Bị sốt xuất huyết rồi sẽ miễn dịch suốt đời?

Ngày đăng: 02:31 28/11/2018 Lượt xem: 554


                    Bị sốt xuất huyết rồi sẽ miễn dịch suốt đời?

 

                                                       Nguồn:Báo Điện tử Sức khoẻ và Đời Sống


 Quan niệm mắc sốt xuất huyết một lần, khỏi lo mắc lại không đúng. Thực tế, một người có nguy cơ mắc 4 lần SXH với 4 týp gây ra và lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước.



 

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
 
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết quan niệm mắc sốt xuất huyết một lần, khỏi lo mắc lại không đúng. Thực tế, một người có nguy cơ mắc 4 lần SXH với 4 týp gây ra và lần mắc sau thường nặng hơn lần mắc trước.

Theo PGS Phu bệnh sốt xuất huyết Dengue do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4.

Nếu người mắc sốt xuất huyết lần 2, thủ phạm gây bệnh thường là týp vi trùng khác. Khi đó, 2 kháng thể của 2 týp vi trùng khác nhau cùng tồn tại trong cơ thể người sẽ làm bệnh trầm trọng hơn, gây phản ứng, làm tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, choáng, trụy mạch...

Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, người bệnh thường có biểu hiện sốt cao, khó hạ. Trong bệnh sốt xuất huyết, ngoài triệu chứng sốt còn có triệu chứng xuất huyết thường xảy ra từ ngày thứ 3 trở đi. Tuy nhiên biến chứng nguy hiểm nhất và thường là nguyên nhân gây tử vong là sự thất thoát dịch từ trong mạch máu ra khoang thứ 3 như màng bụng, màng phổi, màng tim gây cô đặc máu, đưa đến trụy tim mạch (sốc). Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

 
Bị sốt xuất huyết rồi sẽ miễn dịch suốt đời? - ảnh 1

Muỗi vằn là thủ phạm gây sốt xuất huyết. Ảnh minh hoạ: Internet


Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết:

1. Sốc (trụy tim mạch): bệnh nhân có biểu hiện tuột huyết áp, lạnh tay chân, mệt, bứt rứt, khó chịu.

2. Xuất huyết (chảy máu da niêm mạc): chảy máu cam, chảy máu răng, ói và đi cầu ra máu, phụ nữ bị rong kinh...

3. Tổn thương các cơ quan nội tạng: não, gan, thận...

Khi bị các biến chứng này nếu không đến khám và điều trị ngay sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh (1-2 ngày). Do đó không thể ở nhà theo dõi và chăm sóc được.
tin tức liên quan