Tết đến với nhiều loại thức ăn, nước uống chứa nhiều đường, chất béo; giờ giấc dùng bữa xáo trộn khiến người mắc bệnh đái tháo đường dễ tăng chỉ số đường huyết. Hơn ai hết, đối tượng này cần kiểm soát chế độ ăn nghiêm ngặt trong năm mới để không làm bệnh trầm trọng hơn, hạn chế biến chứng tim mạch, thận, thần kinh...
Chế độ dinh dưỡng hợp lý, ổn định đường huyết sẽ giúp người đái tháo đường, tiền đái tháo đường đón Tết vui khỏe. Dưới đây là một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho những đối tượng này.
Ưu tiên nhóm bột đường có chỉ số đường huyết thấp
Đồ ngọt trong ngày Tết là nguyên nhân chính làm cho tình trạng bệnh đái tháo đường nghiêm trọng hơn vì chúng có chỉ số đường huyết cao. Bạn nên chọn thực phẩm làm tăng đường huyết chậm, có chỉ số GI dưới 55; hạn chế các loại làm tăng nhanh đường huyết GI từ 70 trở lên.
Người đái tháo đường nên hạn chế tối đa các loại hoa quả sấy khô, mứt... Ưu tiên nhóm bột đường giúp cơ thể tăng sản xuất insulin nhiều hơn, giảm tốc độ đường vào máu như gạo còn vỏ cám, khoai, ngũ cốc nguyên hạt.... Các loại gạo trắng, bánh mì trắng miến, bột sắn dây, các loại củ nướng... làm tăng đường máu nhanh và cao sau khi ăn nên hạn chế.
|
Người đái tháo đường nên kiêng các loại bánh ngọt để có ngày Tết vui khỏe.
|
Người đái tháo đường cần giảm lượng tinh bột chứ không cắt bỏ hoàn toàn như một số người thường nghĩ và vẫn có thể sử dụng loại đường "thân thiện" được chiết xuất từ rau củ quả, ví dụ như đường isomaltulose. Tỷ lệ năng lượng đến từ nhóm bột đường nên đạt 50-60% tổng số năng lượng khẩu phần.
Bạn có thể dùng một đến hai ly sữa mỗi ngày để cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết như canxi, phốt pho, vitamin K2, D3... Lưu ý không dùng loại sữa có đường cao, ưu tiên chọn sản phẩm dùng đường isomaltulose, có chỉ số đường huyết thấp khoảng GI=26,9.
Ăn nhiều rau củ quả
Rau củ quả là nhóm thực phẩm được bác sĩ khuyến khích người đái tháo đường dùng thường xuyên vì giúp kiểm soát và khống chế lượng đường trong máu, bổ sung vitamin và khoáng chất, làm giảm cholesterol xấu.
Các công trình nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng, chất xơ hòa tan FOS là loại đường có nguồn gốc tự nhiên, dễ lên men, giúp duy trì sự cân bằng các vi khuẩn có lợi ở đường ruột, hạn chế táo bón. Chất xơ hòa tan còn có khả năng giảm bớt tốc độ tiêu hóa và hấp thụ thức ăn trong dạ dày ở mức độ nhất định, từ đó làm giảm chỉ số đường trong máu. Để có lợi cho sức khỏe, bạn nên tăng cường hấp, luộc, hạn chế chiên, rán; tránh nấu thức ăn quá chín, mở nắp nồi thường xuyên dẫn đến mất chất.
|
Rau quả xanh ít calo, nhiều chất xơ giúp kiểm soát chỉ số đường huyết.
|
Hạn chế thực phẩm chứa nhiều chất béo
Thực phẩm chế biến sẵn, chiên xào, thịt mỡ... hấp dẫn ngày Tết dễ khiến người đái tháo đường ăn uống khó kiểm soát. Bệnh nhân đái tháo đường thường bị bệnh rối loạn chuyển hóa mỡ kèm theo các nguy cơ về bệnh tim mạch nên cần hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (transfat).
Chất béo bão hòa thường có trong thực phẩm từ nguồn gốc động vật. Chúng dễ gây tăng cân, chứa nhiều cholesterol không tốt. Bác sĩ dinh dưỡng khuyên hạn chế thực phẩm chế biến sẵn vì chứa nhiều transfat.
Tuy nhiên, người đái tháo đường không phải kiêng hết tất cả chất béo, vẫn có chất béo có lợi cho sức khỏe (chất béo không bão hòa), tiêu biểu là omega 3 và omega 6. Chất béo không no một nối đôi và nhiều nối đôi như MUFA, PUFA còn hỗ trợ ổn định huyết áp, giảm lượng cholesterol có lợi cho đối tượng này. MUFA và PUFA thường có trong thực phẩm nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu đậu nành, bơ...; một số loại cá như cá hồi, cá chép, cá thu; sữa và các chế phẩm từ sữa.
Tỷ lệ năng lượng đến từ chất béo nên chiếm 25% tổng năng lượng khẩu phần và không nên vượt quá 30% mỗi ngày.
Hạn chế nguồn đạm động vật
Người đái tháo đường nên giảm nguồn đạm động vật như thịt mỡ, da, phủ tạng động vật.... Việc hấp thụ nhiều đạm từ thức ăn động vật làm tổn thương sự nhạy cảm insulin của tế bào và tăng cường tình trạng kháng insulin của cơ thể. Người tiêu thụ đạm động vật cao thường có nguy cơ đái tháo đường tuýp hai cao hơn những đối tượng dùng ở mức vừa phải hoặc hạn chế.
Nếu ăn thịt nên chọn loại không có mỡ, thịt gia cầm loại bỏ da vì chứa nhiều cholesterol, ưu tiên đạm thực vật như đậu, các loại hạt, trứng... Cá cung cấp nguồn đạm thay thế cho thịt rất tốt, được khuyến cáo nên dùng ít nhất hai lần mỗi tuần.
Ngoài việc cân bằng bốn nhóm chất, đối tượng này cần ăn uống điều độ, đúng giờ, giữ cân nặng trong khoảng BMI = 20-22 (BMI bằng cân nặng tính theo kg chia bình phương chiều cao tính theo m).
Tổng năng lượng trung bình cho người mắc bệnh đái tháo đường mỗi ngày khoảng 1.500 kcal, có thể chia làm 600 kcal vào buổi sáng, 500 kcal cho buổi trưa và 400 kcal vào buổi chiều. Khi ăn cần nhai kỹ, dùng bữa xong có thể vận động nhẹ, tránh ngồi một chỗ.
Không riêng người bị đái tháo đường mà mọi người khi Tết đến nên có kế hoạch ăn uống khoa học, dùng đa dạng thực phẩm, giàu chất dinh dưỡng, ít chất béo, năng uống sữa.
Kim Uyên