Cảm xúc World cup 2018 Những cảm nhận về World cup 2018 qua màn hình vô tuyến

Ngày đăng: 07:56 17/07/2018 Lượt xem: 705
Cảm xúc World cup 2018
 
  Những cảm nhận về World cup 2018  qua màn hình vô tuyến
 

Thế là sau 20 năm kể từ năm 1998, vượt qua 32 đội bóng danh giá nhất hành tinh. Đi qua 64 trận đầu nẩy lửa, nước Pháp lại một lần nữa, lần thứ 2 giơ cao chiếc cúp vàng  danh giá, kèm theo phần thưởng 38 triệu $.
Tuyển Pháp hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu vô địch thế giới.
 Nhiều người tiếc rẻ không được sở hữu 1 tấm vé để có cơ hội sang tận “ Xứ sở bạch dương” trưc tiếp xem các trận cầu đỉnh cao 4 năm mới có 1 lần.
 Đành phải ngồi nhà xem qua màn hình vô tuyến.
Nhưng nếu đặt lên bàn cân thì việc ngồi nhà xem cũng có nhiều cái lợi:
Thứ nhất: Tiết kiệm được một khoản chi kha khá. Chẳng phải vất vả đội nắng, đội mưa chen chúc tàu xe, xa nhà hàng ngàn cây số. Được cùng xem với vợ, con và các chiến hữu. Trong phòng lạnh, để cái nóng 37-38 độ bên ngoài. Nằm, ngồi thoải mái, quần đùi, áo lót thậm chí cởi trần cũng chẳng ai thèm nhòm ngó. Đĩa lạc, mấy lon bia là “ ngất ngây con gà tây” tha hồ hò hét vỗ tay, vỗ đùi cho đến khản giọng.
Thứ hai: Vừa được xem lại vừa được nghe các bình luận viên thuyết minh về cái hay, cái đẹp, cái dở của diễn biến trận đấu của từng đường ban, từng miếng đánh, chẳng cần phải căng đầu ra nhớ từng cái tên cầu thủ. Những pha bóng hay, bóng dở, cầu thủ nào chơi đẹp, chơi bẩn được quay cận cảnh, chiếu đi chiếu lại nhiều lần có chạy lên trời. Ngồi trên khán đài làm sao có thể nhìn rõ đến từng sợi bộ râu quai nón đẹp như vẽ của Leonel Messi, gương mặt lúc nào cũng như vô cảm của Harri Kens, những giọt nước mắt thất vọng của cầu thủ Urugoay ngay trên sân khi mà trận đấu chưa mãn cuộc, những màn hóa trang kì dị với những sắc phục màu mè mang bản sắc của các dân tộc trên khắp các châu luc. Nụ cười rạng rỡ, tươi tắn đẹp như hoa hậu của các cô gái Nga…
Ăn bóng đá, ngủ bóng đá. Hai, ba trận một đêm coi như thức trắng kéo dài xuốt từ 14/6 cho đến tận 15/7. Sáng dậy người ngợm bần thần, chân tay rã rời thế nhưng mà vui, gặp mấy ông bạn ngồi nhâm nhi ca-fé là có thể nổ được cả tiếng không muốn dứt.
 Cảm nhận chung là:
Thứ nhất: Về mặt tổ chức. Nước Nga đã huy động đến 100.000 người tham gia để bảo đảm cho các hoạt động tổ chức thành công giải đấu. Nghe nói họ đã đầu tư  đến 11,8 tỉ $. Có 3 sân được cải tạo còn lại 9 sân được xấy mới hoàn toàn. Có 32 đội bóng với 64 trận đấu trải ra trên 12 sân vận vận động ở 11 thành phố thuộc phần lãnh thổ châu Âu của Nga. Chỉ riêng việc đảm bảo an toàn, đi lại, sân tập, ăn ở cho các vận động viên đã là cả một vấn đề. Sau mỗi trận đấu là hàng vạn cổ động viên cùng di chuyển theo đội bóng. Các sân bay quốc tế được nâng cấp. Hệ thống giao thông công cộng được tổ chức lại, các phương tiện giao thông được tăng cường đáng kể, không xẩy ra hiện tượng ùn tắc. Các dịch vụ ăn, ở, tham quan, du lịch, mua sắm được chuẩn bị chu đáo, họ còn tổ chức nhiều sân chơi cho các cổ động viên các đội. Các sân vận động luôn được phủ kín chỗ ngồi tới 98%, 7 triệu fan đã tới các Fan Fest. Nhìn nụ cười và khuôn mặt rạng rỡ của du khách biết rằng họ đã rất hài lòng.
