Niềm vui và nỗi buồn của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018

Ngày đăng: 08:10 04/09/2018 Lượt xem: 397

     Niềm vui và nỗi buồn của thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018

 
 Việc giành được thứ hạng cao với nhiều tấm huân chương vàng lấp lánh trong một kì thể thao nhất là ở tầm cỡ quốc tế không chỉ mang lại niềm vui cho các cổ động viên và người hâm mộ, mà nó còn là niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc, khẳng định vị thế của một đất nước.


          Tại ASIAD 2018 cũng vậy, mỗi khi cờ Tổ quốc được kéo lên, cùng với đó là âm vang của bài Quốc ca đã làm nức lòng cả triệu người Việt, thế giới phải một lần ngước mắt nhìn.

          ASIAD 2018 đã kết thúc trên xứ sở đất nước Vạn đảo xinh đẹp. Đội tuyển thể thao của chúng ta tham dự ở 32/40 môn thi đấu với 352 vđv. Chung cuộc ta xếp hạng thứ 17 trên tổng số 46 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Với 4 HC Vàng 16 Bạc và 18 Đồng, đội tuyển Việt nam đã hoàn thành mục tiêu đề ra ( từ 3-5 HCV).Thành tích vượt ASIAD kì trước tại tại Hàn Quốc ( ta chỉ có 1 vàng, 10 bạc và 25 đồng). Đã có 2 môn thể thao có vàng so với 1 môn của kì trước.

          Đấy là một kết quả đáng khích lệ, đáp ứng được sự kì vọng của cả triệu người hâm mộ. Đằng sau mỗi tấm HC ấy là biết bao nhiêu công sức, tiền của, mồ hôi, nước mắt và cả máu của các vận động viên, cơ quan chủ quản và người hâm mộ Việt nam.

          Ở sân chơi tầm cỡ châu lục này, mỗi tấm HC dù là Vàng, Bạc hay Đồng đều là một kì tích. Hãy xem đội đua thuyền Rowing một môn thi đấu nghe còn lạ tai với rất nhiều người ấy vậy mà những cô gái nhỏ nhắn, ( có vđv mới sinh con được 6 tháng), điều kiện sinh hoạt, tập luyện còn vô vàn khó khăn, nhưng đã mang về cho Tổ quốc 1 vàng, 1 bạc. VĐV Nguyễn Văn Trí mặc dù nhập cuộc không được tốt, bị đối phương quật ngã 4 lần nhưng rồi anh đã vùng lên có màn lội ngược dòng ngoạn mục để mang về tâm HCV đầu tiên cho bộ môn Pencad Silat. Cũng ở nội dung này, vđv Trần Đình Nam đã giành chiến thắng áp đảo 5-0 trước vđv Malaysia ở hạng cân 70-75 kg. Bùi Thị Thu Thảo cô gái nhỏ nhắn đã có bước nhảy kì diệu 6,65 m mang về tấm HCV danh giá cho môn điền kinh. Đội tuyển bóng đá, một tập thể đoàn kết, có bản lĩnh, ý chí, tự tin, đặc biệt là sự trưởng thành vượt bậc về chuyên môn lại được dẫn dắt bởi một “ Thầy phù tủy” cao tay đã có bước tiến ngoạn mục, đánh bại nhiều đối thủ lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá VN lọt vào bán kết, ghi danh tên tuổi ở tầm cỡ châu lục. Tấm HCB của vđv cử tạ hạng 62 kg, của Nguyễn Huy Hoàng vđv bơi lội là ý chí, quyết tâm và tinh thần thi đấu quật cường của các em…

          Hiện có một câu hỏi đang được quan tâm, vậy đội tuyển bóng đá VN thành công hay thất bại. Theo tôi chúng ta đã rất thành công vì lần đầu tiên trong lịch sử vào đến trận tứ hùng ở một sân chơi danh giá ASIAD, xếp hạng thứ 4 châu lục. Nhưng cũng thất bại thật cay đắng khi không giành được tấm huân chương đồng trong một trận cầu mà chúng ta chơi trên cơ đối phương, đáng lẽ phải thắng. Có lẽ bóng đá VN phải mất một thời gian lâu nữa mới có được một lứa cầu thủ giỏi giang, chơi hay như lứa cầu thủ hiện tại, để lại có dịp tranh HC ở sân chơi cấp châu lục.

          Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào và trân trọng tất cả những gì mà đoàn thể thao Việt Nam đã làm được ở giải thể thao lớn nhất châu lục ASIAD 2018 này

          Có điều khác lạ ở ASIAD lần này là những vđv, những phân môn thể thao được kì vọng nhất về vàng như : Chạy, bơi lội, thể dục dụng cụ, bắn súng, cử tạ thì lại mang về nỗi thất vọng lớn nhất.

