Ông Phan Anh Tú: 'Thử thách chờ Việt Nam ở tứ kết U23 châu Á 2020'

Ngày đăng: 10:59 28/09/2019 Lượt xem: 438

Ông Phan Anh Tú: 'Thử thách chờ Việt Nam ở tứ kết U23 châu Á 2020'

Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú cho rằng Việt Nam sẽ vượt qua vòng bảng, nhưng lập tức đối diện với bức tường thành ngay ở vòng knock-out đầu tiên tại U23 châu Á 2020.

- Ông đánh giá như nào về bảng đấu của Việt Nam ở vòng chung kết U23 châu Á 2020?

Kết quả bốc thăm bảng D khiến tất cả các đội đều hài lòng. Các đội trong bảng đều sàn sàn, và không có đội nào quá mạnh. Thuận lợi của Việt Nam là ba đối thủ đều chơi thiên về sức mạnh, điều chúng ta từng đương đầu và vượt qua nhiều lần dưới thời HLV Park Hang-seo. Theo tôi biết, thành phần của UAE, Triều Tiên lẫn Jordan không có nhiều cầu thủ tinh tế, có đẳng cấp cao. 

UAE sẽ là đối thủ chính của Việt Nam ở bảng này. Đây là đội bóng được đầu tư tốt, có truyền thống lẫn kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Họ cũng thường giành thứ hạng cao ở các giải châu Á gần đây. Tại Asiad 2018, chính họ đã thắng Việt Nam ở trận tranh HC đồng. 

Niềm vui của Việt Nam sau trận thắng Brunei ở vòng loại U23 châu Á. Ảnh: Giang Huy.

Niềm vui của Việt Nam sau trận thắng Brunei ở vòng loại U23 châu Á. Ảnh: Giang Huy.

- Trong một bảng đấu như vậy, với tư cách á quân, Việt Nam sẽ gặp áp lực nào?

- Dưới thời HLV Park Hang-seo, cầu thủ Việt Nam đã quen thi đấu ở những giải lớn nhất châu Á. Về mặt tâm lý, ông Park biết cách tạo ra sự ổn định cho các cầu thủ. Ngoài ra, giải U23 châu Á vẫn là một giải đấu trẻ, nơi được xem là bước đệm giúp các cầu thủ vươn tới đỉnh cao. Kinh nghiệm thực tế của tôi cho thấy, cầu thủ khi chơi những giải trẻ, phần lớn rất hưng phấn, thậm chí không biết sợ hãi gì.

Như nói ở trên, đối thủ của Việt Nam trong bảng là những đội đá thể lực. Trong khi, các cầu thủ tấn công Việt Nam lại chơi kỹ thuật, khéo léo, mang tới nhiều sự khó chịu cho những đối thủ to cao nhưng xoay xở chậm. Thực tế đã chứng minh, Việt Nam dưới thời Park Hang-seo luôn chơi tốt mỗi khi gặp các đội Tây Á. Chúng ta đã thắng Jordan ở Asian Cup 2019, và chơi trên cơ UAE ở Asiad 2018. Với Triều Tiên, Việt Nam cũng thắng đội bóng này 5-2 cách đây ba năm. Tất cả những điều này cho thấy, Việt Nam có nhiều cơ hội vượt qua vòng bảng.

- Nếu vượt qua vòng bảng, đối thủ của Việt Nam ở tứ kết sẽ là một trong bốn đội bảng C, gồm Hàn Quốc, Iran, Uzbekistan, Trung Quốc. Cơ hội của thầy trò Park Hang-seo trước những đội này như nào?

- Bóng đá Việt Nam gặt hái nhiều thành công hơn một năm qua, nhưng chưa thể xếp vào nhóm chiếu trên của châu Á. Khi đã vượt qua vòng bảng, chúng ta phải chuẩn bị sẵn tâm lý là có thể gặp bất cứ đội bóng nào, kể cả những đội nhóm đầu châu lục. Rõ ràng, so với các đội bảng D, đẳng cấp của các đội bảng C cao hơn hẳn.

Để giành vé dự Olympic Tokyo 2020, Việt Nam cần vào top 3 giải này. Ngoại trừ Trung Quốc, cả Hàn Quốc, Iran, Uzbekistan đều là những bức tường thành rất khó vượt qua. Họ không những hơn chúng ta thể hình, thể lực mà còn có những cá nhân xuất sắc, biết xoay chuyển cục diện trận đấu. Trước những đội như vậy, Việt Nam phải chơi quyết tâm, với hơn 100% phong độ, nhưng vẫn cần giữ tâm lý thoải mái.

Tâm lý là yếu tố tối quan trọng ở bóng đá trẻ. Trên đất Thường Châu, Việt Nam nhiều lần bị dẫn trước nhưng vẫn kiên trì tới phút cuối để vào tới chung kết. Thay vì tự tạo áp lực, các cầu thủ hãy suy nghĩ rằng những thế hệ đàn anh trước đây từng mong muốn gặp Hàn Quốc, Iran mạnh nhất nhưng có rất ít cơ hội. Nay chúng ta đã có, thậm chí gặp họ thường xuyên. Đó là một bước tiến mà Việt Nam cần giữ gìn, phát huy. Chỉ cần là chính mình, cộng thêm một chút may mắn, điều gì cũng có thể xảy ra ở những trận loại trực tiếp.

- So với vòng chung kết U23 châu Á 2018, Việt Nam không còn yếu tố bất ngờ. Đâu là điều Việt Nam cần phát huy ở giải năm 2020?

- Việt Nam cần làm tốt ba điều. Thứ nhất là duy trì tính kỷ luật. Thứ hai là đảm bảo sự chắc chắn nơi hàng thủ. Cuối cùng là xử lý bóng khôn ngoan ở cấm địa đối phương. Hai yếu tố đầu là đặc trưng dưới thời HLV Park Hang-seo, khi Việt Nam chơi phòng ngự phản công. Tôi muốn nói kỹ tới ý cuối cùng. Việt Nam không phải đội chơi bóng bổng, cũng không có những chân sút xa tốt. Khi thi đấu châu Á, trước những đối thủ có đẳng cấp cao hơn, biết phòng ngự từ xa kín kẽ, cơ hội đưa được trái bóng tới quanh khu 16m50 là rất ít.

Cầu thủ Việt Nam nhỏ con, đủ sức luồn lách trong phạm vi hẹp trong cấm địa. Vấn đề là chúng ta cần biết chắt chiu những tình huống đưa được bóng tới khu vực có thể dứt điểm. Nếu không thể sút, cầu thủ cần biết che chắn, hoặc chờ đồng đội tiếp ứng. Mục đích là tìm những quả đá phạt gần khung thành, thậm chí phạt đền. Tại Thường Châu, Việt Nam đi tới chung kết, một phần nguyên nhân đến từ việc chúng ta tận dụng rất tốt những pha bóng như vậy.

Thắng Nguyễn

tin tức liên quan