Công tác tổ chức của nước chủ nhà được chủ tịch FIFA đánh giá: cực kì khoa học, chính xác, kịp thời, quyết liêt, bình an và thoải mái cũng như tiện nghi mọi thứ
Thứ hai: bảo đảm an ninh, trật tự. Trong số 32 đội bóng tham dự, châu Âu ( kể cả Nga) đông nhất 14 đội. Châu Á, châu Phi và Nam Mĩ mỗi nơi có 5 đội. Bắc, trung Mĩ và Caribe có 3 đại diện. Lượng khách du lịch, các cổ động viên từ khắp các châu lục với đủ mọi màu da, ngôn ngữ khác nhau đổ vào nước Nga. Riêng ở Mascova có thời điểm lượng du khách đông tới hơn 1,5 triệu người. Già có, trẻ có, trai gái, lớn bé có cả. Họ cười và khóc. Hò reo, ca hát, nhảy múa và thậm chí cả say xỉn và quậy nữa nhưng không hề xẩy ra sự cố đáng tiếc nào về trật tự an ninh. Chẳng ai phàn nàn bị móc túi. Không thấy cảnh đeo bám xin xỏ. Không có cảnh thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Cũng chẳn có ai kêu bị chặt chem., lừa đảo. Nhà nước hồi giáo IS và các tổ chức cực đoan quốc tế đang vươn bàn tay khủng bố vào châu Âu, đã hơn 1 lần dọa đánh bom vào  nơi tổ chức trận đấu, nhưng tất cả đều bị vô hiệu.
Để bảo đảm an ninh mạng, từ 34 nước đã gửi 126 đại diện của 55 cơ quan đặc biệt và cơ quan thực thi pháp luât đến phối hợp với Nga. Hạ tầng thông tin của sự kiện World cup đã hứng chịu 25 triệu vụ tấn công qua mạng. Lực lượng an ninh Nga đã phải kiểm tra nhận dạng hơn 2 triệu người. Họ đã phải rà soát mọi địa điểm để loại bỏ các mối đe dọa “ phóng xạ, hóa học, sinh học và chất nổ”
Báo chí phương tây dù có định kiến cũng phải thừa nhận World cup 2018 là một kì World cúp tốt nhất trong lịch sử các kì World cup từ năm 1930 đến nay.
 Đúng là một kì tích.


 


Thứ ba: Những bất ngờ ngoài sức tưởng tượng. Một giải đấu có quá nhiều bất ngờ. Trước hết phải kể đến sự quyến rũ của đội tuyển Nga, khi mà họ đã bất phá thành công để lọt vào đến vòng tứ kết của giải. Một đội bóng được xếp thứ tự thấp nhất trong số 32 đội tham gia giải, và được FIFA xếp hạng thứ 70 trên thế giới. Không phải là đội bóng mạnh nhưng ở mỗi trận đấu họ đều tìm được một đấu pháp hợp lí, cùng với sự mạnh mẽ của dàn cầu thủ và sự cổ vũ nồng nhiệt của các cổ động viên  sân nhà đã giúp đội bóng chơi thực sự thăng hoa.
Sự thất bại cay đắng của tuyển Đức ngay từ vòng đấu loại. ( lần đầu tiên từ 1938 bị loại ngay từ vòng bảng ). Tây Ban Nha, Ácgentina, Bồ Đào Nha ở vòng 1/8. Họ đều là những cái tên sáng giá cho chức vô địch. Cùng với đó là sự chia tay sớm, bất đắc dĩ của 2 siêu sao Leona Messi và Ronaldo, đã lấy đi không ít nước mắt của người hâm mộ.
