Hai năm nhạt nhòa của HLV Nguyễn Hữu Thắng
Nguồn:Báo Điện tử Tiền Phong
Nắm toàn quyền về chuyên môn, sở hữu lứa cầu thủ được đánh giá là tài năng nhất của bóng đá Việt Nam những năm trở lại đây, nhưng HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn thất bại với mục tiêu giành HCV SEA Games 2017.
Quá trình chuẩn bị của U22 Việt Nam cũng được tạo điều kiện tối đa, tốt nhất so với những giải trước. Đội bóng của HLV Nguyễn Hữu Thắng tập trung khá sớm, lấy Vòng loại U23 châu Á 2018 làm bàn đạp, trước khi có chuyến tập huấn 10 ngày tại Hàn Quốc.
Quân số U22 Việt Nam trên thực tế gồm nhiều cầu thủ thuộc biên chế ĐTQG, như Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn…Đây thực chất là các cầu thủ lứa 1 Học viện HAGL-JMG, đã kinh qua nhiều giải đấu quốc tế, đang thi đấu ở giải VĐQG. Nếu so với Thái Lan, dàn cầu thủ của U22 Việt Nam nổi trội hơn. HLV Worrawoot Srimaka đem tới SEA Games 29 lực lượng đa phần là quân trẻ, chỉ 1-2 vị trí là tuyển thủ quốc gia, hầu hết đều chỉ đóng vai dự bị tại CLB. Lứa cầu thủ từng giúp Thái Lan đăng quang AFF Cup và 2 kỳ SEA Games liên tiếp trước đó đã quá tuổi.
Ở tuyển U22 Việt Nam, HLV Hữu Thắng cũng được VFF trao toàn quyền chuyên môn, được quyết định toàn bộ các vấn đề liên quan đội bóng. Hiếm có HLV nội nào nắm quyền lớn đến thế. Một ví dụ cho thấy rõ điều này, là trước thềm SEA Games 29, VFF từng có ý định để bộ đôi HLV Hoàng Anh Tuấn-Jurgen hỗ trợ HLV Hữu Thắng. Tuy nhiên, kế hoạch bất thành, như giải thích của cựu trung vệ xứ Nghệ, ông Gede có công việc khác, trong khi thành phần BHL đã đủ theo đăng ký.
Với trận thua 0-3 Thái Lan, U22 Việt Nam đã dừng bước từ vòng loại. Qua 2 năm liên tiếp, cựu trung vệ xứ Nghệ đều không đạt chỉ tiêu Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đặt ra. Ở cả hai giải đấu này, Việt Nam đều chơi rất hay trước các đối thủ yếu, nhưng khi gặp những đối thủ ngang cơ, đội bóng của HLV Hữu Thắng không cho thấy được sự nổi trội, về cả thế trận trên sân cũng như dấu ấn chỉ đạo chiến thuật của HLV trưởng. Nhiều thời điểm khi đội bế tắc, người ta thấy cựu trung vệ xứ Nghệ đứng chết lặng ngoài đường biên.
Về tổng thể, U22 Việt Nam và ĐTQG chưa cho thấy lối chơi thực sự rõ nét, theo định hướng xây dựng lối đá nhỏ, kỹ thuật như kế hoạch HLV Hữu Thắng đưa ra ban đầu. Khi gặp đối thủ ngang tầm, các đội bóng của HLV Hữu Thắng thường bế tắc trong tấn công, hay mắc sai lầm cá nhân ở hàng thủ. Đi sâu vào chi tiết, có sự trùng hợp nhất định trong cả hai thất bại của Việt Nam ở AFF Cup 2016 và SEA Games 29. Hai thất bại quyết định của đội đều khởi đầu bởi những sai lầm của thủ môn, Nguyên Mạnh ở Bán kết AFF Cup với Indonesia và vừa đây là Phí Minh Long trong trận gặp Thái Lan.
Về nguyên tắc chọn quân, HLV Hữu Thắng dường như bỏ qua yêu cầu đảm bảo tối thiểu mỗi vị trí cần có 1 người thay thế. AFF Cup 2016, khi Ngô Hoàng Thịnh bị chấn thương, đội tuyển Việt Nam không có người đảm nhiệm vị trí tiền vệ đánh chặn xứng đáng thay cầu thủ xứ Nghệ. Tới SEA Games 29, Duy Mạnh là người duy nhất đảm nhiệm vị trí này và khi tiền vệ CLB Hà Nội gặp chấn thương ở trận đấu với Indonesia, U22 Việt Nam lâm vào thế khó khăn. Tuấn Anh không đủ sức mạnh để hàng tiền vệ U22 Việt Nam đủ “cứng” trước đối thủ mạnh như Thái Lan. Trong phần lớn hiệp 2, đặc biệt từ nửa cuối, các cầu thủ U22 Việt Nam gần như không theo kịp đối phương, để mặc đối thủ chơi bóng.
Lứa Công Phượng, Xuân Trường…rốt cuộc đã không thể thoả giấc mộng vàng SEA Games cho bóng đá Việt Nam như trông đợi của bầu Đức. “Canh bạc” bầu Đức đặt vào tay cựu trung vệ xứ Nghệ và dàn cầu thủ “cưng” đã không đem lại kết quả như mong đợi.