Tận diệt giun đất, cẩn trọng ảnh hưởng đến vị thuốc quý trong đông y

Ngày đăng: 06:28 12/08/2023 Lượt xem: 102

Tận diệt giun đất, cẩn trọng ảnh hưởng đến vị thuốc quý trong đông y

11-08-2023 10:23 AM | Vị thuốc quanh ta

SKĐS - Giun đất đang bị khai thác tận diệt để bán qua bên kia biên giới. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến thổ nhưỡng, lâu ngày còn ảnh hưởng đến mùa màng. Nhiều người không biết rằng giun đất trong Đông y là một vị thuốc quý nếu khai thác tận diệt sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ứng và đẩy giá thuốc lên cao.

Trong Đông y, giun đất được chế biến làm thuốc với vị thuốc là địa long. Đây là vị thuốc thường dùng trong các trường hợp sốt cao co giật, hen phế quản, giúp huyết lưu thông tốt hơn, giảm đau nhức…

1. Đặc điểm của giun đất

Giun đất trong nông nghiệp là một sản phẩm được chế biến làm thức ăn cho chăn nuôi. Đặc biệt, chúng thường sinh sống nhiều ở vùng đất xốp, ẩm ướt, mát mẻ.

Giun đất sống hoang, ở mọi nơi. Thân hình trụ tròn và dài khoảng 10-30cm, đường kính 5-10mm, có khoang cổ và nhiều vòng đốt rất sít nhau. Da trơn bóng, có 4 đôi lông cứng giúp giun di chuyển. Phần đầu to hơn phần đuôi. Toàn thân màu nâu vàng hay nâu đỏ, hoặc đen sẫm ở phía lưng.

Những loài giun có đường kính nhỏ hơn 5mm và lớn hơn 10mm ít được dùng làm thuốc.

Địa long là toàn thân khô của con giun bỏ ruột, còn có tên khác: Giun đất, khâu dẫn, giun khoang, thổ long, trùn hổ.

Tác dụng trị bệnh của giun đất - Ảnh 1.

Vị thuốc địa long được chế biến từ giun đất.

Về thành phần hóa học, địa long có nhiều chất lumbrifebrin, lumbritin, chất béo, muối vô cơ, hypoxanthin, các acid amin cần thiết cho cơ thể và vitamin A, D, E.

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, theo Đông y, địa long vị mặn, tính hàn; vào các kinh: Vị, can, tỳ, thận. Tác dụng thanh nhiệt bình can trấn kinh, thông mạch khu phong, trừ thấp, lợi thủy. Dùng tốt cho người bị sốt cao kinh giật, động kinh, bồn chồn kích động, ho suyễn khó thở, bại liệt phong thấp, viêm đường tiết niệu và sốt rét cơn.

Liều dùng và cách dùng: 6-12g; bằng cách nấu hầm, sao rang, sắc, pha hãm.

Tác dụng chính của địa long là phòng chống co giật, hạ sốt, điều trị khó thở trong các trường hợp hen phế quản, trị co giật trong bệnh động kinh, giúp huyết lưu thông tốt hơn, giảm đau nhức…

Các thầy thuốc Đông y sử dụng địa long trong điều trị, nhưng không dùng đơn thuần một vị thuốc địa long mà tùy theo thể bệnh, tùy từng trường hợp bệnh cụ thể, giai đoạn bệnh kết hợp vị thuốc địa long với các vị thuốc khác để điều trị.

Tác dụng trị bệnh của giun đất - Ảnh 2.

Vị thuốc địa long có tác dụng hạ sốt.

2. Một số bài thuốc trị bệnh từ địa long

ThS.BS. Nguyễn Quang Dương giới thiệu một số bài thuốc có địa long như sau:

Hoạt lạc, giảm đau: Giun đất khô 8g, xuyên ô đầu 8g, thảo ô đầu 8g, thiên nam tinh 8g, nhũ hương 6g, một dược 6g. Tất cả nghiền thành bột, phun rượu sau đó làm hồ hoàn. Mỗi lần uống 4g, uống với nước sắc kinh giới hay nước sắc thang Tứ vật (gồm: Thục địa 16g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 12g). Bài này dùng tốt cho người bị chứng thấp nhiệt trở lạc, đau khớp, sưng nóng đỏ đau, đi tiểu vàng đỏ mà ít.