Croatia đội bóng của một đất nước chỉ có 4 triệu dân, có bề dầy thành tích rất khiêm tốn, mới gia nhập FIFA năm 1992. Ấy vậy mà họ cứ lừng lững qua mặt các ông lớn để bước vào trận chung kết.
Một trận chung kết có nhiều điều bất ngờ, nó như một giải đấu thu nhỏ, có đủ các diễn biến: trận đấu nóng ngay từ đầu, trọng tài phải tham khảo VAR, có penanti, có phản lưới nhà. 2 đội trình diễn một lối chơi cởi mở, có bàn thắng từ tình huống cố định, có bàn được ghi từ những tình huống phối hợp. Sau 52 năm từ World cup 1966 khi Anh hạ gục Tây Đức 4-2, đến nay mới có trận chung kết ghi tới 6 bàn thắng. Mbappe là cầu thủ trẻ dưới 20 tuổi thứ 2 sau Péle ghi bàn.
Bóng đá châu Phi thụt lùi so với kì World cúp trước. Cả 5 đội bong của lục địa đen gồm Nigieria, Ai Cập, Senegal, Morocco và Tunisia đều không vượt qua được vòng bảng. Trong khi châu Á cũng có 5 xuất dự giải gồm: Nhật, Iran, Hàn quốc, Saudi Arabia và Australia. Nhắc đến bong đá châu Á là nghĩ ngay đến 2 đội Nhật bản và Hàn quốc. Trong khi Hàn quốc từng vào đến bán kết tại giải 2002 thì Nhật bản cũng 2 lần vượt qua vòng đấu bảng vào các năm 2002 và 2010. Nhưng tại giải lần này chỉ còn mỗi Nhật bản chật vật để rồi sau đó cũng bị loại ngay từ vòng đấu loại trực tiếp. Bóng đá châu á cũng chưa tiến được bước nào.
Bất ngờ đã làm nên sức hấp dẫn của bóng đá
Thứ tư: Bóng đá thực dụng lên ngôi. Bóng đá hiện đại là tốc độ cao cộng với sự chính xác cao và những pha phối hợp ở tốc độ cao. Các chuyên gia đã thống kế trong số 48 trận ở vòng bảng, chỉ có 10 trận đấu đáng xem nhất là các trận: Ai cập-Urugoay, Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha, Acgentina-Iceland, Đức-Mexico, Brazil-Thụy Sĩ, Acghenti-Croatia, Đan Mạch-Phap, Senegal-Colombia, Anh-Bỉ, Thụy Điển-Mexico.
Giải lần này không có nhiều chỗ cho lối chơi cống hiến, kể cả Braxin, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha họ đều chơi tính toán. Lối chơi tấn công được nhiều đội thay thế bằng lối đá phòng ngự chặt, tổ chức phản công nhanh. Những pha đi bóng kĩ thuật làm nghiêng ngả cầu trường được thay thế bằng những đường chuyền dài, tạt cánh đánh đầu. Các đội có tỷ lệ cầm bóng cao nhất là Acgentina 63%, Tây ban Nha 71%, Đức 67% đều bị loại sớm.
Để góp mặt ở trận bán kết, 10 phút cuối của hiệp 2 tuyển Nhật bản đã cầm bóng câu giờ, không thèm đá trước tuyển Ba Lan cũng đứng nhìn không còn khát vọng. Lối chơi thực dụng, ghi bàn trước rồi lùi về dựng xe buýt đã khiến không ít đội phải nuốt hận.
