Đau đầu y học cổ truyền gọi là đầu thống. Do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, nhưng không ngoài ngoại nhân do ngoại tà (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) hoặc nội nhân (do thất tình gây ra).
Nếu đau đầu do phong hàn gây ra thường có biểu hiện: Đau đầu, cứng cổ, gặp gió đau tăng, đau nhức mình mẩy, không ra mồ hôi, miệng không khát, rêu lưỡi trắng mỏng. Để điều trị phải dùng phép sơ phong tán hàn.
Nếu đau đầu do phong nhiệt gây ra, thường có biểu hiện: Đầu đau nặng như muốn vỡ ra, phát sốt, khát nước, mặt đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng. Để điều trị phải dùng phép sơ phong thanh nhiệt.
Nếu đau đầu do can dương thương cang thường có biểu hiện: Đau một bên, chóng mặt, mắt, mặt nóng đỏ, miệng đắng, phiền táo, dễ giận dữ. Để điều trị phải dùng phép bình can tiềm dương.
Nếu đau đầu do đàm trọc thường có biểu hiện: Đau một bên đầu, tinh thần không tỉnh táo, bụng đầy, ngực tức, lợm giọng, buồn nôn, ăn kém. Để điều trị phải dùng phép hóa đàm, giáng nghịch.
Y học cổ truyền có thể chữa đau đầu bằng thuốc, đồng thời có thể day bấm huyệt, xoa bóp chữa đau đầu có hiệu quả. Sau đây xin giới thiệu cách chữa đau đầu bằng day, bấm huyệt:
Thao tác: Để người bệnh ngồi hay nằm, thầy thuốc đứng phía sau người bệnh hay ngồi phía đầu giường, lần lượt thực hiện các động tác: phân, hợp vùng trán, thái dương. Làm từ trên xuống từ trong ra ngoài. Day vùng cổ gáy xuống tới đốt sống 3. Mỗi động tác 3 - 5 phút, sau đó bấm huyệt phong trì, bách hội, thái dương, ấn đường và hợp cốc, thời gian làm 20 - 30 phút, ngày 1 lần, có thể làm 1 - 7 lần.
Giải thích: Thao tác:
Phân, hợp: Khi phân thì dùng ngón tay cái hay đầu 3 ngón 2, 3, 4 hoặc ô mô út, đặt sát nhau, kéo đều ra 2 bên. Nếu từ 2 bên kéo vào là hợp. Động tác phân hợp có thể làm trên trán, đầu mắt, bụng, lưng, ngực.
Day: Lấy ô mô cái, ô mô út hay gốc bàn tay ấn xuống da vùng huyệt người bệnh, di động theo đường tròn thuận chiều kim đồng hồ. Tay thầy thuốc và da người bệnh như dính vào nhau, làm cho da người bệnh di động theo tay thầy thuốc, làm khoan thai: sức ấn vừa sức chịu đựng của người bệnh, có thể tác động trực tiếp vào nơi đau.
Day và xoa hay dùng trong điều trị đau sưng.
Bấm, điểm: Dùng đầu ngón tay cái hay đầu ngón tay trỏ, cả 2 bên phải và trái, tác động lên huyệt, hay vị trí nhất định của cơ thể. Chú ý móng tay phải cắt ngắn, tránh gây xước, rách da. Muốn tạo lực bấm sâu cần gấp vuông góc đốt ngón 1 và 2. Bấm và điểm có tác dụng thấm sâu: tuy nhiên bấm thì giữ lực ấn lâu hơn, điểm thì lực tăng dần tác động nhanh, đột ngột hơn.
Huyệt vị cần tác động để chữa đau đầu
Bách hội: Nằm ở giao điểm giữa đường ngang qua đỉnh vành tai và đường học qua giữa đầu, sờ vào đó có 1 khe lõm nhỏ.
Thái dương: Phía sau điểm giữa đoạn nối đuôi lông mày và đuôi mắt, ước chừng 1 thốn nơi chỗ hõm sát cạnh ngoài. Mỏm ổ mắt xương gò má.
Phong trì: Huyệt nằm ở chỗ hõm do bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ tạo nên.
Hợp cốc: Giữa 2 xương bàn tay thứ 1 và thứ 2, ở mu bàn tay gần điểm giữa bên quay của xương bàn tay thứ 2.
Ấn đường: Giữa đường nối 2 đầu lông mày.
|
Lương y Vũ Quốc Trung