          Hoàng Xuân Vinh với bắn súng, Ánh Viên với bơi lội, Tú Trinh với chạy, Thạch Kim Tuấn với cử tạ…từng được dư luận, tung hô, các phương tiện truyền thông hết lời ngợi ca, là niềm hy vọng mang vàng về cho Tổ quốc đều chịu  thất bại cay đắng.

          Người ta cũng đã nói đến những thất bại này. Nào là tâm lí không ổn định. Nào là sức khỏe có vấn đề. Nào là điều kiện ăn ở, sinh hoạt, không bảo đảm, lịch thi đấu quá dầy, trọng tài thiên vị…để lí giải. Nhưng có những sự thật ít được nói đến.

 

          Trong thể thao, thắng thua là chuyện bình thường. Nhưng có những cái lỗi phải thật sự cầu thị để xem xét. Điển hình là trường hợp của Ánh Viên trong môn bơi lội. Một thầy, một thợ luyện tập dài ngày ở Mĩ, tốn bao nhiêu tiền của ấy vậy mà ở cả 2  cự li sở trường 200m và 400m hỗn hợp, niềm hy vọng vàng đều trắng tay. Thậm chí phong độ còn sụt giảm, không thắng nổi chính mình. Có phải “cả đống” HCV ở giải VĐQG và 2 kì SEA Games gần nhất đã làm lóa mắt tất cả. Chỉ quanh quẩn trong cái ao làng, ít được cọ sát, so găng ở các đấu trường quốc tế thì làm sao mà tiến bộ được. Từ tấm HCV trên sân nhà đến tấm HCV ở tầm cỡ châu lục và thế giới là khoảng cách một trời, một vực.

           Khi các VĐV của ta đổ mồ hôi, công sức ra luyện tập một thì các đối thủ khác ở các nước họ cũng làm như vậy. Thậm chí còn hơn như vậy trong các điều kiên và môi trường được đầu tư hiện đại hơn. Tại giải bắn súng Cup quốc gia năm 2017 các vđv vẫn phải sử dụng bia giấy thay vì bia điện tử và áp dụng luật cũ vì thiếu đạn thì ở các nước ngay cạnh ta họ đã hiện đại từ lâu rồi. Mức treo thưởng khủng lên đến 2,1 tỷ đồng cho tấm HCV nhưng vẫn không có vđv nào hái được. Chúng ta vẫn chưa có đủ lực và tầm nhìn để bước ra khỏi sân nhà. Gừng già quá cũng dễ bị…thối.

           Công tác truyền thông quen bốc đồng đã đưa các cầu thủ lên 9 tầng mây, vô tình đã tạo ra áp lực lớn cho các  vđv. Ngộ nhận là căn bệnh trầm kha của truyền thông chúng ta. Gieo hy vọng đã trở thành nghệ thuật của truyền thông nước nhà. Thay vì khiêm tốn gọi họ theo cách dân dã là các vđv thì ta lại dùng các mĩ từ: Kình ngư, Nữ hoàng tốc độ…chưa thi đấu đã liều gắn vàng lên ngực họ. Chỉ sau khi tất bại , ông Vụ trưởng kiêm phó đoàn thể thao VN mới khẳng định: ASIAD không phải sân chơi của Ánh Viên. Hóa ra người hâm mộ đã đặt nhầm kì vọng.

          Cuộc đua thì ở dưới đất nhưng ảo tưởng thì luôn ở trên mây.

          Vẫn biết rằng bất kì việc làm gì dù to hay nhỏ, nhất là ở các môn thể thao việc đặt ra mục tiêu để mỗi người phải gắng sức vươn tới cũng là một động lực. Nhưng dù là mục tiêu gì thì cũng phải trên cơ sở thực lực, phải phân tích được điểm mạnh và yếu của cả ta và đối phương để có quyết sách hợp lí, chứ không phải nhắm mắt theo cảm tính. To mồm không mang lại thành tích. Từ lí thuyết đến thực tiễn là một khoảng cách không gần. Mọi ảo tưởng chỉ dẫn đến thất bại. Thành tích của tuyển bóng đá VN ở ASIAD lần này là quá xuất sắc, nhưng để có được vàng thì có lẽ phải 15-20 năm nữa.

          Sau ASIAD 2018, nếu thể thao VN dám nhìn thẳng vào sự thật, rút ra được những bài học thật sâu sắc, mạnh dạn đổi mới ở tất cả các khâu: tuyển chọn, đầu tư, huấn luyện, trang bị…thì chắc chắn còn vươn xa ở cả tầm châu lục và quốc tế.

          Xin chúc mừng thắng lợi của đội tuyển thể thao VN tại ASIAD 2018.


                                                                                        Hoàng Văn Kính
                                                         
 
tin tức liên quan