Các cầu thủ không ngại va chạm, thường vào bóng quyết liệt. Bạo lực sân cỏ, các hiện tượng chơi bẩn như tiểu sảo, ngã vờ, ăn vạ… có chiều hướng gia tăng. So với kì World cúp trước cũng ở vòng bảng, số thẻ đỏ có giảm, nhưng số thẻ vàng lại tăng đến mức kỉ lục 158 thẻ. Tính trung bình 3,35 thẻ/trận
Riêng Neyma đã bị đốn ngã 23 lần, trung binh 5,8 lần trận. Nhưng cũng chính cầu thủ nay đã trở thành vua ăn vạ. Mỗi khi bị phạm lỗi anh ta thường lăn lộn trên sân khá lâu. Theo thống kê của Marca, chỉ tính 4 trận liền, ngôi sao 26 tuổi này đã giành đến 14 phút lăn lộn trên mặt cỏ. 14 phút trong bóng đá là cực kì lớn nếu ta nhớ: chỉ cần có 12 phút để tuyển Pháp ghi tới 3 bàn thắng vào lưới Acgentina, biến tỉ số đang từ 1-2 thành 4-2. Trận Croatia và Đanmach có tới 2 bàn thắng được ghi trong 4 phút đầu tiên.
Thế mới biết, để giành chiến thắng thì kể cả là sao họ cũng không từ thủ đoạn gì.
Thứ năm: Trọng tài và công nghệ VAR
          Lần đầu tiên trong lịch sử World cup, công nghệ VAR được ứng dụng. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về việc nên hay không,  nhưng dư luận nhìn chung đều thấy hữu dụng. Không  thay thế trọng tài những  nó là người phán sử công tâm, khách quan, giải tỏa được những oan ức, trả lại giá trị thực cho bóng đá. Chủ tịch FIFA cho biết: VAR đã được sử dụng trong 442 tình huống, xem xet 19 quyết định của trọng tài trong 62 trận và điều chỉnh 16 quyết định ban đầu của trọng tài.
          VAR còn có tác dụng giáo dục các cầu thủ bởi có đến 33 camera theo dõi mọi diễn biến trên sân. Nhờ đó mà cả giải không có bất cứ thẻ đỏ nào được rút ra cho lối chơi nguy hiểm.
 Đưa công nghệ vào để giúp trọng tài kiểm soát trận đấu là xu thế tất yếu.
          Lúc đầu dư luận sợ công nghệ VAR xé nhỏ trận đấu. Nhưng qua thực tế, mỗi lần trọng tài phải dừng trận đấu để tham khảo VAR cũng chỉ khoảng 1 phút và cũng chỉ bất đắc dĩ trọng tài mới phải tham khảo công nghệ này.( chưa có trận nào trọng tài phải tham khảo VAR đến 3 lần, nếu có thì chỉ 1 lần, cùng lắm là 2 lần). Với 33 camera theo dõi mọi diễn biến trên sân nhờ đó mà đã kiềm chế được những cái đầu nóng, những pha phạm lỗi thô bạo. VAR không phải là trọng tài và cũng không thể thay thế trọng tài. VAR còn có cái hay là nó làm tăng thêm sự hồi hộp, lo lắng rồi vỡ òa niềm vui cho cổ động viên.
          Mặc dù đã có VAR, mặc dù cũng tham khảo VAR, nhưng cũng có trường hợp trọng tài bẻ còi. Trọng tài mới là ông Vua trên sân cỏ.
          Cũng lần đầu tiên luật Fair-play được áp dụng. Nó không những chỉ tôn vinh vẻ đẹp của bóng đá mà còn là thanh gươm để triệt tiêu lối đá bạo lưc, lối chới bẩn của những cái đầu không biết kiềm chế. Nhờ có sự phán sử của luật này mà đội tuyển Nhật đã lọt vào trận tứ kết.
          Thứ sáu: Vị thế của nước Nga
          Tổ chức thành công World cup lần này, nước Nga tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thế giới. Hình ảnh về một nước Nga tươi đẹp, cởi mở, người dân Nga thân thiện, mến khách chắc chắn sẽ để lại nhiều thiện cảm trong lòng bạn bè, du khách. Những lo ngại về nạn hooligan, phân biệt chủng tộc và bạo lực do các cổ động viên quá khích gây ra như phương Tây đồn đoán đã không hề xẩy ra. Còn nhớ trước khi vào giải có một số nước, một số chính khách, một số thế lực xấu tìm cách bôi nhọ, vận động, cao giọng kêu gọi tẩy chay. Họ muốn chính trị hóa thể thao nhưng không thành. Thậm chi ngay sau khi tuyển Nga giành chiến thắng ở vòng bảng họ còn đòi FIFA kiểm tra doping. Nhưng cái gì đến thì cứ đến. Đúng như câu ngạn ngữ: “ Chó cứ sủa và đoàn người cứ đi”.
