Ung thư gan giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Bệnh được phát hiện qua khám sức khỏe và xét nghiệm y tế chuyên sâu như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ, sinh thiết gan, xét nghiệm di truyền.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, xác định các yếu tố nguy cơ giúp giảm khả năng mắc bệnh này.
Khám định kỳ
Mắc các bệnh gan như xơ gan, viêm gan, gan nhiễm mỡ... có thể dẫn đến ung thư. Xơ gan là tình trạng gan bị sẹo nặng do tổn thương gan tiến triển, thường kéo dài nhiều năm. Lạm dụng rượu là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến xơ gan và tiến triển ung thư gan. Người bệnh xơ gan cần tuân thủ các khuyến nghị về theo dõi và sàng lọc thường xuyên bệnh ung thư gan, góp phần phát hiện ung thư sớm, trước khi các triệu chứng tiến triển.
Nhiễm virus viêm gan B hoặc C mạn tính có liên quan đến ung thư biểu mô tế bào gan. Viêm gan virus B nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời dễ dẫn đến ung thư mà không gây xơ gan trong quá trình tổn thương. Do đó, khám định kỳ hạn chế khả năng bỏ sót bệnh.
Tương tự, gan nhiễm mỡ phát triển theo thời gian có thể trở thành xơ gan, tăng nguy cơ ung thư gan. Một số tình trạng sức khỏe làm tăng khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ bao gồm béo phì, tiểu đường type 2, rối loạn mỡ máu...
Theo bác sĩ Khanh, người mắc các bệnh gan dễ tiến triển ung thư gan. Khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ và điều trị theo phác đồ góp phần giảm nguy cơ ung thư, trong đó có ung thư biểu mô tế bào gan (ung thư gan nguyên phát).
Phòng ngừa bệnh viêm gan virus
Viêm gan virus B nguy hiểm vì diễn biến âm thầm. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể làm chức năng gan suy giảm nặng. Ở giai đoạn cấp tính, phần lớn bệnh tự khỏi. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính, nguy cơ viêm gan virus tiến triển thành ung thư gan cao, nếu bệnh không được quản lý tốt.
Phòng viêm gan virus bằng cách tiêm vaccine, ngăn ngừa tiếp xúc với virus viêm gan B qua máu và dịch cơ thể. Ngăn ngừa phơi nhiễm virus viêm gan C qua máu từ những người bị nhiễm bệnh. Xét nghiệm viêm gan virus B và C nếu nghi ngờ phơi nhiễm và tuân thủ phác đồ điều trị khi nhiễm bệnh.
Sống lành mạnh
Theo bác sĩ Khanh, thói quen sinh hoạt khoa học giúp gan khỏe mạnh. Một trong những yếu tố tăng sức mạnh cho gan là vận động. Các bài tập như bơi, đạp xe, chạy bộ, đi bộ... cung cấp lượng oxy dồi dào để gan thải độc.
Thực phẩm chứa hóa chất độc hại, nấm mốc, tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm, chất bảo quản khi đi vào cơ thể tấn công gan gây tổn thương, hủy hoại tế bào gan. Nên ăn uống lành mạnh, giảm chất béo, tăng chất xơ và rau quả sạch nhằm giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2, mỡ máu cao... Đây là các yếu tố tiến triển ung thư gan.
Hạn chế rượu bia, các chất kích thích vì chúng khiến gan phải làm việc nhiều, dẫn đến quá tải. Khi uống quá nhiều rượu bia, gan không sản xuất kịp lượng men giải độc. Chất cồn ứ đọng khiến gan sản sinh nhiều chất gây viêm có hại, tăng khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
Khói thuốc lá chứa nicotin và nhiều hóa chất độc hại làm cho gan phải tăng cường thải độc, tăng nguy cơ tổn thương và ung thư gan. Nên bỏ hút thuốc, hạn chế tiếp xúc khói thuốc.
( C. H sưu tầm)