"Sát thủ thầm lặng" trầm cảm và 40.000 người tự tử/năm
Nguồn:Báo Điện tử Zing.vn
Theo báo cáo của Viện sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Theo các chuyên gia, số liệu này là “hiểu được”.
Theo báo cáo của Viện sức khoẻ tâm thần, BV Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. Theo các chuyên gia, số liệu này là “hiểu được”.
A.M. từng tìm cách tự kết liễu cuộc đời mình. Hai tháng trước, cô cứa dao lam vào cổ tay và ngồi dưới vòi sen. A.M. được đưa đi cấp cứu. Cô thoát chết.
Ở tuổi 22, cô sinh viên năm cuối một trường đại học tại TP.HCM chỉ là một trong hàng trăm người tự tử do các vấn đề trầm cảm mỗi ngày ở Việt Nam, có những người sống sót khi được phát hiện kịp thời. Họ đã may mắn, nhưng phần còn lại thì không.
Theo các chuyên gia, việc ngăn chặn người bị trầm cảm có ý định tự tử là hoàn toàn có thể nhưng chỉ với điều kiện tiên quyết là họ cần được hỗ trợ một cách kịp thời và quyết liệt. Nhưng đó lại là thứ đang thiếu ở VN, nhất là khi những người bị trầm cảm đang bị xã hội thờ ơ.
Trung bình mỗi ngày BV Tâm thần TP. HCM có hơn 800 lượt bệnh nhân đến thăm khám và điều trị, trong số đó có khoảng 15% là các bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm.
BS Trịnh Tất Thắng, giám đốc Bệnh viện Tâm Thần TP. HCM, người đhoạt động gần 35 năm trong lĩnh vực tâm thần, cho biết chỉ tính riêng TP. HCM, có khoảng 6% dân số bị trầm cảm, trong đó có từ 20 đến 30% các ca có ý tưởng tự sát, và có đến 15-20% là tự sát thành công.
BS Thắng nói con số 40.000 theo báo cáo của Viện Tâm thần, BV Bạch Mai, là “hiểu được”. Theo ông, với tỷ lệ 6% dân số bị các rối loạn trầm cảm, thì với quy mô cả nước với 90 triệu dân khi nhân ra, con số sẽ không bất ngờ.
Quay lại với A.M., sau lần tự tử bất thành, cô vẫn không ngừng nghĩ đến chuyện đó. Cô giải thích: “Tôi cảm thấy bản thân làm quá nhiều chuyện vì người khác rồi nên tôi muốn giữ một quyết định của riêng mình, không thay đổi vì bất cứ ai khác”. Thậm chí, nhìn bố mẹ khóc, cô cũng không còn cảm xúc.
Như trường hợp của A.M., trước đó cô nhất định không tìm đến bác sĩ dù biết mình gặp vấn đề sức khỏe. Cô không chắc là mình có trầm cảm hay không, càng không chắc mức độ nặng nhẹ.
BS Hiển, người có 30 năm làm việc tại BV Tâm thần TP. HCM, cho rằng những lầm tưởng của xã hội đang khiến người bệnh tâm thần trở nên xa lánh với mọi người và nguy hiểm nhất là họ từ chối sự giúp đỡ, phủ nhận có bệnh hoặc tự tìm đến sự giải thoát cho mình.
Các bác sĩ cũng cho rằng lối sống hiện đại nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý con người. Như làm ăn thua lỗ, thất bại trong công việc đối với người trưởng thành hay áp lực thi cử, học hành đối với học sinh, hay đổ vỡ chuyện tình yêu, gia đình đối với người trẻ.
“Những người bị trầm cảm nặng, có ý nghĩ khi chết đi sẽ tốt hơn cho mọi người xung quanh và là sự giải thoát, là những người đang gặp những vấn đề cực kì nghiêm trọng và cần sự giúp đỡ khẩn cấp từ các bác sĩ tâm thần”, BS Hiển chia sẻ.
Theo báo cáo của Viện sức khoẻ Tâm thần, BV Bạch Mai, năm 2017 số người tự tử do trầm cảm ở Việt Nam lên đến gần 40.000 người. Báo cáo cũng cho biết thêm, khoảng 30% dân số Việt Nam có các rối loạn về tầm thần, 25% trong số đó là các bệnh về trầm cảm.
Dưới góc độ chuyên môn, các bác sĩ cho rằng khi một bệnh nhân nói muốn chết thì đó không bao giờ là câu nói đùa.
N., 24 tuổi, sống tại Hà Nội tiết lộ cô đã tâm sự với các chị mình, nhưng không ai tin cô thực sự dám tự tử và gần như phớt lờ lời nói của cô.
Tốt nghiệp đại học 2 năm trước, N., vẫn đang loay hoay tìm việc. Những áp lực về công việc, gia đình công với cả chuyện tình yêu đổ vỡ khiến N. nhiều lần nghĩ đến chuyện tự giải thoát cho bản thân.
“Nó không giống như mọi người vẫn nghĩ, ý nghĩ muốn tự sát không phải xuất hiện một cái rồi muốn chết luôn. Nó giống như một quá trình, cái ý nghĩ đó cứ lởn vởn trong đầu, không thoát ra được, như bị ám ảnh vậy”, N. kể thêm.
