Bí tiểu ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?

Ngày đăng: 05:56 18/06/2024 Lượt xem: 25

Bí tiểu ở người cao tuổi nguy hiểm thế nào?

16-06-2024 12:07 | Bệnh người cao tuổi

SKĐS - Khi bị bí tiểu, người bệnh có cảm giác đau, phải rặn khi đi tiểu, bị tức bụng và đôi khi xuất hiện cơn cơ thắt. Bí tiểu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi, nhất là nam giới.

Vì sao người cao tuổi hay bị bí tiểu?

Bí tiểu ở người cao tuổi là tình trạng bàng quang không thể đào thải hết lượng nước tiểu ra ngoài. Bí tiểu được phân thành hai loại là cấp và mãn tính.

- Bí tiểu cấp tính: Diễn ra đột ngột, kéo dài trong thời gian rất ngắn, bệnh nhân hoàn toàn không đi tiểu được dù đã có cảm giác căng tức bàng quang. Bí tiểu cấp tính phổ biến ở nhóm đối tượng nam giới lớn tuổi.

- Bí tiểu mãn tính: Diễn tiến từ từ, thầm lặng theo thời gian. Bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu nhưng mỗi lần tiểu không thải hết được lượng nước tiểu ra ngoài. Vì triệu chứng diễn ra âm thầm không rầm rộ, nhiều người thậm chí không biết là mình mắc bệnh vì không phát hiện được bất kỳ triệu chứng bí tiểu nào.

Nguyên nhân bí tiểu ở người cao tuổi

Các nguyên nhân gây bí tiểu ở người cao tuổi là:

  • Do sự tắc nghẽn ở đường tiểu dưới hoặc ở cổ bàng quang. Nguyên nhân tắc nghẽn có thể do phì đại tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, sỏi bàng quang hoặc một khối u tử cung chèn ép vào cổ bàng quang làm tắc nghẽn đường ra của nước tiểu. Ở người cao tuổi, nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn niệu đại là phì đại tiền liệt tuyến.
  • Bí tiểu do phì đại tuyến tiền liệt
  • Do viêm và nhiễm trùng bao gồm: viêm bao quy đầu; viêm tuyến tiền liệt; áp xe tuyến tiền liệt; viêm âm đạo; pemphigus âm đạo; lichen phẳng âm đạo; nhiễm sán máng; nhiễm herpes simplex; viêm bàng quang; viêm niệu đạo;…
  • Tổn thương thần kinh làm rối loạn điều hòa co bóp cơ bàng quang, khiến nó không thể co bóp đúng như ý muốn và không thải được hết lượng nước tiểu ra ngoài.
  • Dùng thuốc điều trị bệnh.
  • Chấn thương gãy hoặc rách dương vật.

Biến chứng bí tiểu của người cao tuổi

Bí tiểu ở người cấp tính khiến chảy tự nhiên của nước tiểu bị gián đoạn và ảnh hưởng đến chức năng bình thường của hệ tiết niệu. Điều này gây những cơn đau quặn bụng, dữ dội do bàng quang chứa đầy nước tiểu và liên tục bị căng ra.

Nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành một số biến chứng như sau:

  • Nhiễm trùng tiết niệu: Nước tiểu nếu không được thải toàn bộ ra ngoài sẽ là tạo điều kiện lý tưởng cho các vi khuẩn thường trú vô hại ở niệu đạo sinh sôi và đi ngược lên bàng quan gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Tổn thương bàng quang: Bàng quang bị căng giãn quá mức trong thời gian dài (do phải chứa lượng nước tiểu sót lại sau mỗi lần đi tiểu), về lâu về dài sẽ gây tổn thương các cơ trong bàng quang và không còn khả năng co bóp chính xác như trước.
  • Tiểu không tự chủ: Khi bàng quang không thải được hoàn toàn lượng nước tiểu, đồng thời các cơ vòng cổ bàng quang đã bị giảm chức năng, có thể dẫn đến tình trạng rò rỉ nước tiểu liên tục ra bên ngoài, còn gọi là bệnh tiểu không tự chủ.
  • Thận ứ nước: Nước tiểu còn sót lại sau mỗi lần tiểu không hết sẽ tích tụ dần và trào ngược qua niệu quản, lên thận và dẫn đến tình trạng thận ứ nước. Tình trạng này nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành bệnh thận mạn, thậm chí suy thận.
Bí tiểu mãn tính ở người già sẽ được cân nhắc điều trị nếu các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ảnh minh hoạ
 

Bí tiểu mãn tính ở người già sẽ được cân nhắc điều trị nếu các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Ảnh minh hoạ

Điều trị bí tiểu ở người cao tuổi

Đối với bí tiểu cấp tính

Bác sĩ sẽ đặt ống một thông tiểu để giải áp cho bàng quang bằng cách thải nước tiểu từ từ ra ngoài.

Với những bệnh nhân có chống chỉ định đặt thông tiểu như phẫu thuật đường tiết niệu gần đây, phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật tái tạo niệu đạo thì có phương pháp thay thế đó là chọc hút nước tiểu trên xương mu để giải áp cho bàng quang.

Đối với bí tiểu mãn tính

Bí tiểu mãn tính ở người già sẽ được cân nhắc điều trị nếu các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, nhất là người đang gặp các biến chứng ở đường tiết niệu.

  • Đặt ống thông tiểu
  • Nong niệu đạo, đặt stent
  • Nội soi bàng quang
  • Sử dụng thuốc
  • Phẫu thuật. Việc có thực hiện phẫu thuật hay không còn phụ thuộc vào thể trạng bệnh nhân, độ tuổi và nguyên nhân gây bí tiểu.
BS. Hà Hùng
(PS st theo SK&ĐS)
tin tức liên quan