và bảo vệ chống lại bệnh tim và đột quỵ.

2.4 Giảm muối (natri) trong chế độ ăn uống

Ngay cả việc giảm một lượng nhỏ natri trong chế độ ăn uống cũng có thể cải thiện sức khỏe của tim và giảm huyết áp cao.

Ảnh hưởng của lượng natri đối với huyết áp khác nhau giữa các nhóm người. Nói chung, hạn chế natri ở mức 2.300 mg mỗi ngày hoặc ít hơn. Tuy nhiên, lượng natri thấp hơn 1.500 mg mỗi ngày hoặc ít hơn - là lý tưởng cho hầu hết người lớn.

Để giảm natri trong chế độ ăn uống:

  • Đọc nhãn thực phẩm: Tìm kiếm các thực phẩm và đồ uống có hàm lượng natri thấp.
  • Ăn ít thực phẩm chế biến: Chỉ một lượng nhỏ natri xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm còn hầu hết natri được thêm vào trong quá trình chế biến.
  • Cắt giảm muối: Sử dụng các loại thảo mộc hoặc gia vị để thêm hương vị cho thực phẩm.
  • Tự nấu ăn: Nấu ăn cho phép bạn kiểm soát lượng natri trong thực phẩm.

2.5 Hạn chế uống rượu

Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng huyết áp. Đàn ông không nên uống quá 2 ly rượu mỗi ngày và phụ nữ không nên uống quá 1 ly rượu mỗi ngày.

2.6 Không hút thuốc

Hút thuốc làm tăng huyết áp và khiến bạn có nguy cơ bị đau tim và đột quỵ cao hơn. Ngừng hút thuốc giúp giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và cải thiện sức khỏe tổng thể, kéo dài tuổi thọ.

Nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. Nếu bạn hút thuốc, hãy trao đổi với bác sĩ để có thể áp dụng biện pháp bỏ thuốc hiệu quả, an toàn.

2.7 Ngủ đủ giấc

Ngủ đủ giấc rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và là một phần để giữ cho tim và mạch máu khỏe mạnh.

Chất lượng giấc ngủ kém - ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi đêm trong vài tuần - có thể góp phần gây tăng huyết áp. Một số vấn đề có thể làm gián đoạn giấc ngủ, bao gồm ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên và chứng khó ngủ nói chung (mất ngủ).

Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn thường xuyên bị khó ngủ. Tìm và điều trị nguyên nhân có thể giúp cải thiện giấc ngủ. Nên ngủ 7-8 giờ mỗi đêm.

2.8 Giảm căng thẳng

Căng thẳng mãn tính có thể góp phần làm tăng huyết áp. Có nhiều nguyên nhân gây căng thẳng như: Công việc, gia đình, tài chính hoặc bệnh tật… Điều quan trọng là chúng ta cần biết kiểm soát căng thẳng.

BS. Tăng Mạnh Hoạt
(PS st theo SK&ĐS)


tin tức liên quan