Tìm đến chuyên gia tâm lý, khám bệnh, uống thuốc, N. nói mình đã khá hơn, nhưng cô không chắc mình khá lên do thuốc hay do những suy nghĩ tiêu cực đã thực sự mất đi.
Các dấu hiệu như mặc cảm tội lỗi và vô dụng, theo các bác sĩ là những dấu hiệu người bị trầm cảm dễ nghĩ đến cái chết, và giúp họ đánh giá được mức độ “mãnh liệt” trong suy nghĩ muốn chết.
Bên cạnh đó việc các bệnh nhân lầm tưởng về mức độ nghiêm trọng về bệnh tình đôi khi khiến cho các phương pháp chữa trị không hiệu quả.
“Mọi người cứ nghĩ vào BV tâm thần tức là bị điên, tôi nói điên ở đây tức là bệnh tâm thần phân liệt, chỉ là một trong cả trăm các bệnh về lĩnh vực tâm thần, bao gồm cả trầm cảm, mất ngủ, lo âu, alzheimer…”, BS Hiển nói.
Trả lời Zing.vn, Ellyson Stout, chuyên gia sức khoẻ cộng đồng với hơn 20 năm kinh nghiệm, hiện là Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Ngăn chặn Tự sát (Suicide Prevention Resource Center), trung tâm về các vấn đề tự sát duy nhất được chính phủ Mỹ bảo trợ, cho biết bà rất ngạc nhiên vì tình trạng tự tử ở Việt Nam lại đáng báo động như vậy.
Bà Stout cho biết đã từng có thời điểm xã hội Mỹ cũng tỏ ra thờ ơ với các bệnh nhân trầm cảm và tự tử, và đã cần rất nhiều công sức và nguồn lực mới có thể thay đổi suy nghĩ của mọi người về tự tử.
“Chúng tôi đã phải mất rất nhiều năm, với nhiều cách thức khác nhau để nâng cao hiểu biết cho người dân về vấn đề này, và tôi nghĩ Việt Nam cũng sẽ như vậy, các phương tiện truyền thông đại chúng đóng vị trí quan trọng trong sự cảnh tỉnh cũng như kêu gọi ủng hộ, tài trợ từ Nhà nước”, bà Stout nói.
Theo BS Thắng cảnh báo, với tình trạng cứ 4 người có một người mắc các bệnh về tâm thần hiện nay tại Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có cái nhìn đúng với tính chất nghiêm trọng của vấn đề.
Hiện tại, ngành tâm thần vẫn được cho là ngành “vừa thiếu, vừa yếu”, trong khi trầm cảm là nguyên nhân dẫn đến hàng chục ngàn cái chết một năm tại Việt Nam, nên nhớ số người chết vì tai nạn giao thông thậm chí còn chưa vượt ngưỡng 15.000 người một năm.
BS Thắng cho rằng: “Ngành tâm thần cần được quan tâm, đầu tư một cách nghiêm túc, các bác sĩ, chuyên gia cần được đào tạo, cung cấp thêm nguồn lực cho ngành”.
Nghiên cứu “Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại một số tỉnh và thành phố ở Việt Nam” thực hiện bởi UNICEF, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Viện Nghiên cứu và Phát triển Hải ngoại đã chỉ ra những yếu kém và thiếu hụt nhiều mặt trong công tác chăm sóc sức khoẻ tâm thần tại Việt Nam.
Nghiên cứu chỉ ra Việt Nam đang rất thiếu đội ngũ y, bác sĩ có trình độ và phù hợp về giới để điều trị cho người bệnh, đặc biệt thiếu nguồn nhân lực có thể giải quyết các vấn đề tâm thần ở trẻ em và người chưa vị thành niên.
Cùng với đó, báo cáo cũng đánh giá thù lao của cán bộ, nhân viên y tế trong ngành tâm thần vẫn còn thấp so với tính chất căng thẳng của công việc và cường độ công việc.
Các trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất cho ngành vẫn bị đánh giá ở mức “nghèo nàn”, chưa đủ đáp ứng điều trị tâm thần cho các bệnh nhân thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, đang còn rất thiếu các bệnh viện tâm thần tuyến tỉnh, và đặc biệt thiếu các chương trình điều trị, khám bệnh cho trẻ em.
BS Thắng cho rằng định kiến là thứ phải bị phá vỡ, cần sự giúp sức của Bộ Y tế, của các cơ quan, phương tiện truyền thông đại chúng.
“Ngành tâm thần thời gian gần đây đã được tiếp xúc nhiều với các công nghệ, phương pháp của thế giới, nhưng chừng đó thôi là chưa đủ, chưa thể đáp ứng cho những người bị bệnh tại Việt Nam”, BS Thắng nói.
BS Thắng, với tư cách là một bác sĩ ngành tâm thần gần 35 năm kiến nghị ngành tâm thần nên được đầu tư mạnh mẽ về nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho từng địa phương.
Theo ông, ngành tâm thần muốn “hết yếu, hết thiếu” chỉ còn cách đầu tư một cách đồng bộ và chuyên nghiệp, chỉ như vậy các bệnh nhân tâm thần và các y bác sĩ ngành này mới hết chịu cảnh thiệt thòi và mặc cảm từ xã hội.