Nguyễn Thị Ngoan - Từ phim kiếm hiệp đến chức vô địch karate thế giới
Nguyễn Thị Ngoan - Từ phim kiếm hiệp đến chức vô địch karate thế giới
Nguồn:Báo Điện tử VnExpess
Đam mê võ thuật từ nhỏ, cô gái quê Thọ Lộc, Phúc Thọ (Hà Nội) bây giờ trở thành người đầu tiên trong lịch sử giành chức vô địch karate thế giới cho Việt Nam.
- Cơ duyên nào đưa Ngoan đến với karate?
- Tôi rất đam mê phim, nhất là thể loại kiếm hiệp hoặc hành động. Hồi bé, tôi có thể hàng giờ liên tục dán mắt vào tivi. Niềm đam mê võ thuật có lẽ cũng bắt nguồn từ đấy.
Ưa vận động, lại có thể hình phổng phao (cao khoảng 1m70), hồi còn ở huyện, tôi lọt vào mắt xanh của nhiều huấn luyện viên các bộ môn khác nhau như điền kinh, nhảy cao, nhảy xa... Thậm chí tôi từng dự thi Hội khỏe Phù Đổng môn chạy, nhưng chỉ về đích thứ tư ở vòng chung kết. Từ đó, tôi quyết định toàn tâm theo con đường võ thuật.
Vả lại, con gái sợ đen lắm. Tập điền kinh thì suốt ngày phải phơi mặt ngoài trời. Tập võ tất nhiên cũng cực nhọc. Hàng ngày phải dậy từ trước 6h, và những ngày chuẩn bị đấu giải phải tập luyện đến khuya, thậm chí 12h đêm. Nhưng dẫu sao cũng đỡ hơn, vì chủ yếu ở trong nhà.
|
Nguyễn Thị Ngoan cùng Cup vô địch và chiếc HC vàng giành được ở giải thế giới.
|
- Mọi chặng đường dẫn đến thành công đều chông gai, nhất là trong thể thao. Đối với Ngoan, thách thức nhất từng trải qua là gì?
- Đã có lúc tôi tưởng không thể theo nghiệp vì... nghèo. Thu nhập chủ yếu của gia đình trước đây dựa vào gánh hàng rong của mẹ. Sinh năm 1998, là chị cả trong một gia đình có ba chị em, nên tôi sớm phải bươn chải kiếm sống. Hồi học lớp 4, mỗi sáng tôi phải đi lấy bánh mỳ, bán phụ mẹ rồi mới đi học. Hôm nào bán không hết phải ăn bánh mỳ trừ cơm.
Sau khi học văn hóa, tôi thường đi bộ hoặc đi nhờ bạn đến chỗ học võ, cách nhà chừng năm cây số. Ngày nào cũng vậy, kể cả mưa gió, rét mướt. Hồi ấy thích đi học võ, đơn giản vì vừa được chơi đùa thoải mái cùng bạn bè, vừa được tập luyện cho khỏe người. Nếu không đi thì thấy thiêu thiếu, nên tôi gần như không bỏ bữa nào.
Có một dạo, gần một năm tôi không đến lớp là vì... không có tiền đóng học. Thầy dạy võ thu tiền học theo quý, nhưng đợt ấy bố đi làm xa nên nhà không đủ tiền. Tiền học ngày ấy khoảng 70.000 đồng một tháng, nhưng gia đình không thu xếp được. Ngại với thầy, tôi nghỉ ở nhà. May mà khi đi tập trở lại, thầy cũng chẳng nhắc lại chuyện cũ.
- Tập luyện rồi thi đấu xa nhà, chị cảm thấy thế nào?
- Từ hôm ở Đức trở về đến nay, tôi chưa được về thăm nhà, chỉ báo tin qua điện thoại. Sắp tới tôi phải vào Đà Nẵng tập huấn để chuẩn bị cho giải trẻ thế giới vào tháng 10, nên phải tập trung tối đa. Nhà cách trung tâm tập luyện chỉ khoảng 20 kilomet, nhưng muốn về cũng không dễ. Nếu được thì cũng chỉ tranh thủ về thăm bố mẹ trong chốc lát rồi lại đi. Giải sắp tới rất quan trọng. Tôi cũng muốn thi đấu thật tốt để chuẩn bị cho giải châu Á vào năm sau nên không thể lơ là.
Dần dần rồi cũng quen. Chứ hồi mới ra trung tâm Nhổn tập luyện, nhiều lúc tôi cảm thấy không về nhà thì không chịu được, nhớ bố mẹ và các em đến phát khóc. Cảm giác ở bên gia đình luôn rất khác. Những lúc bận quá, tôi thường gọi điện cho bố mẹ xuống thăm, để được ở bên họ một lúc.
