1. Những vấn đề cần lưu ý khi dùng thuốc đông y
Danh y Từ Đại Xuân (Từ Linh Thai) đời nhà Thanh đã viết: "Thuốc tuy đúng, nhưng nếu uống mà không đúng cách thì không chỉ không có tác dụng, thậm chí có thể gây hại". Do đó, kiêng kỵ khi dùng thuốc là một nguyên tắc quan trọng của Y học cổ truyền cần được tuân thủ chặt chẽ.
Về nguyên tắc ăn uống, kiêng kỵ trong khi dùng thuốc đông y, đời nhà Thanh, Chương Hạnh Vân đã viết rất rõ trong cuốn "Điều tật ẩm thực biện" như sau: "Cho người bệnh ăn uống phải làm sao để có thể dưỡng được vị khí, lại làm cho dược lực được đi tới nơi cần tới". Tức là nói tới việc hướng dẫn cho người bệnh ăn uống sao cho có thể giúp nuôi dưỡng được chính khí cho người bệnh, lại có thể giúp hỗ trợ sự hấp thu, nâng cao tác dụng của thuốc.
Khi dùng thuốc đông y, thường thấy các thầy thuốc dặn dò kiêng kỵ các đồ ăn tanh như tôm, cua, ốc, cá, ếch, lươn… Những thực phẩm này thường bổ dưỡng, hay được sử dụng cho người ốm, vậy tại sao các thầy thuốc y học cổ truyền lại khuyên nên kiêng?
Y học cổ truyền dùng thuốc nhấn mạnh vào khí và vị của mỗi vị thuốc. Mỗi vị thuốc có khí, vị khác nhau sẽ đạt tác dụng khác nhau. Những đồ ăn tanh như tôm, cua, ốc, cá, ếch, lươn… thường kèm theo có tính lạnh, lại có quá nhiều chất dinh dưỡng, do đó chúng thường tạo nên gánh nặng lớn đối với hệ tiêu hóa. Khi dùng dễ gây tổn hại tới khí của tỳ vị, làm rối loạn khả năng hấp thu. Nhiều người sau khi ăn các món ăn trên cảm thấy đầy chướng bụng, khó tiêu, đại tiện lỏng nát.
Trong Y học cổ truyền, tỳ vị là bộ phận quan trọng trong cơ thể. Có hai thứ được coi là nguồn gốc và duy trì cho sinh mệnh của con người, trong đó 'Thận' được coi là nguồn gốc của tiên thiên, còn 'Tỳ' vị được coi là nguồn gốc của hậu thiên. Tức là nói tới con người sinh ra nhờ tinh cha, huyết mẹ mà thành, lại nhờ có ăn uống và hệ thống tiêu hóa, con người mới có thể sinh trưởng và phát triển. Do đó, mới có câu "Còn vị khí thì còn sống, mất vị khí thì chết".
Khi dùng thuốc đông y, nên tránh ăn các món ăn tanh làm rối loạn khí của tỳ vị, không chỉ làm thuốc khó hấp thu, không đạt hiệu quả cần thiết, thậm chí có thể làm tổn thương tới tỳ vị, gây nên các triệu chứng của tỳ vị hư yếu như đau bụng, sôi bụng, đại tiện lỏng nát, người gầy, mệt mỏi, hơi thở ngắn…
Thêm vào đó, những đồ ăn tanh như tôm, cua, ốc, cá, ếch… thường có lượng protein lạ với cơ thể người trưởng thành, khi ăn dễ dẫn đến tình trạng dị ứng, gây ảnh hưởng khá nhiều tới chất lượng cuộc sống của người bệnh.
2. Lời khuyên của thầy thuốc
Ngoài kiêng kỵ đồ ăn tanh, khi dùng thuốc đông y, bệnh nhân còn thường được khuyên kiêng ăn các đồ nhiều dầu mỡ, cay quá mức, thực phẩm có tính hàn như măng tây, dưa chuột, dưa hấu…
Tất nhiên, mỗi người sẽ có thể trạng khác nhau, bệnh tật khác nhau, cách dùng thuốc khác nhau nên những điều ở trên chỉ để tham khảo. Thầy thuốc mới là người thăm khám và điều trị trực tiếp đưa ra các vấn đề kiêng kỵ, người bệnh nên tuân thủ chặt chẽ để đạt hiệu quả tốt nhất khi dùng thuốc, tránh tình trạng phí thuốc, dùng thuốc lâu dài mà không thấy hiệu quả.
BS. Nguyễn Thành Vương
Khoa Y học cổ truyền - Trường Đại học Y Hà Nội
(PS st theo SK&ĐS)