Bác sĩ giải thích vì sao có tên vi khuẩn “ăn thịt người”

Ngày đăng: 06:29 17/09/2019 Lượt xem: 388


      Bác sĩ giải thích vì sao có tên vi khuẩn “ăn thịt người”


                                                      Nguồn: Báo Điện tử Lao Động

Theo khuyến cáo của bác sĩ tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn “ăn thịt người” nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, hoặc hoại tử vùng viêm nhiễm.

 


Ngày 16.9, đại diện Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An cho biết vẫn đang điều trị tích cực cho 3 bệnh nhi nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (còn gọi là vi khuẩn “ăn thịt người”). Trước đó đã có một bệnh nhân mắc bệnh đã điều trị khỏi, cho xuất viện.

Hình ảnh vi khuẩn “ăn thịt người” qua kính hiểm vi. Ảnh: PV

Trong đó, trường hợp H.B.L (8 tuổi, xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng sốt cao, vùng tai sưng đau, đã điều trị bệnh quai bị ở tuyến dưới không thuyên giảm.

Sau khi chụp, chiếu, xét nghiệm, bác sĩ phát hiện cháu H.B.L. bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn “ăn thịt người”), diễn tiến cấp tính, nên đã quyết định mổ cấp cứu cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hà – Khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, hiện tại tình trạng của H.B.L đã đỡ nhiều nhưng còn phải điều trị khoảng vài tuần nữa bằng kháng sinh liều cao.

Theo bác sĩ Hà, nếu bệnh này không điều trị kịp thời sẽ gây nhiễm trùng máu, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Một số trường hợp nhẹ hơn, thì gây nhiễm trùng tại chỗ, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây hoại tử vùng đó, rất khó liền vết thương nên nhiều người lầm tưởng vi khuẩn này “ăn thịt người".

Bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh cao nếu được điều trị đúng, kịp thời. Nếu không điều trị kịp  thời, bệnh diễn biến nhanh và có nguy cơ tử vong cao.

Bác sĩ Trần Văn Cương – Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, căn bệnh nói trên có tên khoa học là Whitmore (hay melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm từ khuẩn Burkholderia pseudomallei, gây ảnh hưởng đến cả người và động vật.

Bệnh có khả năng lây lan qua qua tiếp xúc với nước và đất bị nhiễm khuẩn, thường xuất hiện ở nơi khí hậu nhiệt đới gió mùa.

( C. H sưu tầm  )

tin tức liên quan