          Ông chủ tịch FIFA Infantino trải lòng với Tổng thống V.Putin: “ Khi được hỏi thông tin gì đó, cảnh sát và dân thường Nga rất than thiện. Điều đó thật là tuyệt vời. Đó mới chính là nước Nga. Đó là hình ảnh mới mà chúng tôi được thấy về nước Nga”.
          Ngày 13/7 trong cuộc họp báo tổng kết giải đấu, ông đã tuyên bố: “ Đây là một kì World cup tuyệt với. Ngay từ đầu giải chúng tôi đã trải qua những cảm xúc đáng kinh ngạc khi ở đây. Vài năm qua, tôi đã nói rằng đây là kì World cup tốt nhất mọi thời đại. Bây giờ tôi có thể nói lại, đây là giải vô địch thế giới tốt nhất lịch sử. Tôi muốn cảm ơn tất cả những ai tham gia tổ chức và chuẩn bị cho giải đấu”. Ông còn nói thêm: Công tác tổ chức từ sân vận đông, an ninh, giao thông, khách sạn “ tất cả đều rất tốt”. Ông đặc biệt giành những lời tốt đẹp ca ngợi chủ nhà: “ Mọi người đến với World cup và khám phá một đất nước đẹp đẽ, hiếu khách, đầy ắp những con người nhiệt tình sẵn sang cho thế giới thấy rằng ở đây không có những chuyện mà đôi lúc bị đồn đại”
          Còn huyền thoại bóng đá thế giới người Đức, nhà vô dịch World cup 1990, người giữ kỉ lục thi đấu nhiều trận World cup nhất  Matthaus nói với Tổng thống V.Putin: “ Tôi đã tham dự 5 kì World cup với tư cách cầu thủ và thêm 5 kì khác với tư cách quan chức. Tôi có thể nói rằng Nga đã tổ chức được một kì giải thành công nhất trong thời gian gần đây. Xin cảm ơn ông rất nhiều về điều này.”. Ngay cả HLV đội tuyển Anh Southgate cũng thẳng thừng tuyên bố: báo chí phương tây nói dối về nước Nga.
          Viết trên tài khoản Twitter, Tổng thống Trump đã chúc mừng người đồng cấp Nga tổ chức một kì giải World cup  “tuyệt vời nhất”.
          Một kì World cup đã kết thúc với những vui  buồn lẫn lộn. Nhưng chúng ta đã được thưởng thức một mùa bóng đá sôi động, với nhiều trận đấu hay, nhiều pha bóng đẹp và trên hết là tinh thần thể thao đã chiến thắng, cả triệu con tim đã gắn kết lại với nhau xuay quanh trái bóng tròn.
          Tất cả rồi sẽ qua đi, nhưng dấu ấn đậm nét nhất có lẽ là hình ảnh của bà Kolinda Grabar-Kitarovic, gần gũi và thân thiện luôn mang trên mình chiếc áo ca rô đỏ trắng, một người hâm mộ bóng đá đến cuồng nhiệt, luôn theo sát, cổ vũ đội tuyển bằng tiền túi của mình. Đi máy bay ngồi ghế bình dân, mua vé vào sân vận động bằng tiền cá nhân, ngồi xem bóng đá  cùng các cổ động viên đội nhà, bình dị như một thường dân. Chỉ đến khi Coratia lọt vào vòng 1/8, tất cả mới ngỡ ngàng phát hiện ra nữ cổ động viên cuồng nhiệt ấy chính là Tổng thống Croatia.
          Đội bóng Croatia đã ghi tên mình vào lịch sử bóng đá thế giới với chiếc cup bạc, danh hiệu Á quân. Cũng phải thôi./.


                                                                                                Đại tá Hoàng Văn Kính
 
tin tức liên quan