Tuy nhiên, người phát hiện ra năng khiếu đá bóng của Quang Hải và động viên Hải đi theo con đường bóng đá chuyên nghiệp không phải bố, mà chính là mẹ. Khi kể về câu chuyện cho con theo đuổi đam mê bóng đá, mẹ của cầu thủ sinh năm 1997 nghẹn ngào nói: “Thật ra quyết định cho con đi lúc bấy giờ đã từng bị làng xóm xung quanh nói ra nói vào là tại sao lại cho con đi như thế, người “bé tí” thì làm sao có thể tự lo cho bản thân được”.
Cô Cúc nhớ lại: “Quyết định để con rời xa gia đình, xa vòng tay bố mẹ năm ấy không hề dễ dàng. Ở tuổi lên 9, chưa tự chăm lo cho bản thân được, người con đen nhẻm, bé tí như cái kẹo. Tôi sợ con không có bố mẹ ở bên quan tâm, chăm sóc sẽ thiệt thòi, tủi thân. Mấy hôm liền tôi thức trắng đêm suy nghĩ, cân nhắc, có lần đến bữa cơm tôi bảo: “Hay thôi ở nhà với mẹ, lên đấy rồi ai chăm con”. Hải buông vội bát cơm nói “con sẽ tự chăm mình được, mẹ cho con đi nhé”. Tôi chưa trả lời, con nhất định không ăn cơm. Trước sự quyết tâm của con, hai vợ chồng tôi đồng ý cho con lên trung tâm huấn luyện”.
Ngày đó, Quang Hải xa nhà sang trung tâm đào tạo bóng đá năng khiếu của Hà Nội tại huyện Gia Lâm, Hà Nội. Cậu bé nhỏ xíu mất một thời gian dài để thích nghi và vượt qua điều kiện tập luyện cùng sinh hoạt khắt khe, rồi cũng từ đó Hải dần trưởng thành.
Có con là cầu thủ bóng đá nên hơn ai hết cô Cúc rất hiểu về cuộc sống của những cầu thủ trẻ phải xa gia đình từ rất sớm. Cảm xúc ùa về lại gợi nhớ cho người mẹ này những kỷ niệm của con, cô Cúc tiếp tục kể: “ Đời cầu thủ là xa nhà liên miên, có những năm Quang Hải phải đón Tết không có gia đình bên cạnh. Như ngay năm 2016 thôi, 30 Tết, Quang Hải cùng đồng đội Hà Nội FC thi đấu tại Hàn Quốc đến mùng 3 tết mới về đến nhà. Đến giờ có lúc nói với bố mẹ Hải vẫn nhớ cảm giác buồn, nhớ gia đình và không khí đầm ấm những ngày xuân”.
Cô Cúc kể, mỗi lần cậu về quê ăn Tết, làng tổ chức giải đá bóng ngay sân bóng trước nhà. Bạn bè í ới: "Hải ơi, 97 thua rồi, vào sân đá đi". Hải trong nhà chỉ chực lao ra sân đá cùng chúng bạn. Mẹ nhắc không được ra đá, bởi phải giữ chân để còn đá cho đội. Cậu đi từ trong ra ngoài, hai tay đút túi quần bồn chồn, chân gặp gì cũng đá…”
Để có được thành công như ngày hôm nay, cậu bé loắt choắt, nhỏ xíu ngày nào đã phải rất cố gắng, kiên trì vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống để theo đuổi đam mê. Thật may, trong hoàn cảnh ngày xưa thiếu thốn về vật chất nhưng bố mẹ Quang Hải vẫn luôn bên cạnh chăm lo, động viên từng chút một để cu cậu theo đuổi được ước mơ của mình.
Theo lời kể của cô Cúc, khó khăn lớn nhất mà Quang Hải gặp phải từ trước cho đến năm 2017 là vấn đề về kinh tế.
Đôi mắt rưng rưng, nghĩ thương con, cô nghẹn ngào nói: “Ngày xưa hai vợ chồng tôi nghèo lắm, kinh tế khó khăn, quanh năm làm ruộng, chỉ quẩn quanh trong làng mình. Có bao giờ nghĩ đến việc cho con làm cầu thủ bóng đá đâu. Thấy con đam mê bóng đá nên gia đình đã quyết định cố gắng tạo điều kiện cho con theo đuổi ước mơ. Lúc mới đầu con mới đi, vì gia đình làm nông nghiệp nên rất khó khăn về tiền bạc, chi phí hàng tháng tiền học gia đình vẫn phải đóng.
Thời đó, kinh tế gia đình khó khăn nên gia đình tôi cảm thấy rất may mắn vì được thầy Vũ Minh Hoàng là huấn luyện viên của lò đào tạo trẻ Hà Nội nhận Hải làm con nuôi, quan tâm, lo lắng cho Hải như con ruột.
Chính nhờ người bố nuôi nâng đỡ nên kể từ đây cuộc đời của Hải đã sang một trang mới, một cuộc sống luôn gắn liền với niềm đam mê bóng đá và bước đệm đầu tiên trong sự nghiệp của Hải đó là cùng với đội trẻ Hà Nội T&T. Quang Hải đã giành hàng loạt danh hiệu cao quý từ cá nhân tới tập thể như 2 danh hiệu "Cầu thủ xuất sắc nhất giải" tại U17 quốc gia 2014 và U19 quốc gia 2014; chức Á quân U17 quốc gia 2014 và chức vô địch U19 quốc gia 2014.
Dù còn rất trẻ nhưng Hải luôn là một trong những cầu thủ tỏa sáng nhất ở các giải đấu. Dù giải đấu đó có lớn hay nhỏ, Hải luôn giữ được phong độ và khẳng định được vị trí của mình trên sân.