Trước khi nói về việc “tại sao” người ta bị ung thư, chúng ta cùng tìm hiểu “ung thư” xảy ra như thế nào.
Mọi sinh vật sống đều có cấu tạo từ những khối bé tí tẹo gọi là tế bào. Trong cơ thể người có hàng trăm loại tế bào khác nhau, mỗi loại có chức năng riêng. Chúng tạo nên các bộ phận khác nhau trong cơ thể như là da, não hay xương chẳng hạn. Một số tế bào, ví dụ như tế bào não và xương có thể sống nhiều năm, nhưng một số tế bào khác như là tế bào máu chẳng hạn thì chỉ sống được vài tuần.
Cơ thể con người được tạo nên từ hàng nghìn tỉ tế bào, nhiều hơn số sao trên trời bạn có thể nhìn thấy trên bầu trời đêm.
Khi chúng ta lớn lên, cơ thể cần tạo ra những tế bào mới, và khi các tế bào già đi hoặc bị hỏng, chúng chết đi và cần được thay thế bằng các tế bào khác. Nhờ đó mà chúng ta mới khỏe mạnh.
Hãy hình dung một cách đơn giản thế này: ung thư là khi một trong số hàng nghìn tỉ tế bào bắt đầu phát triển một cách bất thường và không chịu chết đi. Sau đó tế bào bất thường này phân chia và tạo nên hàng triệu bản sao của nó. Sự phát triển đó có thể tạo thành một khối u hoặc trong một số trường hợp ví dụ như ung thư máu thì nó lây lan qua đường tuần hoàn máu.
Các tế bào ung thư có thể lây lan sang các bộ phận khác trong cơ thể, khiến cho các bộ phận quan trọng ngừng làm việc và làm cho con người bị ốm hoặc chết.
Copy mật mã – và mắc lỗi
Điều thực sự kì lạ ở các tế bào chính là chúng chứa đựng những chỉ dẫn để tạo ra các bản sao của bản thân chúng. Những chỉ dẫn này được cất trong mật mã gọi là gen, gen được tạo ra bởi một loại hóa chất có tên ADN.
Nếu lấy ADN ra khỏi tất cả các tế bào và xếp chúng thành một hàng thì độ dài của chúng có thể gấp 6-7 lần vòng quanh Mặt Trăng.
Các tế bào cơ bản dùng để viết thành mật mã AND được tạo nên bởi 4 hóa chất được đặt tên là A, C, T và G. Mỗi tế bào sử dụng khoảng 6 tỉ các chữ cái hóa chất này để viết nên chỉ dẫn mật mã của chúng, và phải được sao chép hoàn toàn chính xác mỗi khi tế bào phân chia để tạo nên một bản sao của nó.
Để giúp bạn hiểu được quá trình sinh học kì lạ này, bạn hãy tưởng tượng như việc cố gắng chép đi chép lại toàn bộ bộ truyện Harry Potter hàng nghìn lần bằng cách viết tay. Đó chính là cách mà một tế bào phải làm mỗi khi chúng phân chia, và việc này xảy ra hàng triệu lần trong mỗi một ngày trong cơ thể chúng ta.
Để sao chép tất cả những ADN đó, chắc chắn có lần các tế bào mắc lỗi. Đôi khi, những lỗi này làm thay đổi cả ý nghĩa của cuốn sách chỉ dẫn của tế bào, và khiến cho tế bào phát triển bất thường và tạo nên một khối u. Và chúng ta gọi đó là ung thư.
Vì sao?
Bây giờ chúng ta quay trở lại với câu hỏi vì sao người ta bị ung thư.
Các nhà khoa học có ý kiến khác nhau về nguyên nhân gây ung thư, nhưng nói chung đều nhất trí là do cả sự kém may mắn lẫn do những trải nghiệm mà mọi người trải qua trong cuộc sống. Những yếu tố như là tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng mặt trời, tiếp xúc với một số hóa chất (như khói thuốc lá chẳng hạn), uống rượu, ăn một số thức ăn nào đó và thậm chí là nhiễm một số vi-rút cũng có thể làm tăng khả năng tế bào phân chia lỗi.
Do sự phân chia lỗi đó cũng cần có thời gian, nên ung thư phần lớn được phát hiện ở người nhiều tuổi. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp trẻ con bị ung thư nhưng rất hiếm.
Bạn có thể giảm rủi ro bị ung thư bằng cách sống lành mạnh, cho dù không thể chắc chắn hoàn toàn là sẽ không bao giờ mắc phải, bởi vì có một phần nằm ở sự may mắn chúng ta có được. Điều quan trọng là cho đến nay chưa ai có thể khẳng định vì sao người ta bị ung thư.
Phạm Hường