Thầy thuốc có “thích” “hoa hồng”?

Ngày đăng: 02:31 04/09/2017 Lượt xem: 631


        
               Thầy thuốc có “thích” “hoa hồng”?

"Hoa hồng" cho bác sĩ luôn là đề tài nhạy cảm. Ảnh minh họa.
 

"Hoa hồng" cho bác sĩ luôn là đề tài nhạy cảm. Ảnh minh họa.

 

“Hoa hồng” lớn không thể rơi vào các bác sĩ điều trị bệnh nhân

Đây là nhận định của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Trong bài viết chia sẻ mới đây, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu khẳng định: “Một điều tôi có thể chắc chắn là những "bông hồng" lớn không thể rơi vào các nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân, vì họ không có quyền đồng ý sử dụng một lượng thuốc lớn trong bệnh viện và tôi cũng chắc chắn không một bác sĩ nào lại kê đơn thuốc mà biết là thuốc giả cho bệnh nhân vì họ thừa thông minh để hiểu hậu quả nặng nề nhất và trực tiếp nhất sẽ chính là mình khi vụ việc vỡ lở…”.

PGS.TS Hiếu tiết lộ: “hoa hồng” trong ngành y tế có khi đơn giản là bữa ăn trưa, đồ lưu niệm hội nghị, đến các chuyến du lịch nước ngoài, những phong bì hỗ trợ...

“Vậy chúng tôi có cần hoa hồng không? Xin thưa là chắc chắn có, như mọi ngành nghề khác, nhưng chúng tôi luôn mong bông hồng ấy phải đẹp và sạch. Hãy để những bông hồng ấy trong quỹ hỗ trợ đời sống nhân viên y tế khó khăn, cho các tai biến y khoa không mong đợi, trong các học bổng để bác sĩ trẻ đi học tập và tham gia các hội nghị chuyên ngành, các nghiên cứu khoa học để tìm ra các pháp đồ điều trị mới ...” – PGS.TS Hiếu viết.

Vị PGS này thẳng thắn đặt câu hỏi tại sao lại gọi là "hoa hồng" mà không huỵch toẹt ra là tiền hối lộ, đút lót mà phải dùng một mỹ từ hay tượng trưng cho tình yêu. Đấy là vì trong xã hội Việt Nam hiện nay việc "lại quả" đã trở nên hết sức thường tình ở tất cả các ngành nghề, coi đó là đương nhiên nên phải dùng một từ biểu tượng thật đẹp cho hành động này.

Từ “hoa hồng” cho đại lý bán nước giải khát, “hoa hồng” cho mua chiếc ô tô, lớn hơn cả là “hoa hồng” cho các dự án đầu tư, mua sắm công, xây dựng... Tất cả chúng ta đều biết nhưng đều chẳng làm được gì và mỗi chúng ta vẫn đang trực tiếp hoặc gián tiếp quấn vào vòng xoáy đấy. 

Kết thúc bài viết của mình, vị chuyên gia tim mạch có tiếng này viết: Nếu không có khoản "hoa hồng" chắc ngành y tế của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung vẫn đang ở thời kỳ nào xa lắm.

Và tác giả bài viết cũng không ngần ngại công khai về việc ông vừa trở về từ hội nghị tim mạch Châu Âu với 40 nghìn bác sĩ tham dự, cùng gần 200 hãng duợc phẩm tài trợ và bao kiến thức quý báu được thu thập, chia sẻ để cùng nhau cứu sống những người bệnh trên toàn thế giới.

 “Hoa hồng” không công khai chỉ “béo” quan chức

Ngay sau khi chia sẻ, bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đã nhận được rất nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề “hoa hồng”. Một bác sĩ trẻ làm việc tại một BV lớn ở Hà Nội cho rằng, “hoa hồng” cần được minh bạch, chuyển thẳng vào tài khoản của bệnh viện để sử dụng vào mục đích công khai như: Tiền thưởng cho y tá bác sĩ, tiền làm thêm giờ, quỹ hỗ trợ...

Còn nếu là “hoa hồng” không công khai minh bạch thì dù ít hay nhiều đã có yếu tố thiếu công bằng tạo điều kiện cho những quan chức trục lợi. Đặc biệt, “hoa hồng” được trích ra từ sự dối trá vô nhân đạo thì không thể bình thản chấp nhận được.

Đồng tình với quan điểm trên, một cán bộ y tế thừa nhận đúng là “hoa hồng” không dành cho tất cả các bác sĩ mà chỉ được tặng cho một số người. Trên thực tế, các bác sĩ dù có “hoa hồng” hay không vẫn sẽ tận tâm hết sức với tính mạng cũng như sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Còn những “con sâu làm rầu nồi canh” thì ngành nào cũng có.

Tuy nhiên, có không ít ý kiến phản bác rằng, "hoa hồng" đã và đang làm thay đổi chất lượng điều trị và người bệnh phải chịu những chi phí điều trị bất hợp lý. Chuyện bác sĩ không chịu kê tên thuốc kèm thành phần, nhập nhèm vì ăn tiền của hãng dược không còn là chuyện hiếm. Chỉ khổ bệnh  nhân không tiếp cận được thuốc tốt, chữa mãi vẫn không khỏi, tiền mất tật mang.


tin tức liên quan