- Thu nhập của chị lúc này như thế nào?
- Tháng lương đầu tiên của tôi năm 2012 được khoảng 300.000 đồng. Tôi giữ lại một ít tiêu vặt, sắm sửa cho bản thân, còn lại gửi hết đỡ đần cho mẹ. Cho đến tận bây giờ, sau hơn 5 năm ăn cơm nhà nước, với thu nhập hơn một triệu đồng tháng, tôi vẫn giữ thói quen này như một cách nhớ về gia đình.
|
Vừa trở về, cô gái vàng của karate Việt Nam đã lao ngay vào tập luyện. Ảnh: Thắng Nguyễn.
|
- Là con gái, lại tập luyện võ thuật, chị phải đối mặt với nỗi lo sợ chấn thương như thế nào?
- Tập võ phải xác định chấn thương là chuyện cơm bữa. Tôi chưa lần nào bị gãy tay, chân nhưng trật khớp thì nhiều rồi. Có lần nặng nhất là bị đòn vào tay, không thể cử động được nhưng tôi chỉ nghỉ vài ngày là trở lại sàn tập. Một lần khác tôi bị trúng đòn vào môi phải đi khâu mấy mũi, nhưng khâu xong lại thấy bình thường. Hôm sau đi tập ai cũng ngạc nhiên. Có lẽ do thể chất tôi tốt nên như vậy.
Hồi đầu lên Trung tâm Nhổn, tôi nặng 52kg. Sau bảy năm, cân nặng bây giờ là 61kg và giữ ổn định ở mức này. Các thầy vài lần cũng khuyên tôi ép cân để đánh hạng dưới, nhưng ép mãi mà chẳng giảm được cân nào. Có lẽ người tôi nhiều cơ nên vậy. Từ lúc thi đấu đến bây giờ, tôi chỉ giữ hạng cân này. Nhờ thể lực tốt nên tôi liên tục giành HC trong các giải trẻ quốc gia, giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, trước khi được giành HC bạc SEA Games rồi HC vàng thế giới vừa qua.
- Cuộc sống ngoài sàn đấu của Ngoan như thế nào. Chị có bạn trai chưa?
- Chắc tại sợ bị tôi đánh nên đến bây giờ bạn trai vẫn còn đi trốn... Tôi còn trẻ mà, năm nay chưa đến 20. Mối bận tâm lớn nhất lúc này của tôi là karate. Những lúc đi thi đấu, sau khi đánh xong nội dung của mình và chờ đồng đội thi đấu, tôi thường tranh thủ dạo chơi hoặc nhờ các thầy dẫn đi để biết đây biết đó. Lúc về Trung tâm thì lại lao vào tập luyện, chờ đánh giải tiếp.
Những lúc mệt mỏi, tôi thường xem phim hành động. Tôi rất hay quan sát thần thái của nhân vật trên phim, đặc biệt là những người giỏi võ, xem khuôn mặt họ như nào khi đứng trước địch thủ. Tôi tự nhủ, một ngày nào đó, mình sẽ như vậy và cố thử bắt chước xem sao. Nếu thi đấu mà mặt cứ trẻ con thì buồn cười lắm.
|
Cách nhà chỉ 20km, nhưng Ngoan thường chỉ về thăm bố mẹ trong thoáng chốc rồi phải trở lại Trung tâm để tập luyện. Ảnh: Thắng Nguyễn.
|
- Ngoan nhắc rất nhiều đến đam mê điện ảnh. Nếu sau này giải nghệ, chị nghĩ thế nào nếu có cơ hội tham gia vào các bộ phim?
- Tôi thích được đi đóng phim, nhưng chắc chỉ hợp với vai đóng thế ở những pha hành động thôi. Thực sự thì tôi chưa nghĩ đến chuyện đấy. Bây giờ tôi chỉ biết tập trung hoàn toàn cho karate mà thôi, trước mắt là giải trẻ thế giới và sau đó là giành vàng ở SEA Games 30.
Tại SEA Games 29, tôi thua đối thủ Indonesia mà không phục. Nhưng cũng nhờ thất bại này, tôi rút ra nhiều bài học để đánh tốt hơn ở giải thế giới vừa qua. Thực sự nếu không thua ở SEA Games 29, tôi khó có thể có được tấm HC vàng thế giới này. Tôi có nghe các thầy nói đây là tấm HC vàng lịch sử. Tôi vui lắm, nhưng nghĩ cũng không có gì quá khủng khiếp.