Thanh nhiệt, cắt cơn kinh giật: Giun đất 12g, liên kiều 12g, câu đằng 16g, kim ngân hoa 16g, bọ cạp (toàn yết) 4g. Sắc uống. Hoặc lấy địa long 12g, chu sa 4g, làm thành hoàn. Mỗi ngày uống 4g. Trị sốt cao co giật.

Dùng ngoài: Giun đất 250g, đường đỏ 63g. Cả hai giã nát, bọc vào vải thưa, đắp lên rốn. Trị các chứng bệnh như trên.

- Lợi niệu, thông lâm: Giun đất đỏ, củ tỏi, lá khoai lang, liều lượng bằng nhau. Tất cả giã nát, đắp lên rốn. Có thể uống kèm với các thuốc lợi niệu. Dùng khi thấp nhiệt làm cho tiểu tiện bất lợi, hoặc bí tiểu do kết sỏi.

Tác dụng trị bệnh của giun đất - Ảnh 3.

Trám trắng phối hợp với địa long chữa sốt cao.

- Thanh phế, cắt cơn suyễn:

Bài 1: Giun đất 12g sắc uống. Có thể lấy giun đất nghiền thành bột, ngày uống 2 lần, mỗi lần 4g. Trị các chứng: Ho, hen suyễn hơi đưa ngược lên, suyễn cuống phổi, trẻ em ho gà... do hỏa nhiệt.

Bài 2: Giun đất, cam thảo sống, liều lượng bằng nhau. Hai thứ nghiền thành bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 6g. Trị hen phế quản thể huyết ứ trệ.

- Chữa sốt rét: Địa long 12g, hậu phác nam 12g, gừng 8g, trần bì 8g, dây kí ninh 8g. Tất cả phơi khô tán bột làm hoàn, hoặc sắc uống trong ngày.

- Chữa sốt cao: Địa long 30g, quả trám trắng 100g. Hai thứ phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn, trộn với hồ hoặc mật làm viên chừng 5g. Mỗi ngày uống 6 viên, chia làm 2 lần trước bữa ăn.

3. Một số thực đơn chữa bệnh có địa long

- Rượu địa long: Địa long khô 40g, cho vào 100ml rượu 45 độ ngâm trong 3 ngày, dùng vải xô lọc bã thuốc... Mỗi lần uống 10ml, hòa thêm chút nước ấm để làm giảm độ cồn. Ngày 3 lần, dùng cho người bị kinh giật, sốt rét cơn, phong thấp.

- Địa long đào hoa: Địa long khô 30g, hồng hoa 20g, đào nhân 20g, xích thược 20g, đương quy 50g, hoàng kỳ 100g, xuyên khung 10g, sắc uống trong ngày chia 2 lần. Điều trị di chứng trúng phong (bại liệt, nói ngọng, chảy nước dãi...

- Địa long ẩm: Địa long tươi (rạch dọc rửa sạch) nghiền nát thêm đường trắng và nước sôi hãm, rót lấy nước uống. Ngày làm 1 lần, chia 3 lần uống. Bài này thích hợp cho người sốt rét cơn, đậu sởi.

Kiêng kỵ: Không dùng địa long cho trường hợp có hư hàn (sắc mặt thường trắng bệch, tay chân lạnh, sức yếu hay mệt mỏi, tự ra mồ hôi…) mà không có thực nhiệt (nóng sốt, tiểu tiện đỏ gắt, rêu lưỡi vàng, họng khô, khát nước…). Phụ nữ có thai không dùng.

Mai Phương
(PS st theo SK&ĐS)


tin tức liên quan