"Các VĐV Việt Nam là số một ở châu Á. Tôi có thể đề ra chiến thuật nhưng sẽ không thể thành công nếu không có ý chí của họ", chuyên gia Vladimir Hristov chia sẻ với VnExpress.
|
Chuyên gia Vladimir Hristov đánh giá cao tiềm năng của Nhật Hoàng (bìa trái). Ảnh: Quang Huy.
|
HLV Hristov là người đề ra chiến thuật "dị", giúp Việt Nam về nhất nội dung 4 x 400 m hỗn hợp hôm 7/12. Đó là HC vàng đầu tiên của điền kinh Việt Nam tại Philippines. Ở ngày thi đấu cuối cùng 10/12, Quách Công Lịch, Lương Văn Thao, Trần Đình Sơn và Trần Nhật Hoàng chiến thắng ở nội dung tiếp sức 4 x 400 m, giúp điền kinh Việt Nam kết thúc SEA Games 30 với 16 HC vàng.
Chứng kiến màn trình diễn của các học trò, chuyên gia người Bulgaria vỡ oà trong hạnh phúc, không kém các đồng nghiệp Việt Nam. Ông chạy vào sân, ôm và chúc mừng các học trò.
"Ở tuổi 19, Nhật Hoàng đủ sức cạnh tranh huy chương ở Olympic trẻ và có thể Olympic trong tương lai. Bây giờ, cậu ấy đã là nhà vô địch SEA Games rồi. Đình Sơn cũng rất tiềm năng, giành hai HC vàng tại Đại hội lần này", HLV Hristov - người đã gắn bó với điền kinh Việt Nam bốn năm - nói. "Tôi nghĩ điền kinh Việt Nam đủ sức cạnh tranh huy chương tại Asiad. Năm ngoái, chúng tôi đã giành HC vàng ở đấu trường đó rồi. Tôi nghĩ VĐV Việt Nam đủ sức lặp lại chiến tích đó trong tương lai. Bây giờ, chúng tôi sẽ bắt đầu cho kế hoạch đó".
Bên cạnh đóng góp của các VĐV, trưởng bộ môn Điền kinh thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao Dương Đức Thuỷ cho rằng không thể quên công sức của đội ngũ huấn luyện trong thành công của điền kinh tại SEA Games năm nay. "Tôi dành sự trân trọng cho chuyên gia người Bulgaria Vladimir Hristov Simeonov. Người đã gắn bó với cự ly 400 m nam nữ của Việt Nam suốt bốn năm qua. Cho đến giờ, tôi vẫn khó lý giải được tại sao chiến thuật lạ lùng ở nội dung tiếp sức 4 x 400 m hỗn hợp lại thành công đến thế".
Tại SEA Games 30, Việt Nam đứng nhất toàn toàn ở bộ môn điền kinh, với 16 HC vàng, 12 HC bạc và 10 HC đồng. Con số 16 HC vàng có thấp hơn so với thành tích ở SEA Games 29 trên đất Malaysia (17 HC vàng), nhưng vẫn ghi nhận sự tiến bộ lớn về chất lượng.
Điền kinh Việt Nam thống trị các nội dung chạy cự ly trung bình, lần đầu tiên chiến thắng ở nội dung 4x400 mét nam, và nội dung mới được đưa vào chương trình thi đấu - tiếp sức hỗn hợp nam nữ 4 x 400 mét. Bên cạnh các gương mặt quen thuộc như Lê Tú Chinh, Quạch Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh, Dương Văn Thái, Đỗ Quốc Luật, điền kinh Việt Nam cũng trình làng nhiều gương mặt mới, thành công vượt mong đợi như Trần Nhật Hoàng, Trần Đình Sơn, Phạm Thị Thu Trang, Đinh Thị Bích....
Danh sách các nội dung mang HC vàng về cho điền kinh Việt Nam:
Nữ: 100 mét (Lê Tú Chinh), 400 mét (Nguyễn Thị Huyền), 800 mét (Đinh Thị Bích), 1500 mét (Nguyễn Thị Oanh), 5000 mét (Nguyễn Thị Oanh), 10.000 mét (Phạm Thị Huệ), 400 mét rào (Nguyễn Thị Huyền), 3000 mét vượt chướng ngại vật (Nguyễn Thị Oanh), tiếp sức 4 x 400 mét nữ (Nguyễn Thị Oanh - Quách Thị Lan - Hoàng Thị Ngọc - Nguyễn Thị Hằng), 10.000 mét đi bộ (Phạm Thị Thu Trang).
Nam: 400 mét (Trần Nhật Hoàng), 800 mét (Dương Văn Thái), 1500 mét (Dương Văn Thái), 3000 mét vượt chướng ngại vật (Đỗ Quốc Luật), tiếp sức 4 x 400 mét (Quách Công Lịch - Lương Văn Thảo - Trần Đình Sơn - Trần Nhật Hoàng).
Hỗn hợp nam nữ: tiếp sức 4 x 400 mét (Nguyễn Thị Hằng - Trần Nhật Hoàng - Quách Thị Lan - Trần Đình Sơn).
|
Việt Nam đứng nhất toàn toàn trong môn điền kinh, cả HC vàng lẫn tổng số huy chương.
|
Quang Huy (từ New Clark City)