ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, viêm họng là tình trạng niêm mạc họng bị viêm đỏ, có thể có mủ hoặc giả mạc do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Họng là cửa ngõ của đường ăn và đường thở nên rất dễ nhiễm khuẩn. Nguyên nhân gây viêm họng thường do virus (chiếm 60-80% các nguyên nhân gây bệnh). Một số trường hợp viêm họng do vi khuẩn.
Theo y học cổ truyền, bệnh liên quan trực tiếp tới tạng phế. Phế chủ về hô hấp, phế khí hư làm cho khí nghịch lên mà gây ho, ngứa cổ, họng đau, sinh đờm...
Theo y học cổ truyền, viêm họng được mô tả trong chứng hầu tý, chia ra hai loại: Cấp tính và mạn tính.
ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc trị viêm họng như sau:
1. Viêm họng cấp tính
- Triệu chứng: Họng đỏ khô, đau rát, niêm mạc họng hơi phù nề, sung huyết kèm theo sốt nhẹ, nhức đầu..
- Phương pháp chữa: Sơ phong, thanh nhiệt, hóa đàm.
Có thể dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
Bài 1 - "Ngân kiều tán gia giảm": Kinh giới 12g, kim ngân 20g, liên kiều 12g, cát cánh 4g, cam thảo 4g, ngưu bàng tử 10g, bạch cương tằm 4g, bạc hà (cho sắc sau) 6g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Bài 2: Kinh giới 16g, bạc hà 8g, kim ngân 12g, cỏ nhọ nồi 8g, huyền sâm 12g, xạ can 4g, sinh địa 12g, tang bạch bì 8g, sinh khương 4g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
2. Viêm họng mạn tính
- Triệu chứng: Họng khô, cảm thấy khó chịu, niêm mạc họng có những điểm sưng huyết màu đỏ nhạt hoặc có những hạt lâm ba rải rác (viêm họng hạt).
- Phương pháp chữa: Dưỡng âm, thanh nhiệt, hóa đàm.
Có thể dùng 1 trong 2 bài thuốc sau:
Bài 1: Sinh địa 16g, huyền sâm 16g, mạch môn 12g, tang bạch bì 12g, cam thảo đất 12g, củ xạ can 6g, kê huyết đằng 12g, thạch hộc 12g, cương tằm 8g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Bài 2 - Sa sâm mạch môn thang gia giảm: Sa sâm 16g, mạch môn 12g, hoàng cầm 12g, tang bạch bì 12g, thiên hoa phấn 12g, cát cánh 4g, cam thảo 4g.
Nếu họng khô, thêm thạch hộc 16g, huyền sâm 12g; có đờm khó khạc thêm qua lâu nhân 8g, bối mẫu 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Ngoài việc dùng thuốc, để bệnh viêm họng nhanh khỏi, nên kết hợp các phương pháp châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, cũng như sử dụng các món ăn bài thuốc, các thực phẩm giúp làm giảm tình trạng viêm họng.
Để phòng tránh viêm họng, hằng ngày nên:
-
Súc họng bằng nước muối ấm, vắt thêm vài giọt nước cốt chanh mỗi tối trước khi đi ngủ, sau khi đánh răng để sát khuẩn họng và miệng.
-
Ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, cùng các thực phẩm chứa nhiều nước, mềm, có tác dụng thanh nhiệt.
-
Nên ăn nhiều các loại rau quả có chứa vitamin C...
-
Uống nhiều nước, không nên uống các thức uống quá đặc, tránh ăn các thực phẩm gây kích thích như gừng, tỏi, ớt...
-
Không hút thuốc, uống rượu.
-
Thường xuyên mở cửa để không khí lưu thông.
-
Không nên uống nước đá, đồ uống lạnh, tắm nước lạnh, ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp vì nóng lạnh đột ngột dễ gây viêm họng cấp.